Vì sao nhiều "người rừng" ở Tây Nguyên đồng loạt đòi nghỉ việc?

"Cứ nhìn đến vết sẹo trên cơ thể là tôi lại nhớ rừng da diết nhưng quay về với nghề, chắc tôi từ chối", anh Ngọc Anh - người từng có gần 10 năm gắn đời mình với nghề bảo vệ rừng - ngậm ngùi tâm sự.

Từ nhiều năm qua, vấn đề quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên chưa bao giờ hết "nóng". Trách nhiệm của người quản lý được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên đời sống của những người ngày đêm bảo vệ rừng dường như chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

"Nhớ rừng da diết, nhưng quay về với nghề, chắc tôi từ chối"

Đó là lời than thở buột ra từ miệng một người từng có 10 năm công tác trong ngành quản lý, bảo vệ rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) khi được chúng tôi hỏi lý do anh đã rời bỏ rừng.

Vì sao nhiều người rừng ở Tây Nguyên đồng loạt đòi nghỉ việc? - 1

Cán bộ quản lý bảo vệ rừng ngày đêm bám rừng với áp lực công việc rất lớn (Ảnh: Uy Nguyễn).

Anh Nguyễn Ngọc Anh (34 tuổi) vẫn còn nhớ như in quãng thời gian công tác trong nghề. Từ ngày trẻ, anh xông xáo cùng anh em đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tại những tiểu khu xa xôi, cách trở, những nơi không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại… Mỗi tháng, anh cũng như các đồng nghiệp, chỉ về nhà được một lần.

Việc di chuyển trên những con đường bùn lầy, nhão nhoẹt hay băng qua những con suối trơn trượt dường như đã quá quen thuộc đối với anh. Bản thân anh xác định vào nghề sẽ chịu khổ, không ngại gian nan.

Một vài ký gạo, đôi gói mì tôm, ít lương khô, một chiếc võng… là đủ cho hành trình hàng tuần liền giữ rừng của cán bộ bảo vệ rừng.

Vì sao nhiều người rừng ở Tây Nguyên đồng loạt đòi nghỉ việc? - 2

Băng rừng, lội suối với những bữa cơm nắm vội vã (Ảnh: Uy Nguyễn).

Vào đúng ngày Noel năm 2010, khi đang cùng đồng nghiệp tuần tra bằng xe máy trên đường hướng ra khu vực rừng giáp ranh huyện M'Đrắk, anh Nguyễn Ngọc Anh bị lâm tặc mật phục và bắn liên tiếp nhiều phát đạn chì vào người.

"Trong đoàn có tôi bị dính 29 viên đạn và anh Trạm trưởng dính 5 viên. Bị đạn găm vào cơ thể tôi ngã quỵ xuống đường, cả người đau buốt đến tái tê và lập tức được đưa ra khỏi rừng để chữa trị", anh Nguyễn Ngọc Anh nhớ lại.

Máu, mồ hôi và cả nước mắt của anh nhỏ xuống trên con đường mòn trong rừng để về thị trấn cấp cứu. Ấy vậy mà khi vết thương vừa chớm lành, anh cán bộ bảo vệ "lá phổi xanh" Tây Nguyên lại vội vàng quay về rừng nhận nhiệm vụ như chưa từng có điều gì xảy ra.

Kiểm lâm bị đánh _ Đắk Lắk _ CTV.jpeg

Việc bị lâm tặc manh động, hung hãn tấn công không còn quá xa lạ với những người gắn đời mình với nghề quản lý, bảo vệ rừng (Ảnh: Nguyễn Tân).

Đam mê và yêu nghề là vậy nhưng anh Ngọc Anh chỉ bám trụ thêm 8 năm rồi nộp đơn xin thôi việc. Anh nói anh chịu được khổ nhưng áp lực giữ rừng quá lớn và anh không có điều kiện lo được cho bố mẹ già nơi quê nhà. Vậy nên anh đành dừng lại.

"Tôi quay về Nghệ An rồi xin ra biên giới làm bốc vác thuê, sau đó lại vào Bình Dương bám trụ đủ thứ nghề để kiếm sống. Cứ nhìn đến vết sẹo trên cơ thể là tôi lại nhớ rừng da diết nhưng để quay về nghề giữ rừng chắc tôi sẽ từ chối", anh Ngọc Anh ngậm ngùi.

Vì sao nhiều người rừng ở Tây Nguyên đồng loạt đòi nghỉ việc? - 4

Những chuyến băng rừng đầy gian nan vất vả (Ảnh: Uy Nguyễn).

Anh Trịnh Xuân Ánh (29 tuổi) từng công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã đành bỏ công việc bảo vệ rừng sau 3 năm gắn bó.

Theo anh Ánh, với mức lương chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/tháng, công việc rất áp lực, vì phải liên tục bám rừng. Bên cạnh đó, anh cũng nhận thấy cơ chế ngành khắt khe và việc phải đảm bảo cho cuộc sống gia đình nên anh đành xin nghỉ việc để làm nghề kinh doanh mưu sinh.

Nhiệm vụ nặng nề, lương thấp, áp lực lớn

Ông Bùi Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông - cho biết, Công ty quản lý tổng cộng trên 24.450 ha (trong đó diện rừng tự nhiên 22.000 ha).

Trung bình mỗi cán bộ được phân công quản lý khoảng 400 ha; tuy nhiên, mức thu nhập cho người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng của đơn vị chỉ khoảng 4,5 - 5,2 triệu đồng/tháng và không có thưởng.

Đơn nghỉ việc _ Đắk Lắk _ Thúy Diễm.jpeg

Bùi Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông  buồn bã khi cầm trên tay hàng chục lá đơn xin nghỉ việc (Ảnh: Thúy Diễm).

Theo ông Tuấn, cùng làm chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng nhưng kiểm lâm là công chức, viên chức được hưởng phụ cấp, còn ở công ty, người giữ rừng chỉ là người lao động nên mức thu nhập thấp.

"Đời sống khó khăn, xa gia đình liên tục, áp lực công việc lớn nên từ năm 2020 đến nay đã có 20 người làm đơn xin nghỉ việc. Khi anh em nộp đơn, tôi cũng có động viên, khuyên nhủ nhưng đa phần anh em đều cảm thấy đã đến lúc không trụ lại được nữa. Thực sự áp lực công việc giữ rừng rất lớn, công việc đòi hỏi sự hi sinh lăn xả nhưng đồng lương thấp quá, anh em không lo được cho gia đình", ông Tuấn bùi ngùi chia sẻ khi đang cầm trên tay hàng chục lá đơn xin nghỉ của cấp dưới.

Vì sao nhiều người rừng ở Tây Nguyên đồng loạt đòi nghỉ việc? - 6

Thời gian qua hàng chục cán bộ, nhân viên gửi đơn xin bỏ nghề giữ rừng (Ảnh: Thúy Diễm).

Được biết, lâm phần của đơn vị tiếp giáp với 40 thôn buôn, cán bộ quản lý bảo vệ 5 phân trường với 6 chốt rừng, chốt xung yếu đóng 24/24. Đặc biệt, phần diện tích gỗ quý hiếm của đơn vị trải dài 6 tiểu khu với trên 4.500 ha và khoảng 12.000 người dân tộc Mông di dân tự do cũng là áp lực lớn trong quá trình bảo vệ rừng bảo vệ rừng.

Đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (tỉnh Đắk Nông) mức lương trung bình cũng chỉ vào khoảng 4 triệu đồng/tháng khiến đời sống của các cán bộ, nhân viên gặp nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo đơn vị này, do nguồn thu trung bình nguồn thu hàng năm của Công ty khoảng 2,35 tỷ đồng (bao gồm nguồn thu chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 1,4 tỷ đồng và nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 950 triệu đồng) rất eo hẹp. Trong khi đó, khối lượng công việc và nhiệm vụ giữ rừng rất lớn, các cán bộ phải "căng" mình để hoàn thành.

Tâm sự với PV Dân trí, anh Nguyễn Duy Dũng (35 tuổi) - nguyên phân trường trưởng phân trường Ea Tlong (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông) đã nộp đơn xin nghỉ việc sau 9 năm công tác vì không chịu được áp lực quá lớn từ công việc.

"Với chúng tôi sức ép của người làm nhiệm vụ quản lý rừng càng ngày càng lớn. Chúng tôi làm hết 100% sức mình vẫn không dám khẳng định rừng không bao giờ bị xâm hại. Cùng với nhiều lý do khác, nhiều người chọn buông bỏ dù đang rất yêu rừng", anh Dũng tâm tư.

Vì sao nhiều người rừng ở Tây Nguyên đồng loạt đòi nghỉ việc? - 7

Thực tế cho thấy các cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng phải nỗ lực hết sức mới bám trụ được với nghề (Ảnh: Uy Nguyễn).

Tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar là đơn vị "nóng" nhất về vấn đề quản lý, bảo vệ rừng khi cả Giám đốc, Phó giám đốc cùng hàng loạt nhân viên bị truy tố vào tháng 8/2021 khi để mất rừng.

Ông Nguyễn Phi Tiến - Phó Giám đốc phụ trách Công ty - cho biết, hiện đơn vị đang trong tình trạng thiếu hụt nhân sự khi toàn bộ có 36 cán bộ, nhân viên quản lý khoảng 14.000 ha rừng nhưng trải dài trên địa bàn 6 xã.

"Sau sự cố, với áp lực quá lớn đã có 9 đồng chí tự làm đơn xin nghỉ việc, tôi cũng động viên nhiều thì một vài người mới chịu quay lại làm việc", ông Tiến cho hay.

Cũng theo ông Tiến hiện áp lực nặng nề nhất tại đơn vị đó là quản lý rừng, trong khi trên 700 hộ dân Mông của Dự án Krông Pắk Thượng được bố trí tái định cư trên địa bàn. Nếu không quản lý chặt chẽ người dân sẽ vào rừng lấn chiếm đất làm nương rẫy nên công tác quản lý càng "căng" hơn bao giờ hết.

Vì sao nhiều người rừng ở Tây Nguyên đồng loạt đòi nghỉ việc? - 8

Đời sống khó khăn, áp lực cao... là một trong những rào cản của nghề giữ rừng (Ảnh: Uy Nguyễn).

Ngoài những khó khăn kể trên, nhiều năm trở lại đây, thực trạng ly hôn liên tiếp diễn ra đối với cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng. Chỉ tính riêng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn đã có khoảng 20 cặp ly hôn mà đa phần đều do người vợ chủ động.

Một phụ nữ ngoài 40 tuổi (ngụ huyện Buôn Đôn) - vợ một cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn - chia sẻ nguyên nhân chính dẫn đến quyết định ly hôn của chị là do tính chất công việc của anh.

Vì sao nhiều người rừng ở Tây Nguyên đồng loạt đòi nghỉ việc? - 9

Lăn lộn với nghề, ít có thời gian cho vợ con, không ít người làm nghề quản lý, bảo vệ rừng bị đổ vỡ hạnh phúc gia đình (Ảnh minh họa).

Khi nghe thông tin về cấp dưới liên tục ly hôn, lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn cũng nhiều lần mời cả vợ lẫn chồng đến để động viên với mong muốn hàn gắn nhưng thường không có kết quả.

(Còn nữa)

Thúy Diễm