Trung Quốc cược lớn vào công nghệ đổi pin cho ôtô điện

Nio và Geely - đều được hậu thuẫn từ chính phủ - nói rằng họ có kế hoạch thiết lập cả chục nghìn trạm đổi pin tính đến hết 2025.

Một năm trước, Tesla gạt sang bên ý tưởng về việc đổi pin cho ôtô điện vì "thấy khó hiểu và không phù hợp với việc sử dụng rộng rãi". Nhưng Bắc Kinh dường như không đồng tình với ý kiến này.

Thực tế, Trung Quốc đang thúc đẩy rất mạnh mẽ việc đổi pin cho xe điện như một nguồn bổ sung cho hệ thống sạc thông thường, với việc chính phủ hết sức ủng hộ nhiều công ty phát triển công nghệ.

Có bốn hãng - gồm hai hãng ôtô là Nio và Geely, nhà phát triển công nghệ đổi pin Aulton và hãng dầu khí Sinopec - nói rằng họ có kế hoạch thiết lập tổng cộng 24.000 trạm đổi pin khắp Trung Quốc tính đến hết 2025, so với chỉ khoảng 1.400 trạm hiện nay.

Mô hình trạm hoán đổi pin 2.0 của Nio. Ảnh: Nio

Mô hình trạm hoán đổi pin 2.0 của Nio. Ảnh: Nio

Đổi pin cho phép các tài xế thay gói pin nhanh chóng chỉ sau ít phút và có thể lập tức sử dụng một gói pin đã được sạc đầy, thay vì phải chờ tới hàng tiếng tại một điểm sạc. Đổi pin cũng có thể giúp giảm bớt áp lực lên hệ thống điện lưới khi hàng triệu tài xế cùng sạc xe.

Nếu Trung Quốc đang thành công trong việc áp dụng trên diện rộng, thì sự chuyển dịch này có thể tác động lớn tới các hình mẫu như Tesla, Volkswagen hay General Motors (GM) - những hãng mà xe điện của họ được thiết kế với loại pin riêng, hay như Tesla là có hệ thống sạc riêng.

Thậm chí những thay đổi nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lớn tới những hãng xe trên - những doanh nghiệp với tương lai dựa vào thành công đạt được tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới.

Những kế hoạch về đổi pin là một phần trong kế hoạch lớn của Bắc Kinh với việc tạo ra 25% doanh số ôtô điện tính đến hết 2025, hoặc hơn 6 triệu xe con dựa trên những dự báo mới đây.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) là một trong những nhà hỗ trợ chính của việc đổi pin. Hơn thế, bốn "ông lớn" ở Trung Quốc còn đang tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài.

CATL - nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới - nói họ đang phát triển dịch vụ đổi pin không chỉ cho Trung Quốc, mà còn "đáp ứng nhu cầu của thị trường trên toàn cầu". CATL hiện cung ứng cho khoảng một nửa thị trường Trung Quốc và hơn 30% pin sử dụng cho xe điện trên toàn cầu.

Nio - trong số các hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc - có kế hoạch cung cấp dịch vụ đổi pin cho khách hàng Mỹ tính đến hết 2025. Hiện hãng có hơn 800 trạm đổi pin ở Trung Quốc và đang bước những bước đầu tiên ở châu Âu.

"Sẽ không bao giờ xảy ra"

Những kế hoạch như trên từng mâu thuẫn với quan điểm của Tesla khi hãng bỏ qua khả năng đổi pin quy mô lớn ở Trung Quốc. Nhà sản xuất ôtô điện này từng thử nghiệm việc đổi pin tại Mỹ vào những năm trước nhưng sau đó đã từ bỏ.

Trong khi đó, các bộ máy điều hành trong ngành công nghiệp lại chia rẽ về việc khi nào sự thúc đẩy của Trung Quốc có thể thuyết phục các hãng xe Mỹ và châu Âu bỏ thiết kế pin riêng và chấp nhận một tiêu chuẩn chung.

"Bạn sẽ không bao giờ khiến các hãng đồng ý với việc đổi pin", Andi Palmer, cựu CEO của Aston Martin và hiện đứng đầu hãng sản xuất xe điện Switch Mobility.

Tesla, GM và Volkswagen nói họ không khai thác việc đổi pin vào thời điểm này. Đại diện hãng xe Đức cho biết, họ từng cân nhắc tới việc đổi pin để tránh phí phạm thời gian chờ đợi ở các trạm sạc, nhưng sự tiên tiến trong sạc nhanh và chi phí thấp của pin không hoán đổi dẫn tới việc họ chuyển hướng tập trung sang hướng nào dễ làm hơn.

Hoán đổi pin cũng như sạc pin từ hệ thống điện lưới đều gặp phải những chỉ trích lẫn sự cổ vũ trong lĩnh vực công nghệ ôtô liên quan.

Việc dễ dàng thay đổi pin cho các mẫu scooter điện đã được minh chức ở châu Á và châu Âu, nhưng thách thức về việc ứng dụng công nghệ cho ôtô sẽ lớn hơn và phức tạp hơn.

Những lo ngại về thời gian thay pin cũng đã phai nhạt, với việc Nio cho biết họ đã tự động hóa quy trình và việc đổi pin chỉ mất khoảng 90 giây.

Trong khi đó, sạc xe qua hệ thống điện lưới đã đi trước rất nhiều, với thực tế rằng đã có hàng tỷ USD được đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, các hãng xe đang làm ra những mẫu xe điện với pin được nâng cấp, giúp xe chạy được quãng đường dài hơn và thời gian sạc ngày càng rút ngắn - điều có thể khiến việc hoán đổi pin bị ghẻ lạnh.

Trạm hoán đổi pin của Geely tại Trung Quốc. Ảnh: Geely

Trạm hoán đổi pin của Geely tại Trung Quốc. Ảnh: Geely

"Tay chơi" lớn nhất

Ở Trung Quốc, năm 2021, MIIT từng đưa ra những tiêu chuẩn đầu tiên trong ngành công nghiệp ôtô đối với công nghệ hoán đổi pin. Những tiêu chuẩn này thực thi vào tháng 11 cùng năm, yêu cầu đặc biệt về an toàn, quy trình thử nghiệm cũng như các quy định về kiểm định đối với xe điện dùng pin hoán đổi.

Bộ này đặt mục tiêu có hơn 100.000 xe điện có thể đổi pin và hơn 1.000 trạm đổi pin ở tổng cộng 11 thành phố tính đến hết 2023. Những trạm đổi ở các thành phố lớn hơn sẽ phục vụ cả xe con và dòng xe thương mại, trong khi những thành phố ở tỉnh lẻ sẽ tập trung vào xe tải hạng nặng.

Nhưng còn một yếu tố chưa chắc chắn dành cho tham vọng này, là có đủ hay không các hãng xe chấp thuận loại pin tiêu chuẩn - một chướng ngại cho những nỗ lực có thể đã quá vội vã.

Vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Thậm chí tùy chọn đổi pin của Nio dành cho khách hàng cũng sử dụng pin của chính họ thiết kế, vì thế giới hạn dịch vụ chỉ dành cho người sử dụng xe Nio với pin riêng.

CATL - đơn vị giúp Nio phát triển dòng pin có thể hoán đổi - đã ký với hãng xe Trung Quốc FAW như khách hàng đầu tiên cho dịch vụ đổi pin Evogo và dự kiến mở rộng dịch vụ với các hãng ôtô Trung Quốc khác. CATL muốn các hãng nội địa chấp nhận thiết kế pin tiêu chuẩn của họ để các trạm đổi pin có thể phục vụ các mẫu xe từ nhiều thương hiệu khác nhau. Hãng hiện là "tay chơi" lớn nhất trong lĩnh vực pin xe điện.

Trong số các hãng Trung Quốc đang xây dựng hệ thống trạm đổi pin, Aulton -nhà phát triển công nghệ đổi pin có trụ sở ở Thượng Hải - nói họ đang làm việc với các hãng ôtô để phát triển pin tiêu chuẩn hóa, và cùng Sinopec lắp đặt các trạm tại 30.000 trạm xăng của Sinopec ở Trung Quốc tính đến hết 2030.

Ma thuật ở nước Mỹ?

Trong khi các hãng ôtô quốc tế có thể phản đối loại pin có thể hoán đổi, họ vẫn dựa vào doanh số ở Trung Quốc để lấy vốn cho sự dịch chuyển tốn kém sang xe điện và sẽ có ít lựa chọn trừ việc thuận theo thị trường này.

Hơn nữa, nếu Bắc Kinh ban hành quy định về pin hoán đổi đồng thời chỉ các hãng chỉ được sản xuất xe đạt các tiêu chuẩn này, thì việc cần làm là đáp ứng để có thể tiếp tục kinh doanh.

Đổi pin "quá tiện, quá kinh tế và quá logic nên đã không xảy ra trên quy mô ở châu Âu và Mỹ", theo Levi Tillemann, trưởng ban chính sách và kinh doanh quốc tế tại startup Ample có trụ sở ở San Francisco, Mỹ. Thậm chí, điều này giống như một dạng suy nghĩ ma thuật khi cho rằng đó là một hiện tượng độc đáo của người Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn có những nhà tiên phong. Ample - một trong số các nhà phát triển pin hoán đổi bên ngoài Trung Quốc, đã kêu gọi được 275 triệu USD từ các nhà đầu tư, gồm các hãng nhiên liệu như Shell, Repsol và Eneos, giúp giá trị hãng đạt mức một tỷ USD.

Ample đang thực hiện các chương trình thí điểm cùng Uber và startup cho thuê xe Sally, đồng thời hợp tác với nhiều hãng ôtô không nêu tên khác.

Mỹ Anh (theo Reuters)