'Trịnh Công Sơn có lẽ không muốn bị trói buộc một tình yêu nào'

TP - Nhân dịp ghé Huế, phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Bửu Ý về tình bạn tri kỷ giữa ông và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bửu Ý đã “thanh minh” cho Trịnh Công Sơn về nhiều điều thị phi.

Thưa ông Bửu Ý, được biết ông là con cháu nhà vua ở kinh đô Huế, ông có thể giới thiệu đôi chút về bản thân?

Dịch giả Bửu Ý: Tôi là hậu duệ của vua Minh Mạng. Những người hàng “Bửu” như tôi còn lại ít. Bố tôi về Pháp văn rất khá, trong đời sống thì ông thích hát bài hát Pháp, cho con cái đi học trường Pháp. Bản thân tôi nhờ vậy đi học trường Pháp. Tôi sinh năm 1937 và khi lớn lên thì không thấy gia đình hoàng tộc được triều đình ưu đãi gì cả. Chúng tôi sống kín đáo, không để cho người ta thấy sự thất thế của mình như vật chất, lương bổng. Ém nhẹm, che giấu kỹ lưỡng, để giữ thế con cháu nhà vua chứ thực ra không có gì. Nhiều người thậm chí thiếu thốn.

Ông và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn học cùng trường Pháp?

Dịch giả Bửu Ý: Tiểu học thì tôi học trường Việt, trung học thì học trường Pháp. Nhưng thời phổ thông tôi hầu như không biết nhiều về Trịnh Công Sơn, có lẽ do lúc ấy anh ấy chưa sáng tác nhạc. Đến khi tôi học năm thứ nhất đại học thì tôi thân với Trịnh Công Sơn từ một cuộc đàn hát tình cờ thôi.

Trịnh Công Sơn sống độc thân suốt đời còn ông thì 50 tuổi mới lập gia đình? Liệu các ông có phải những người từng tôn thờ cuộc sống độc thân để tập trung vào công việc và sở thích?

Dịch giả Bửu Ý: Sở dĩ lập gia đình muộn là do tôi trốn lính. Ở Huế thời trước 1975, thanh niên trốn lính khá nhiều. Đời sống của một người trốn lính sẽ bị hạn chế, kể cả đi lại. Không lập gia đình là do không có đời sống ổn định nên không dám lập gia đình. Tôi và Trịnh Công Sơn là vậy. Phần nhiều mấy anh trốn lính đều lập gia đình muộn. Nếu lập gia đình có thể thân phận trốn lính sẽ bị lộ ra, rất phiền phức cho nhiều người.

Nhưng dường như Trịnh Công Sơn cũng xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều sự kiện. Các ông không sợ bị lộ thân phận hay sao?”

Dịch giả Bửu Ý: Chúng tôi trốn lính được ngày nào thì trốn thôi. Chúng tôi chán ghét chiến tranh. Mấy anh trốn lính là mấy anh thiên tả, chống chiến tranh.

Bản thân tôi trốn lính được đến năm cuối năm 1967. Khi ấy tôi đang dạy cho Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn. Một hôm tôi đi taxi cùng Trịnh Công Sơn và em trai của Trịnh Công Sơn. Tôi ngồi trước, hai anh em ngồi sau. Tôi ăn mặc đẹp, có cà vạt. Không hiểu sao chúng tôi bị cảnh sát thổi còi. Cả ba người phải xuống xe. Hai anh em Trịnh Công Sơn có giấy tờ giả về quân dịch còn tôi không có gì hết. Thế là tôi bị đưa vào trại huấn luyện.

Vì sao ông nghĩ Trịnh Công Sơn dùng giấy tờ giả?

Dịch giả Bửu Ý: Chắc chắn Trịnh Công Sơn dùng giấy tờ giả, vì nếu có giấy tờ thật thì anh ấy đã không phải sống cảnh trốn lính lăn lóc hàng chục năm trời cùng với tôi.

Sau đó thì như thế nào?

Dịch giả Bửu Ý: Tôi bị đưa vào trại huấn luyện, nhưng cuối tuần họ cho về nhà thế là tôi đào ngũ, lại về ở với Trịnh Công Sơn.

Các ông chơi thân với nhau từ lúc còn rất trẻ. Khi ấy, ông đã thấy thiên tài Trịnh Công Sơn bộc lộ chưa?

Dịch giả Bửu Ý: Ngay lúc đầu chơi với nhau, chúng tôi đã thấy Trịnh Công Sơn xuất sắc. Anh Sơn không học lên đại học nhưng anh đọc rất nhiều. Nhóm bạn của chúng tôi đều có trình độ cả, có Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường, Tôn Thất Văn. Trong bạn bè, chúng tôi mỗi người một lĩnh vực, cùng nể trọng nhau. Bạn bè nhưng không buông tuồng mà nể nhau.

Ông và Trịnh Công Sơn rời Huế vào Nam như thế nào?

Dịch giả Bửu Ý: Ở Huế tôi dạy tiếng Pháp rất thành công, tôi được nhận dạy tiếng Pháp ở trường Quốc học và hai trường nữa. Năm 1962 tôi bắt đầu dịch sách. Từ năm 1963-1968 tôi vào Sài Gòn làm báo và dạy học. Tôi lo bài vở cho tạp chí Mai - một tạp chí chính trị và văn học (cùng nhóm chủ trương với tạp chí Bách Khoa). Tôi ký bút danh Bửu Uyên (do đang còn trốn lính).

Trịnh Công Sơn thì đi dạy học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng nhưng không thấy phù hợp, anh rất khổ tâm. Anh về Sài Gòn nhiều, cứ lần lần nhường giờ cho người khác dạy rồi xin thôi việc để về Sài Gòn.

Ở Sài Gòn khi ấy có nhiều văn nghệ sĩ gốc miền Trung và có thể đó là một môi trường tốt cho Trịnh Công Sơn kết nối với giới văn nghệ?

Dịch giả Bửu Ý: Đúng vậy. Thời đầu tiên chúng tôi chơi thân với Thanh Thúy là một ca sĩ gốc Huế. Trịnh Công Sơn từ Bảo Lộc về rủ tôi đến nhà Thanh Thúy chơi. Trịnh Công Sơn và tôi cùng đến nhà ca sĩ Duy Khánh bán bản quyền tác phẩm. Hai người ngồi trên xích lô. Trịnh Công Sơn bán đứt bản quyền bài “Chiều một mình qua phố” cho Duy Khánh với giá 2.000 đồng. Có tiền, Sơn rất mừng, còn Duy Khánh thì hát rất thành công bài hát ấy.

Trở lại với câu chuyện hôn nhân của những nghệ sĩ trốn lính, phải chăng đó là một quyết định khó khăn với Trịnh Công Sơn?

Dịch giả Bửu Ý: Tôi chơi thân với Trịnh Công Sơn nhiều năm và theo tôi nghĩ, với Thanh Thúy, Khánh Ly, Hồng Nhung thì Sơn rất thân nhưng không có ý xem người đó là người yêu của mình, còn xem đó là vợ tương lai của mình càng không nữa.

Trịnh Công Sơn chưa bao giờ nói với tôi về việc muốn đi đến hôn nhân với ai. Có lẽ Trịnh Công Sơn không muốn bị trói buộc vào hôn nhân và không muốn bị trói buộc vào một tình yêu nào.

Dường như với Trịnh Công Sơn, tình yêu là một tình cảm vô cùng đặc biệt?

Dịch giả Bửu Ý: Theo tôi quan sát thì tình yêu của Trịnh Công Sơn đó là làm sao cho người đó vừa lòng là được, nên Trịnh Công Sơn yêu quá nhiều. Nhiều người cũng yêu anh Sơn mà anh thì lại sẵn sàng mở lòng đón tình yêu đến với mình! Anh quá nghệ sĩ bởi vậy khó đi đến hôn nhân mà có muốn đi đến hôn nhân thì người ta cũng khó lòng chấp nhận một người như thế. Khi Trịnh Công Sơn yêu một cô gái Huế thì gia đình họ ngăn cản ghê lắm, gặp cũng không được, đến nhà càng không được thế thì làm sao đến được với nhau?

Trịnh Công Sơn quá nghệ sĩ trong chuyện tình cảm, còn chuyện tiền bạc thì sao?

Dịch giả Bửu Ý: Trịnh Công Sơn có khả năng làm ra tiền, nhưng không để ý, anh không coi trọng đồng tiền. Bản thân tôi cũng vậy, cả đời lo làm việc, chẳng biết đồng tiền là gì.

Nhiều người cho rằng làm nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn cũng khá là sung sướng - viết nhạc và uống rượu Tây, ông có nghĩ vậy không?

Dịch giả Bửu Ý: Tôi biết nhiều người không thích hình mẫu Trịnh Công Sơn, vì họ cho rằng một trí thức dấn thân thì người đó phải sống cuộc đời khổ cực, bần hàn, còn Trịnh Công Sơn thì luôn uống rượu Tây, mặc áo đẹp. Tôi có thể khẳng định rằng rượu Tây anh uống phần nhiều là bạn bè tặng cho, mỗi người từ nước ngoài về thì đem theo một vài chai. Rất nhiều bộ quần áo đẹp anh mặc là do bạn bè từ nước ngoài về tặng. Đối với họ thì một vài chai rượu hay vài ba bộ quần áo có đáng gì đâu. Còn riêng Trịnh Công Sơn, cả đời không biết gì tới tiền bạc.

Nhạc tình của Trịnh Công Sơn, ông thích nhất bài gì?

Dịch giả Bửu Ý: Tôi thích bài “Như cánh vạc bay” và “Nhìn những mùa thu đi”. Tôi có thể nói với anh là đa số người yêu của Trịnh Công Sơn là người Bắc. Cô người Bắc trong “Như cánh vạc bay” là người em của một cô chủ nhiệm một tờ báo ở Sài Gòn. Chúng tôi đi chơi Đà Lạt, hai người đuổi nhau trên đồi Đà Lạt, cô ấy mặc áo hở hai vai trắng muốt như cánh vạc vây. Trịnh Công Sơn viết câu “Đôi môi em là đốm lửa hồng” là bởi đôi môi cô lúc nào cũng đỏ chót. Mối tình diễn ra cũng rất ngắn. Chỉ để lại vài bài hát.

Âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn thì sao?

Dịch giả Bửu Ý: Trịnh Công Sơn viết nhạc phản chiến một phần vì lúc đó anh Sơn sinh hoạt với sinh viên nhiều, anh hay tiếp sinh viên. Số sinh viên anh tiếp thì ¾ là thiên tả chống chiến tranh, ¼ là người cách mạng. Anh cũng ảnh hưởng ít nhiều từ hai người bạn dấn thân là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Ngô Kha (người có tài hùng biện, thơ hay, thơ rất mới). Tôi thích bài “Ta đã thấy gì trong đêm nay” và nhiều bài hay khác.

'Trịnh Công Sơn có lẽ không muốn bị trói buộc một tình yêu nào' ảnh 1

Họa sĩ Đinh Cường, nhà văn Bửu Ý, Siphani và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Sài Gòn 1972 (Ảnh: T.L)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận xét gì với ông về khán giả của ông ấy hay không?

Dịch giả Bửu Ý: Một lần Trịnh Công Sơn hỏi tôi: Anh Bửu Ý có biết khán giả nào yêu thích nhạc tôi nhất hay không? Tôi nói là không biết. Trịnh Công Sơn nói rằng: Khán giả thích nhạc tôi nhất là người Hà Nội, sau đó tới người Sài Gòn và sau cùng mới là người Huế chúng ta.

Tại Huế từ lâu có không gian nghệ thuật của Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị nhưng lại không có không gian nào của Trịnh Công Sơn. Gác Trịnh, nơi lưu giữ hình ảnh nhạc sĩ là do bạn bè thân hữu lập ra. Anh nghĩ gì về việc này?

Dịch giả Bửu Ý: Rất nhiều tác phẩm hay được Trịnh Công Sơn viết ở Huế và viết trong những lần về lại Huế. Có những hình ảnh cô gái Huế trong âm nhạc Trịnh Công Sơn một thời là hình tượng cảm hứng cho các nghệ sĩ như hình ảnh cô gái có mái tóc dài và đôi “vai gầy guộc nhỏ”, cổ thì cao kiểu “mấy tầng tháp cổ”…

'Trịnh Công Sơn có lẽ không muốn bị trói buộc một tình yêu nào' ảnh 2

Dịch giả Bứu Ý và bức tranh Trịnh Công Sơn vẽ trên tường nhà ( Ảnh: Trần Nguyễn Anh)

Tôi nghĩ rằng một không gian nghệ thuật Trịnh Công Sơn ở Huế chắc chắn sẽ thu hút nhiều bạn trẻ, nhất là các bạn sinh viên trong Nam, ngoài Bắc.

Ở Huế đang có một ủy ban vận động xây dựng không gian Trịnh Công Sơn. Chúng tôi đề xuất làm một bức tượng Trịnh Công Sơn ở Huế. Hiện các tác giả đã nộp 5-6 tác phẩm, và giới nghệ sĩ cùng người hâm mộ sẽ chọn lựa tác phẩm đẹp nhất để xây dựng.

Phóng viên: Cám ơn dịch giả Bửu Ý!