'Tỷ phú vay nợ' Trung Quốc khiến nhóm bạn giàu có phải trả giá đắt

Mối lo ngại về "bom nợ" của China Evergrande Group - đế chế bất động sản hàng đầu Trung Quốc - ngày càng gia tăng. Những nhà đầu tư giàu có đổ tiền vào tập đoàn này thiệt hại nặng.

Theo Bloomberg, khi Evergrande gặp khó, tỷ phú Hứa Gia Ấn đã vay mượn tiền từ các mối quan hệ thân quen của mình. Những người bạn giàu có của ông mua cổ phần trong Evergrande, mua trái phiếu hoặc nhiều cách khác.

Với vốn mới, ông Hứa chi tiền cho hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản và một công ty khởi nghiệp xe điện. Tuy nhiên, khi giá cổ phiếu của Evergrande và các công ty con lao dốc, ông Hứa và những người bạn của mình phải trả giá đắt.

Giá cổ phiếu của tập đoàn bất động sản sụt giảm khoảng 70% trong năm nay. Cổ phiếu Evergrande Property Services Group Ltd. sụt giá 34% so với giá IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).

Ty phu Hua Gia An anh 1

Mối lo ngại về tình trạng nợ nần của China Evergrande Group của tỷ phú Hứa Gia Ấn ngày càng gia tăng. Ảnh: Bloomberg.

Mối quan hệ thân quen

Vào tháng 1, các nhà đầu tư đã chi 3,4 tỷ USD để mua cổ phần của China Evergrande New Energy Vehicle Group - startup xe điện của tỷ phú Hứa Gia Ấn. Tuy nhiên, giá trị khoản đầu tư lao dốc hơn 70% kể từ đó đến nay.

Họ cũng chưa thể bán do thỏa thuận không được rút vốn đầu tư. Tháng 5, Evergrande cũng bán 1,4 tỷ USD cổ phiếu khác trên thị trường mở cho các nhà đầu tư không tiết lộ.

Giới đầu tư lo ngại công ty sẽ phải bán tài sản với mức giá thấp. Điều đó khiến cổ phiếu của các công ty con niêm yết của Evergrande cũng sụt giá. Đế chế bất động sản hàng đầu Trung Quốc hiện mắc nợ tổng cộng 300 tỷ USD.

Hồi tháng 1, ông Hứa đã bán 26 tỷ HKD (tương đương 3,4 tỷ USD) cổ phần trong startup xe điện của Evergrande cho 6 nhà đầu tư. Giai đoạn lock-up (không rút được vốn đầu tư) kéo dài 12 tháng.

Đó là thời điểm thị trường chứng khoán toàn cầu gia tăng mạnh mẽ. Giới đầu tư cũng quan tâm đến các nhà sản xuất xe điện. Sau tin tức, giá cổ phiếu của China Evergrande NEV Group tăng mạnh 50%.

Các nhà đầu tư mua cổ phiếu với giá 27,3 HKD/cổ phiếu. Hôm 27/8, giá đã lao dốc về 6,5 HKD/cổ phiếu.

Ty phu Hua Gia An anh 2

Vào tháng 1, các nhà đầu tư đã chi 3,4 tỷ USD để mua cổ phần của startup xe điện của tỷ phú Hứa Gia Ấn. Ảnh: Bloomberg.

Nhóm 6 nhà đầu tư bao gồm ông Chen Hua, Chủ tịch Kingkey Group. Ông đã bỏ 5 tỷ HKD vào startup EV của ông Hứa thông qua một công ty con. Cá nhân ông Wong Kwong Miu, ông chủ Shenzhen Centralcon Investment Holding Co. (có trụ sở tại Trung Quốc đại lục), cũng đầu tư 5 tỷ HKD. Còn chủ tịch China Gas Holdings Ltd. Liu Ming Hui rót 3 tỷ HKD.

Shenzhen Greenwoods Investment Group của ông Wang Zhongming cũng đầu tư 5 tỷ USD. Bà Chan Hoi-wan - Giám đốc điều hành China Estates Holdings Ltd., vợ tỷ phú Hong Kong Joseph Lau - bỏ 3 tỷ HKD vào startup xe điện. Trong khi đó, ông Wang Kaiguo đầu tư 5 tỷ HKD thông qua Heyirong International Trade Co.

Công ty quản lý tài sản của Evergrande cũng huy động được 14,3 tỷ HKD trong đợt IPO trên sàn Hong Kong hồi tháng 11. Đợt chào bán có đến 23 nhà đầu tư nền tảng (cornerstone investor), tức những nhà đầu tư cam kết đầu tư trước một số tiền, hoặc mua lượng cổ phiếu nhất định.

Cái giá đắt

Theo một hồ sơ được Bloomberg ghi nhận, 3 trong số các nhà đầu tư chiến lược của startup xe điện cũng là những nhà đầu tư nền tảng của đơn vị dịch vụ bất động sản.

Bà Chan của China Estates Holdings Ltd. là nhà đầu tư lớn nhất trong vòng gọi vốn trước niêm yết với 5% cổ phần. Kingkey Group mua 236 triệu HKD. Còn nhà sáng lập Centralcon Group đã đầu tư 200 triệu HKD.

Một số nhà đầu tư lớn đến từ nhóm bạn chung sở thích chơi poker của ông Hứa. Được biết đến với cái tên Big Two Club, nhóm bao gồm ông Lau của Chinese Estates, ông Henry Cheng của New World Development Co. và ông Cheung Chung Kiu tại C C Land.

Họ đã thực hiện nhiều giao dịch trong những năm qua. Mối liên hệ lớn đến mức doanh nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu Evergrande vỡ nợ.

Chinese Estates đã rơi vào tình trạng thua lỗ trong nửa đầu năm 2021 do sụt giảm thu nhập từ Evergrande. Tập đoàn bất động sản của ông Hứa cắt giảm cổ tức hàng năm vào tháng 3, sau đó quyết định dừng một khoản chi trả đặc biệt.

Lỗ trên giấy tờ của Chinese Estates từ khoản đầu tư vào Evergrande lên đến 4,11 tỷ HKD. Giá cổ phiếu của Chinese Estates ở mức thấp nhất kể từ năm 2004.

Ty phu Hua Gia An anh 3

Bà Chan Hoi-wan - Giám đốc điều hành China Estates Holdings Ltd., vợ tỷ phú Hong Kong Joseph Lau - bỏ 3 tỷ HKD vào startup xe điện của Evergrande. Ảnh: Bloomberg.

Hôm 27/8, China Strategic Holdings Ltd. - công ty đầu tư được ông Cheng của New World Development Co. chống lưng - tiết lộ đang nắm giữ 133,6 triệu cổ phiếu của China Evergrande NEV. Giá trị khoản đầu tư đã giảm từ 3,9 tỷ HKD xuống còn 868 triệu HKD.

China Strategic cũng bán trái phiếu Evergrande với khoản lỗ 4,7 triệu USD, theo một tuyên bố hôm 24/8. Trong khi đó, khoản đầu tư của C C Land vào China Evergrande NEV chiếm đến 5% tổng tài sản của công ty.

Hồi tháng 7, Asia Orient Holdings Ltd. - do ông Poon Jing đứng đầu - cho biết họ nắm giữ 1 tỷ USD trái phiếu của Evergrande, bao gồm 230 triệu USD trái phiếu họ mua trong năm 2020.

Theo dữ liệu của Bloomberg, vào thời điểm đó, công ty của ông Poon và các công ty con đang phải chịu lỗ chưa thực hiện trên những khoản nắm giữ được tiết lộ. Bởi giá trái phiếu của Evergrande ở gần mức thấp kỷ lục.

Doanh nghiệp Trung Quốc điêu đứng vì lũ lụt và biến chủng Delta

Các doanh nghiệp Trung Quốc vật lộn với chi phí tăng cao và tắc nghẽn nguồn cung ứng vì dịch bệnh và thiên tai. Đà phục hồi của nền kinh tế thứ hai thế giới có dấu hiệu bay hơi.

Những tài xế bán sức cho nền kinh tế nghìn tỷ USD của Trung Quốc

Đằng sau nền kinh tế hợp đồng 1.000 tỷ USD của Trung Quốc là những tài xế, nhân viên giao hàng bán mạng để làm việc. Họ không có thu nhập ổn định, an sinh xã hội hay bảo hiểm.