Trực thăng NASA lập kỷ lục trên Hỏa tinh

Trực thăng đầu tiên trên Hỏa tinh của NASA vừa đạt độ cao lớn nhất sau hơn một năm hoạt động.

Ảnh minh họa của trực thăng Ingenuity trên Hỏa tinh. Ảnh: NASA.

Trong nhiệm vụ ngày 3/12, trực thăng khám phá Hỏa tinh Ingenuity của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã lập kỷ lục mới, đạt độ cao 14 m so với bề mặt "hành tinh đỏ".

Chuyến bay của Ingenuity kéo dài 52 giây với quãng đường 15 m. Trong 35 nhiệm vụ trước, Ingenuity thường bay cao hơn 10 m. Kỷ lục độ cao trước đây là 12 m, được ghi nhận trong 3 chuyến bay của trực thăng vào năm 2021.

Ingenuity cao 50 cm và nặng 1,8 kg trên Trái Đất. Trực thăng được mang lên Hỏa tinh vào tháng 2/2021 cùng tàu thăm dò Perseverance.

Tháng 4/2021, trực thăng nhỏ đã hoàn tất chuyến bay trên "hành tinh đỏ" với độ cao khoảng 3 m. Sứ mệnh này đánh dấu chuyến bay đầu tiên sử dụng năng lượng và được điều khiển trên Hỏa tinh.

Cho đến nay, nhiệm vụ dài nhất của Ingenuity diễn ra vào tháng 4 với quãng đường di chuyển khoảng 704 m. Khối lượng của trực thăng trên Hỏa tinh chỉ là 680 g do trọng lực thấp hơn. Máy bay được trang bị 2 cánh quạt ngược chiều nhau để nâng lên khỏi mặt đất.

Ban đầu, mục đích của Ingenuity chỉ nhằm thử nghiệm tính khả thi của trực thăng trên Hỏa tinh. Tuy nhiên, hiệu quả cao của máy bay khiến NASA quyết định sử dụng để hỗ trợ tàu thăm dò mặt đất Perseverance, trong sứ mệnh tìm kiếm bằng chứng về sự sống cổ đại trên "hành tinh đỏ".

Theo Digital Trends, Ingenuity trang bị camera hướng xuống đất để tìm kiếm các khu vực mà Perseverance có thể khảo sát. Trực thăng này còn hỗ trợ tìm tuyến đường hiệu quả, an toàn nhất để tàu thăm dò di chuyển.

Trước khi phá kỷ lục độ cao, Ingenuity đã lập kỷ lục khác về chuyến bay ngắn nhất trên Hỏa tinh vào ngày 22/11, khi chỉ bay trong 18 giây với độ cao 5 m. Dù rất ngắn, nhiệm vụ này đóng vai trò quan trọng khi thử nghiệm hệ thống chọn vị trí hạ cánh, cũng như lập bản đồ độ cao giúp điều hướng tốt hơn.

Truc thang Ingenuity anh 1

Ảnh minh họa của Ingenuity khi bay trên bề mặt Hỏa tinh, phía sau là tàu Perseverance. Ảnh: NASA.

Sau hơn một năm hoạt động, sứ mệnh khám phá Hỏa tinh mang về nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, các thành viên Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA cho biết miệng núi lửa Jezero, khu vực khảo sát chính của Perseverance và Ingenuity có địa hình hiểm trở hơn tính toán.

Đó là lý do Ingenuity được trang bị phần mềm tránh nguy hiểm mới. Khi bay trên cao, trực thăng sẽ sử dụng camera để xác định địa điểm hạ cánh an toàn, tránh đâm vào đá hoặc chướng ngại vật gây hư hỏng.

Ngày 16/6, tàu thăm dò Perseverance đã chia sẻ ảnh chụp một miếng rác trên Hỏa tinh, được cho là dấu hiệu của sự sống ngoài Trái Đất. Vật thể này có màu bạc sáng bóng, nằm giữa 2 tảng đá ở đáy miệng núi lửa Jezero.

Tuy nhiên, vật thể màu bạc được xác nhận không có nguồn gốc từ hành tinh này. Sau khi kiểm tra kỹ, NASA nhận định đó là mảnh rác của Perseverance.

Những câu hỏi lớn - Vũ trụ

Sách đề cập đến những vấn đề cơ bản trong khoa học tự nhiên, dưới hình thức thảo luận 20 câu hỏi về thiên văn và vũ trụ như: Vũ trụ là gì? Vũ trụ rộng lớn thế nào? Vì sao các hành tinh luôn bay theo quỹ đạo?...

Hình ảnh ấn tượng của sứ mệnh trở lại Mặt Trăng

Chuyến bay Artemis I mở đầu hành trình trở lại Mặt Trăng của NASA sau khi sứ mệnh Apollo kết thúc cách đây nửa thế kỷ.

Tàu vũ trụ NASA tiếp cận Mặt Trăng

Sau khi tách khỏi tên lửa SLS, tàu vũ trụ Orion đã tiếp cận bề mặt Mặt Trăng trong lúc đi vào quỹ đạo cho sứ mệnh Artemis I.

Tên lửa khổng lồ của NASA phóng lần đầu và có thể là lần cuối

Công nghệ cũ, giá thành đắt đỏ, không thể tái sử dụng làm tên lửa Hệ thống Phóng Không gian kém hấp dẫn so với các đối thủ tư nhân.