Trường tư thục lao đao (*): Nhiều hệ lụy nếu không thể vực dậy

Trường tư phải đóng cửa, nhà đầu tư rút khỏi lĩnh vực giáo dục, khi học sinh quay trở lại sẽ không đủ lớp học, tăng áp lực lên hệ thống trường công, ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục và để lại nhiều hệ lụy lâu dài

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, năm học 2020-2021, thành phố có 1.020 trường ngoài công lập, với hơn 276.000 học sinh (HS). Trong đó, khối mầm non có 902 trường với hơn 179.000 trẻ. Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập tư thục là 1.756 nhóm lớp với hơn 70.000 trẻ. Khối THPT có 89 trường ngoài công lập với hơn 47.000 HS.

Không đáp ứng đủ chỗ học

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết riêng khối mầm non, hệ thống các trường ngoài công lập, nhóm trẻ... tại thành phố đóng góp 60% chỗ học, trong khi hệ thống trường công là 40%. Theo lãnh đạo một phòng GD-ĐT tại TP HCM, hằng năm, nếu không có các trường phổ thông ngoài công lập san sẻ, số HS sau lớp 9 không biết sẽ đi đâu, về đâu khi trường công chỉ đáp ứng khoảng 80% số chỗ học lớp 10.

Điều dễ nhận thấy nhất khi các trường tư lao đao, thậm chí phải giải thể, dừng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh là số chỗ học sẽ giảm. Quận Bình Tân là một trong những địa phương gặp nhiều áp lực về sĩ số do số HS tăng dần đều qua các năm. Để có thể đáp ứng đủ chỗ học cho trẻ trong độ tuổi đến trường, quận phải nhờ hoạt động từ các trường tư. Thế nhưng, theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Bình Tân có 2 trường mầm non và 11 nhóm lớp đã giải thể.

Chị Huỳnh Thu Thủy, chủ 2 trường mầm non tại quận Phú Nhuận, cho biết tổng số HS của 2 trường là gần 200 em nhưng chỉ có 50 phụ huynh có ý định cho con đến trường. Suốt hơn 7 tháng qua, chị đã vay mượn khắp nơi để giữ trường. Hiện nay, chị sợ không thể tiếp tục gắng gượng đến tháng 2 để mở lại.

Theo chị Thủy, rất nhiều trường mầm non tư thục mà chị biết cũng đã giải thể. Nếu trường tư đóng cửa nhiều, có thể các em sẽ thiếu chỗ học. Bởi lẽ, số trẻ mầm non ngày một tăng, trường công lập không thể nhận hết các em được vì số trẻ trong một lớp sẽ rất cao, cơ sở vật chất không đủ đáp ứng.

Thiếu hụt lớn nguồn giáo viên

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, tính đến ngày 11-9-2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều trường học đã dừng hoạt động, giải thể. Tổng số cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên, người lao động trong ngành giáo dục bị mất việc làm là 12.341 người, tập trung nhiều nhất ở bậc học mầm non với hơn 10.129 người, chiếm trên 82%.

Trước nguy cơ thiếu GV khi trường mầm non được mở cửa, theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, giải pháp các trường đưa ra khi hoạt động trở lại là sẽ căn cứ số trẻ tự nguyện đến trường để cân đối GV. "Nếu chỉ có khoảng 100 trẻ đến trường thì sẽ cân đối số GV là bao nhiêu cho hợp lý" - ông Khiêm giải thích.

Trường tư thục lao đao (*): Nhiều hệ lụy nếu không thể vực dậy - Ảnh 1.

Học sinh một trường mầm non tư thục tại TP HCM trước khi dịch bệnh xảy ra; trường này đang gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh: ĐẶNG TRINH)

Bà Lương Thị Hồng Điệp cho biết UBND TP HCM đã có quyết định các trường mầm non sẽ mở cửa từ tháng 2-2022 theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh và các trường đang chuẩn bị tinh thần để hoạt động trở lại. Phòng GD-ĐT các quận, huyện và TP Thủ Đức đang tổng hợp số liệu cả về đội ngũ GV và HS để có phương án cụ thể. Theo bà Điệp, sẽ có tình trạng thiếu GV nhưng hiện nay, số trẻ về quê hoặc ở nhà chưa đến trường cũng nhiều. Các trường sẽ sắp xếp và thiếu hụt thế nào sẽ cân đối trong 2 tuần học đầu tiên.

Cũng theo bà Điệp, trước đây, đại diện các trường mầm non đã cùng ký đơn gửi Thủ tướng Chính phủ xin tháo gỡ khó khăn cho các trường, Vụ Giáo dục mầm non - Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng lộ trình hỗ trợ các trường ngoài công lập.

"Từ phía địa phương, sở sẽ cập nhật tình trạng thiếu GV tại các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập của TP Thủ Đức và các quận, huyện đầy đủ để có giải pháp cụ thể cho từng đơn vị" - bà Điệp nhấn mạnh.

Cần sự hỗ trợ mạnh mẽ

Nhiều chủ trường tư thục các cấp ở TP HCM nhận định rằng trong giai đoạn giãn cách xã hội, các trường học giải thể, sang chủ không phải là ít. Trường tư thục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục của một quốc gia, góp phần giảm tải cho trường công. Trường tư thục còn giải quyết bài toán xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, tạo công việc và thu nhập cho nhiều GV, người lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế. Nếu trường tư ồ ạt đóng cửa thì gánh nặng sẽ đổ về hướng trường công và xã hội.

Ông Huỳnh Công Thái, chủ sở hữu Trường THPT Đông Đô (quận Bình Thạnh), cho biết khi thiếu GV, HS sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nhất vì các em sẽ không có điều kiện học tập tốt. Trường THPT Đông Đô đang thiếu khoảng 20%-30% GV, chủ yếu ở khối lớp 9 và 12, rơi vào 2 môn quan trọng là toán và văn. Trong đó, môn toán lớp 12 một tuần bình quân có 8 tiết, giờ thiếu đến 6 lớp là 48 tiết, cần ít nhất 4 GV. Ông Thái đã cố gắng huy động học trò cũ là GV đến giúp nhưng về lâu dài, ông hy vọng sẽ có sự hỗ trợ từ lãnh đạo các cấp để GV ở các tỉnh sớm quay lại TP HCM làm việc.

"Bên cạnh đó, nhiều gia đình hạn hẹp nguồn tài chính do dịch bệnh, HS sẽ dịch chuyển sang học ở các trường giáo dục thường xuyên, trường nghề..., như vậy sẽ đỡ tốn kém cho phụ huynh. Nhưng việc dịch chuyển ồ ạt có thể khiến các trường công quá tải, còn trường tư thì không có người học" - ông Thái băn khoăn.

Bà Sanna Manner, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS), cho rằng trường học không chỉ để học mà còn là nơi HS được trau dồi những kỹ năng quan trọng cho cuộc sống. Các em học cách hợp tác, hiểu và lắng nghe những người khác. Các em cũng có cơ hội để tìm ra điểm mạnh của bản thân và phát triển thành những công dân tốt. Trường tư thục đóng cửa có thể khiến HS mất đi cơ hội học tập hoặc một số gia đình không đủ kinh phí khiến trẻ sẽ phải nghỉ học hay chuyển trường, sẽ khó có thể bắt kịp nhịp học.

Các trường tư cũng gặp khó khăn trong việc giúp HS giải quyết vấn đề nêu trên vì thiếu tiền. "Vì vậy, Chính phủ nên hiểu rằng trẻ em hơn bao giờ hết đang rất cần nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Không chỉ những đứa trẻ, các GV cũng cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền về vật chất lẫn tinh thần. Từ đó, lực lượng GV mới có nguồn lực và thời gian tập trung vào công việc, mang lại hiệu quả trong giáo dục" - bà Sanna Manner nêu ý kiến.

Gặp nhiều trở ngại trong hoạt động

"Gánh vác" một phần không nhỏ trong việc san sẻ áp lực cho trường công nhưng theo tâm tư của các trường tư thục, chưa tính đến khó khăn do dịch bệnh, hiện khối trường ngoài công lập gặp nhiều trở ngại trong cả việc cấp phép thành lập lẫn hoạt động.

Theo Sở GD-ĐT TP HCM, thành phố hiện gặp khó khăn về mặt pháp lý trong việc điều chỉnh quy hoạch đất dùng cho giáo dục nên công tác cấp phép thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2020, Thường trực UBND thành phố đã nhiều lần họp bàn nhưng các sở, ngành liên quan chưa tìm được hướng tháo gỡ. Cụ thể, tỉ lệ trường ngoài công lập tăng năm 2017 là 11,74%, năm 2018 là 10,4%, năm 2019 là 6,22%, đến năm 2020 chỉ còn 3,03%, năm 2021 là 1,77%. Trong 2 năm, số trường phổ thông ngoài công lập không tăng, chỉ tăng thêm một số cơ sở giáo dục mầm non.

"Điều này dẫn đến tình trạng tỉ lệ phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học giảm. Riêng trong năm học 2020-2021, 151 cơ sở giáo dục mầm non - gồm 27 trường, 124 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập - đã giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học" - một cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM cho hay.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-1

Đặng Trinh - Nguyễn Thuận