Tuyên bố "Anh sắp đạt miễn dịch cộng đồng" thổi bùng tranh cãi

Một chuyên gia tiếng tăm của chính phủ Anh cho rằng, nước này có thể sắp đạt miễn dịch cộng đồng với Covid-19 sau khi dỡ toàn bộ hạn chế. Tuy nhiên, bình luận này đã thổi bùng tranh cãi.
anh_Reuters.jpg

Anh dỡ bỏ toàn bộ hạn chế từ ngày 19/7 bất chấp tiếp tục ghi nhận hàng chục nghìn ca Covid-19 mỗi ngày (Ảnh: Reuters).

Bốn tháng sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đánh cược với quyết định dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế để đưa nước Anh trở lại cuộc sống bình thường, nước này hiện ghi nhận hơn 40.000 ca Covid-19 mới mỗi ngày và khoảng 1.000 ca tử vong mỗi tuần.

Bất chấp những con số này, Neil Ferguson, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Hoàng gia London và là một trong những cố vấn khoa học có tầm ảnh hưởng của chính phủ Anh, cho rằng Anh "sắp đạt được miễn dịch cộng đồng".

Theo ông, Anh gần như tránh được làn sóng lây nhiễm như ở châu Âu bởi khi Anh dỡ bỏ phong tỏa hồi tháng 7, nhiều người đã nhiễm và khỏi Covid-19, nên nước này sắp đạt được miễn dịch cộng đồng. Ông tin rằng, Anh đang ở vị thế tốt hơn các quốc gia như Áo, Hà Lan hay Đức - những quốc gia châu Âu đang phải tái áp đặt hạn chế để đối phó làn sóng Covid-19 mới.

Bình luận này ngay lập tức đã thổi bùng tranh cãi trong giới chuyên gia. Nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tuyên bố của ông Ferguson. Họ cho rằng, tỷ lệ lây nhiễm cao tại Anh cho thấy vẫn còn một bộ phận lớn dân số ở đây có ít hoặc chưa có miễn dịch. Họ cũng lập luận rằng, giả thuyết của ông Ferguson chưa tính đến các yếu tố khác như sự xuất hiện của biến chủng mới hay khả năng bảo vệ của vaccine Covid-19 suy giảm theo thời gian.

"Theo tôi, các nhà thiết lập mô hình chưa có đủ dữ liệu để đánh giá liệu chúng ta đã đạt đến miễn dịch cộng đồng hay chưa. Với Covid-19, đó phải là khi tất cả chúng ta hoặc đã tiêm vaccine, hoặc đã khỏi Covid-19 hoặc tử vong vì nó", Devi Sridhar, người đứng đầu chương trình y tế cộng đồng của Đại học Edinburgh, bình luận.

Trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan nhanh và rộng như hiện nay, giáo sư Sridhar cho rằng Anh vẫn có thể đạt được miễn dịch cộng đồng sau mùa đông này nhưng còn phụ thuộc vào độ phủ vaccine và tỷ lệ miễn dịch tự nhiên trong dân số. Mặt khác, bà lo ngại về khả năng chống đỡ của hệ thống y tế Anh trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm nay đến tháng 2/2022 khi thời tiết lạnh hơn có thể khiến số ca Covid-19 lẫn số ca nhiễm cúm theo mùa gia tăng.

Mặc dù chính phủ Anh nhiều lần phủ nhận việc họ theo đuổi chiến lược miễn dịch cộng đồng (nới lỏng hạn chế, chấp nhận virus lây lan rộng để đạt miễn dịch tự nhiên và cứu nền kinh tế), nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về tuyên bố đó, nhất là khi Thủ tướng Johnson dỡ bỏ toàn bộ hạn chế hồi tháng 7. Giới chức y tế Anh khi đó lập luận, số ca nhiễm gia tăng vào mùa hè sẽ không mạnh như vào mùa đông.

Minh Phương
Theo NYTimes