Trường mầm non đóng cửa, phụ huynh tự gom nhóm mở lớp

8h hàng ngày, chị Nguyễn Hồng Hạnh ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội chở con trai 2,5 tuổi tới nhà cô giáo cách đó 3 km.

Nhiều tháng qua, chị chọn giải pháp này để yên tâm đi làm trong khi thấp thỏm mong trường mầm non mở lại.

Đợt dịch thứ tư bùng lên khiến các trường mầm non đóng cửa từ tháng 5. Với những gì đã trải qua từ mùa dịch trước, chị Hạnh phán đoán, trường học có thể còn đóng cửa lâu dài, con chị sẽ rơi vào cảnh mất cơ hội học tập, kết nối bạn bè. Người mẹ trẻ quyết định không gửi con về quê cho ông bà mà tìm nơi để con vừa được trông giữ, vừa có các hoạt động học tập, tương tác.

"Tôi muốn cho con đi học để được rèn vào nếp, được tương tác với bạn cùng lứa tuổi và được cô dạy các kỹ năng", chị Hạnh nói.

Bà mẹ một con cho hay, trước đó, nhiều phụ huynh khác cũng có nhu cầu tương tự nên họ chủ động đề xuất với chủ trường giải pháp chia học sinh thành các nhóm nhỏ và thuê giáo viên trông. Cách này vừa đáp ứng mong muốn của gia đình, vừa tạo điều kiện cho các cô giáo kiếm thêm thu nhập trong khi thất nghiệp.

Nhóm của con chị Hạnh gồm ba bé, tính cả con của cô giáo, sinh hoạt hàng ngày tại căn hộ riêng của gia đình cô. Tới bữa, cô nấu luôn cho các bé. Trong căn chung cư rộng hơn 50 m2, các con sinh hoạt theo nề nếp và giờ giấc như trên lớp.

Trước khi có dịch, chi phí mỗi tháng tại trường của con chị hết 5,5-6 triệu đồng. Với hình thức trông trẻ này, chị gửi tiền công 200.000 đồng cộng 20.000 tiền ăn mỗi ngày cho cô, tính ra cũng tương đương.

Chị Hạnh cho hay, hầu hết đồng nghiệp ở cơ quan chị cũng phải tìm đến các nhóm trông trẻ hoặc thuê giáo viên tới nhà.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 15.480 trường mầm non, hơn 193.000 nhóm lớp mẫu giáo độc lập, phục vụ khoảng 5 triệu trẻ. Từ tháng 5 đến nay, hơn 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động; gần 600 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục phải giải thể do kiệt quệ tài chính vì đóng cửa thời gian dài.

Hai thành phố lớn TP HCM và Hà Nội đóng cửa hoàn toàn hệ thống mầm non hơn 8 tháng qua. TP HCM lên kế hoạch mở cửa trường mầm non từ tháng 2. Hà Nội chưa đưa ra dự kiến.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, trẻ dưới 6 tuổi cần được chú trọng phát triển ngôn ngữ, vận động, nhận thức, tương tác và cảm xúc xã hội. Thạc sĩ Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (PPRAC), đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu phát triển vận động tinh và thô ở trẻ. Vận động thô không chỉ để rèn luyện thể chất, phát triển cơ bắp, mà còn tác động hoàn thiện hệ thần kinh và tâm lý. Vận động tinh gồm hoạt động như vẽ, viết, chơi đất nặn, cắt, dán. Bố mẹ gặp khó khăn trong việc dạy trẻ khiến kỹ năng này thường bị bỏ qua.

Ở nhà, trẻ không tập trung, thiếu tương tác với bạn và đồ chơi cũng thiếu đa dạng, làm hạn chế sự tiếp nhận của các con. Trong khi nếu sinh hoạt ở nhóm trẻ, các cô có những bài học về nhận thức, đồ chơi theo chủ đề, có những bài thơ, bài hát hay câu chuyện để thu hút sự tập trung và tạo hứng thú.

Phát triển vận động là một trong những yêu cầu cần được chú trọng ở trẻ dưới 6 tuổi. Trong ảnh, thầy Nguyễn Phương Bình, giáo viên tại trường Mầm non 1 (quận 5), TP HCM chăm sóc học sinh tháng 11/2019. Ảnh: Quỳnh Trần

Phát triển vận động là một trong những yêu cầu cần được chú trọng ở trẻ dưới 6 tuổi. Trong ảnh, thầy Nguyễn Phương Bình, giáo viên tại trường Mầm non 1 (quận 5), TP HCM chăm sóc học sinh tháng 11/2019. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhu cầu gửi trẻ cao trong bối cảnh trường học đóng cửa dài ngày khiến cho các nhóm lớp tự phát trong cộng đồng cư dân tồn tại phổ biến. Ngoài ra, giải pháp này còn góp phần giúp giáo viên mầm non tư thục có thu nhập duy trì cuộc sống.

Có con ở lứa tuổi bé nhà chị Hạnh, chị Nguyễn Hồng Minh ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, quyết định mời cô đến nhà. Con trai chị gửi ở cơ sở mầm non dưới chân chung cư từ tháng 4/2021, lúc mới 14 tháng tuổi. Học được thời gian ngắn, trường đóng cửa vì dịch, bé ở nhà đến tháng 10 mới bắt đầu học cùng cô.

Chị Minh cho hay, có bà hỗ trợ nhưng thương con ở nhà buồn, thiếu hoạt động vui chơi và học tập, chị vào các hội nhóm, tính gửi con cho một nhóm trẻ. Tuy nhiên, các nhóm có số lượng đông, lại ở xa, nên chị ghép nhóm với một phụ huynh khác và mời cô tới nhà, với chi phí 3,5 triệu đồng một cháu mỗi tháng. Hàng ngày, cô đến nhà chị lúc 8h, tổ chức dạy học theo các chủ đề như xé giấy, dán tranh, chơi đất nặn, tập thể dục, học hát hay hướng dẫn vận động.

Các con sẽ ngủ trưa hai tiếng và dậy ăn nhẹ lúc 14h, trước khi tiếp tục hoạt động buổi chiều. Thời điểm dịch chưa căng thẳng và thời tiết thuận lợi, hai con được cô dẫn xuống sảnh chơi.

"Bà sẽ hỗ trợ cô lúc cho ăn và sẽ lánh đi chỗ khác khi các cháu học. Cô giáo tự lo phần ăn trưa của mình và kết thúc buổi học vào 16h30", chị Minh nói, cho biết tại nhiều chung cư, các cha mẹ cũng gom thành nhóm và nhờ cô ở cùng tòa trông giúp.

Chị Ngô Thị Thanh ở quận Hà Đông tìm đến giải pháp này từ giữa năm ngoái. Vợ chồng chị đều đi làm cách nhà 15-20 km, ông bà hai bên đều lớn tuổi, lại ở xa không ra Hà Nội được.

Khu chung cư nhà chị Thanh khá vắng vẻ, nhiều gia đình có con ở độ tuổi mầm non. Biết các cô giáo trong tòa nhà mở lớp trông, phụ huynh ở đây đều mang tới gửi. Nhóm hiện có khoảng 20 cháu, chia làm hai lớp và do ba cô phụ trách. Đông học sinh nên chi phí mỗi cháu chỉ 80.000 đồng một ngày.

"Một cô chăm lớp lớn (4-5 tuổi), một cô dạy lớp bé (2-3 tuổi) và cô còn lại nấu ăn. Mỗi lớp được bố trí ở một phòng. Các cô thường xuyên gửi video hoạt động cho bố mẹ", chị Thanh kể.

Chị Thanh yên tâm khi gửi con ở cô quen, lại là hàng xóm nhưng cũng thừa nhận lớp đông nên khó đảm bảo giãn cách. "Tôi cũng lo nguy cơ các con lây bệnh từ phụ huynh nhưng không có cách nào khác. Giờ chỉ mong có chỗ gửi con là tốt rồi", chị Thanh chia sẻ.

Cô Phạm Mai Linh, giáo viên mầm non một trường tư thục ở quận Hà Đông, cho biết, nhu cầu trông trẻ ở các phụ huynh hiện là rất lớn. Đầu đợt dịch hồi tháng 5 năm ngoái, tưởng không có việc, cô Linh về nhà ở Phú Thọ nhưng vài tháng sau cô trở lại Hà Nội vì được nhiều bố mẹ liên hệ, nhờ trông giữ trẻ.

"Rất đông phụ huynh gọi điện tìm cô nên các giáo viên trong trường phân chia nhau nhận vài cháu", cô Linh nói.

Lúc đầu cô đến nhà dạy học và cho hai bé 4 tuổi, 5 tuổi ăn uống với tiền công 100.000 đồng một buổi mỗi cháu. Cách đây hai tuần, hai bé được gửi về quê nên cô chuyển sang trông nhóm đông hơn gồm 6-7 học sinh cùng một cô nấu bếp. Chỗ trông là căn phòng hơn chục mét vuông đi thuê ngay sau trường.

Để đảm bảo an toàn, cô Linh duy trì đo nhiệt độ, sát khuẩn tay thường xuyên cho các con. Học sinh được dùng bát, thìa, cốc, khăn riêng và được tráng nước sôi trước và sau sử dụng.

Nghe tin TP HCM sẽ mở cửa trường mầm non từ tháng 2, cô Linh hy vọng, Hà Nội cũng sẽ sớm có kế hoạch cho trẻ đi học lại để đỡ khổ cho cả cô, trò lẫn phụ huynh. Cô Linh tin rằng, với các bộ tiêu chí phòng dịch trường học đã được ban hành, việc cho trẻ đến trường sẽ an toàn hơn là đến các nhóm lớp tự phát tạm thời như hiện nay.

Bình Minh