Vì sao Hải Phòng cứ mưa lớn phố lại thành sông?

Cứ mỗi khi có mưa lớn, nhất là vào thời điểm gặp triều cường là các tuyến đường trung tâm của TP Hải Phòng lại xảy ra tình trạng ngập lụt nặng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Vì sao Hải Phòng cứ mưa lớn phố lại thành sông? - 1

Cứ mưa lớn là đường phố Hải Phòng lại ngập nặng.

Những năm gần đây, tình trạng ngập lụt khi có mưa lớn (trên 100 mm), nhất là khi kết hợp triều cường, đã trở nên quen thuộc với người dân Hải Phòng. Tình trạng này cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông và sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây.

Điển hình như cơn mưa lớn kéo dài từ đêm đến sáng ngày 26/8 khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư ở Hải Phòng chìm trong biển nước.

Theo thống kê, có tới 35 tuyến đường thuộc các quận trung tâm và 80% khu dân cư bị ngập lụt. Thậm chí, các tuyến đường lớn như Tô Hiệu, Cầu Đất, Lê Lợi, Hai Bà Trưng,… có nhiều đoạn còn ngập sâu tới 50 cm.

Vì sao Hải Phòng cứ mưa lớn phố lại thành sông? - 2

Trận mưa ngày 26/8 vừa qua nước hồ điều hòa tràn lên mặt đường gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông.

Còn tại các khu dân cư ở đường Đình Đông, Đổng Quốc Bình, Chùa Hàng, phố Chợ Đôn… thì nước tràn cả vào trong nhà, nhiều hộ dân phải di chuyển lên tầng trên sinh hoạt.

Cơn mưa lớn gây ngập lụt cũng khiến nhiều khu vực bị ùn tắc, giao thông bị đình trệ do nhiều người dân muốn đến nơi làm việc nhưng xe bị chết máy do di chuyển qua các điểm ngập lụt.

Chưa kể, ngay tại các khu vực hồ, mương điều hòa, mưa lớn khiến nước dâng cao tràn lên mặt đường, các cột lan can thưa thớt gây nguy hiểm cho người dân sống ở khu vực này.

Vì sao Hải Phòng cứ mưa lớn phố lại thành sông? - 3

Khu vực xảy ra vụ đuối nước khiến 2 bé gái tử vong trong trận mưa ngày 26/8 vừa qua (Ảnh: CTV).

Một vụ đuối nước thương tâm cũng đã xảy ra tại khu vực hồ điều hòa Tiên Nga (đoạn thuộc phường Gia Viên, quận Ngô Quyền) khiến hai bé gái sinh năm 2009 và 2010 tử vong trong trận mưa ngày 26/8.

Chị N.H.T (40 tuổi), chủ một cửa hàng kinh doanh hoa quả ở Tô Hiệu, quận Lê Chân cho biết, nhiều năm qua nhà chị rơi vào tình cảnh cứ trời mưa lớn là cả nhà lại phải chạy đồ vì nếu mưa lớn và kéo dài, nước sẽ tràn vào tầng một.

Tương tự, bà P.T.N (80 tuổi, ở phố Chợ Đôn, quận Lê Chân) chia sẻ, khu phố nơi bà đang ở vừa được Công ty TNHH MTV Thoát nước đầu tư, nâng cấp đường ống thoát nước nên mưa với lưu lượng vừa thì các hộ dân yên tâm sinh hoạt. Tuy nhiên nếu mưa lớn, kéo dài nhất là vào lúc triều cường thì chuyện nước tràn vào tầng một với các hộ có cốt nền thấp là khó tránh khỏi.

Nguyên nhân nào khiến Hải Phòng ngập lụt?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng cho biết, những năm gần đây, do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dẫn đến trên địa bàn thành phố thường xuyên xuất hiện mưa lớn có cường độ cao trên 100 mm, cá biệt có những trận mưa trên 250 mm.

Lượng mưa có cường độ cao kết hợp với nước biển dâng, trong khi cốt nền hiện trạng của các khu vực thuộc quận trung tâm tương đối thấp dẫn đến ngập lụt là không tránh khỏi.

Bên cạnh đó, diện tích hồ điều hòa khu vực quận nội thành hiện nay có gần 70 ha, chỉ đáp ứng 20% diện tích hồ điều hòa theo quy hoạch diện tích thoát nước mặt (400 ha cho khu vực 4 quận nội thành). Việc thiếu diện tích hồ điều hòa làm khả năng lưu trữ nước mưa gặp nhiều hạn chế.

Một yếu tố quan trọng nữa khiến khu vực nội đô xảy ra tình trạng ngập lụt là do tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, trong khi đó hệ thống thoát nước tại các khu vực trên lại chưa phát triển kịp.

Vì sao Hải Phòng cứ mưa lớn phố lại thành sông? - 4

Mật độ dân số đông nhưng ý thức người dân còn hạn chế cùng với tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh trong khi hệ thống thoát nước không đáp ứng kịp cũng là một nguyên nhân gây ngập lụt (Ảnh minh họa)

Chưa kể, mật độ dân số đông trong khi ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên vẫn còn hiện tượng xả chất thải, rác thải, vôi vữa gạch vỡ xuống các kênh, mương, cửa xả tiêu thoát nước khiến các miệng thu tiêu thoát nước bị thu hẹp, thậm chí bị bịt lại, gây ách tắc dòng chảy.

Ngoài ra, một số dự án thoát nước mưa, nước thải thi công dở dang, kéo dài hoặc quá trình thi công không đảm bảo kỹ thuật, không thực hiện việc đấu nối cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Ứng phó với ngập lụt như thế nào?

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng, việc vận hành hệ thống thoát nước là một trong những yếu tố then chốt để ứng phó với tình trạng ngập lụt tại khu vực nội đô.

Do đó, công ty đã hợp tác với TP Kitakyushu của Nhật Bản để đưa ra bộ quy trình vận hành hệ thống thoát nước: mương, hồ điều hòa, trạm bơm và quán triệt cán bộ công nhân viên phải vận hành đảm bảo, đúng quy trình.

Vì sao Hải Phòng cứ mưa lớn phố lại thành sông? - 5

Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước kiểm tra, gia cố hệ thống thoát nước.

Đối với công tác xử lý úng ngập đô thị, trước mưa bão, công ty phối hợp cùng với các Ban QLDA, nhà thầu thi công tiến hành tháo dỡ tất cả các điểm hoành triệt trên hệ thống thoát nước và khơi thông mương, rãnh dẫn dòng đảm bảo tiêu thoát nước…

Công ty cũng yêu cầu Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư đang thi công các dự án ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước của thành phố phải có phương án dẫn dòng đảm bảo tiêu thoát nước cho các lưu vực thoát nước hiện trạng và có phương án ứng phó khi sự cố xảy ra trong suốt thời gian thi công các hạng mục của dự án.

Cũng theo công ty này, trong thời gian vừa qua Hải Phòng đã và đang đầu tư những dự án trong lĩnh vực thoát nước nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước cho thành phố. Tuy nhiên, để giảm đến mức tối đa hiện tượng ngập lụt trên địa bàn thành phố cần xây dựng thêm  nhiều 32 nhà máy xử lý nước thải tập trung, bổ sung thêm 447,84 km đường cống và 174 trạm bơm nước thải.

Vì sao Hải Phòng cứ mưa lớn phố lại thành sông? - 6

Nạo vét hệ thống thoát nước định kỳ.

Đối với các mương hồ điều hòa chưa có lan can, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hải Phòng cho biết, đơn vị đã có văn bản đề xuất cho lắp đặt lan can và điện chiếu sáng cho các mương, hồ điều hòa còn thiếu trên địa bàn.

 An Nhiên