TS Trần Đắc Phu: Đây là thời điểm thích hợp cho trẻ trở lại trường

So sánh tiêu chí kiểm soát dịch với một số địa bàn đang cho học sinh học tập trung, các chuyên gia kiến nghị Hà Nội cho học sinh trở lại trường, trước hết ở vùng ngoại thành.

Ngoại trừ bar, karaoke, phòng gym, gần như toàn bộ hoạt động, dịch vụ đã được Hà Nội cho phép mở trở lại. Tuy nhiên, thông tin quan trọng nhất hàng triệu phụ huynh và học sinh mong chờ là thời gian cho học sinh quay trở lại trường, Hà Nội vẫn chưa có quyết định.

Mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã kiến nghị TP cho phép các huyện ngoại thành mở lại trường học.

Nguy cơ đối với Hà Nội rất thấp

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) đánh giá đề xuất của Bộ trưởng GD&ĐT phù hợp và sát với tình hình thực tế bởi 2 lý do.

Thứ nhất, tình hình dịch ở các huyện ngoại thành tương đối ổn định, có huyện trong 2-3 tháng không phát sinh ca bệnh. Ông Nga đánh giá nguy cơ đối với học sinh là rất thấp.

Thứ hai, đề xuất này phù hợp với chủ trương sống chung an toàn với dịch bệnh theo hướng khu vực an toàn cho mở trước, đánh giá nguy cơ rồi mở rộng sang khu vực khác.

Kien nghi Ha Noi cho hoc sinh di hoc lai anh 1

Chuyên gia cho rằng học sinh càng nhỏ tuổi, càng chịu thiệt thòi khi không được đến trường. Ảnh: Đức Anh.

"Tình hình dịch ở nhiều huyện như Sóc Sơn, Ba Vì không khác gì các địa phương đang cho học sinh học tập trung như Vĩnh Phúc, Hải Phòng. Hà Nội nên tạo điều kiện cho học sinh ngoại thành đi học trước, rồi đánh giá để mở thêm tại quận nội thành", ông Nga nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, điều đáng lo ngại đối với học sinh khi học online dài ngày không chỉ về chất lượng dạy và học, mà còn là những tác động tiêu cực đến tâm lý các em khi không được đến trường.

"Các em càng nhỏ thì càng chịu thiệt thòi nếu không được đến lớp. Cần xác định dịch bệnh có thể tiếp tục kéo dài. Nếu cứ sợ dịch bùng phát mà không cho học sinh đến trường thì đây không phải chủ trương sống an toàn với dịch", ông Nga nói.

Theo Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bao gồm: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine và khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến. Các địa phương được xếp vào các nhóm tương ứng với mức độ nguy cơ, cấp 1 (xanh) là nguy cơ thấp và cấp 4 (đỏ) là nguy cơ rất cao.

Đối chiếu với các tiêu chí trên, Hà Nội đang được xếp vào nhóm nguy cơ thấp. Cụ thể, số ca mắc ghi nhận tại cộng đồng trong 2 tuần qua là 4, dân số toàn thành phố là gần 8,4 triệu người. Như vậy, số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người dân/tuần chỉ xấp xỉ 0,025 (cấp 1).

Về độ bao phủ vaccine, tính đến hết ngày 14/10, toàn thành phố tiêm được xấp xỉ 9 triệu mũi vaccine phòng Covid-19 (trong đó có gần 6 triệu mũi 1) đạt 97,95% dân số trên 18 tuổi) cũng đáp ứng đủ tiêu chí cấp độ 1.

Như vậy với việc được phân loại nguy cơ dịch ở cấp 1, Hà Nội được mở lại hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp.

Vẫn chưa có phương án

Với việc các tiêu chí đều "xanh", PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), đánh giá đây là thời điểm thích hợp để học sinh đi học lại.

Nhìn nhận học sinh thiếu những hoạt động trong môi trường tập thể có thể ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển, ông Phu kiến nghị Hà Nội sớm có kế hoạch cụ thể để học sinh có thể quay lại trường học.

"Đi học trở lại có rủi ro, nhưng đây là những rủi ro chấp nhận được", ông Phu nhấn mạnh.

Vị chuyên gia đánh giá mở lại trường học là một nhu cầu cấp thiết của học sinh và phụ huynh. Khi xác định sống chung an toàn với dịch thì cần có biện pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh. "Nếu cứ lo ngại nguy cơ thì rất khó để các em học trở lại", ông Phu nói.

Đi học lại, đáng lo nhất vẫn là nguy cơ lây nhiễm chéo vì các em học tập, sinh hoạt, ăn uống đều trong phạm vi tập thể lên đến 30-40 người. Vì vậy, ông Phu khuyến nghị nhà trường cần giãn cách theo đơn vị lớp, học sinh chỉ sinh hoạt trong lớp của mình, dừng hoạt động giao lưu, tiếp xúc giữa các lớp.

Kien nghi Ha Noi cho hoc sinh di hoc lai anh 2

Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh trống trong lễ khai giảng trực tuyến toàn TP Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Một trong những nội dung được đưa ra trong Nghị quyết số 127 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 là tổ chức dạy và học trực tiếp ngay từ tháng 10 đối với những vùng kiểm soát được Covid-19 và bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, trong công điện được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đến các đơn vị trực thuộc gửi đi chiều 15/10, Sở chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến bảo đảm phù hợp, hiệu quả theo đúng kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 cho đến khi có thông báo mới.

Đại biểu Quốc hội kiến nghị Hà Nội cho học sinh ngoại thành đến trường

Đại biểu Nguyễn Kim Sơn đề xuất TP nên cho học sinh ngoại thành đi học trở lại trước trong lộ trình mở lại trường học vì đây là những khu vực an toàn.

Khi nào người Hà Nội được đi ăn phở, ngồi quán cà phê?

Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thích hợp Hà Nội tiếp tục nới lỏng, như cho phép hàng ăn, uống được bán tại chỗ có điều kiện.

Cập nhật tình hình Covid-19

Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh Hôm nay Tổng số ca