Tin mới vụ 34 du khách nhập viện ở Đà Nẵng

TPO - Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố Đà Nẵng đã thanh tra, kiểm tra toàn diện cơ sở có trong lời khai của các du khách. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở M.P không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, chưa có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngày 4/8, tại buổi họp báo quý 2 năm 2022 của UBND thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố đã có những thông tin liên quan đến vụ ngộ độc tập thể khiến hàng chục du khách phải nhập viện vào ngày 2/8.

Ông Hải cho biết: Một ngày sau vụ ngộ độc, BQL đã tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện cơ sở có trong lời khai của các du khách. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở M.P. (85 Hồ Nghinh) không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, chưa có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tin mới vụ 34 du khách nhập viện ở Đà Nẵng ảnh 1
34 bệnh nhân bị ngộ độc phải vào bệnh viện 199 - Đà Nẵng để theo dõi, chữa trị.

Trong khi đó, nhà hàng T.S (148 Nguyễn Tri Phương) nơi đoàn khách có ghé là cơ sở nằm trong diện quản lý trên hệ thống và là cơ sở đã được chú ý. Ban quản lý đã mở rộng thanh tra kiểm tra toàn diện các nhà hàng trong hệ thống công ty này. Đồng thời, tiến hành mở đợt kiểm tra toàn diện các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống tại thành phố theo kế hoạch.

Lý giải việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong đợt cao điểm mùa hè, ông Hải cho biết: Do nắng nóng tăng cao khiến các vi sinh vật phát triển rất thuận lợi, dịch COVID-19 gây gián đoạn nguồn nhân lực, đặc biệt là tại các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống và du lịch. Ngoài ra, sự bùng phát du lịch khiến quá tải cục bộ.

"Ngay từ tháng 3/2022, BQL đã thực hiện sớm những công tác để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho mùa cao điểm du lịch. Ban đã chủ động làm công tác truyền thông đi trước và lập danh sách khoảng 300 cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống để theo dõi thường xuyên", ông Hải cho biết.

Tin mới vụ 34 du khách nhập viện ở Đà Nẵng ảnh 2

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố tại buổi họp báo.

Theo ông Hải, biện pháp lâu dài để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố là phải thực hiện 3 giải pháp gồm: Truyền thông đi trước một bước, thanh kiểm tra toàn diện để tạo sức lan tỏa và tranh thủ sự tham gia của người tiêu dùng. Ban quản lý sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng để an toàn vệ sinh thực phẩm được gắn liền với thương hiệu doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận của cơ sở đó. Người tiêu dùng có thể nhận biết được đâu là cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trả tiền đúng với chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

"Nếu làm không tốt thì người tiêu dùng sẽ là người “trừng phạt” doanh nghiệp”, ông Hải cho biết.

Liên quan đến tình hình sức khỏe của các du khách, bà Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: đến nay, tình hình sức khoẻ các bệnh nhân đã ổn định và đã xuất viện.

Như báo Tiền Phong đã đưa tin, ngày 2/8, nhiều du khách bị ngộ độc thực phẩm, cấp cứu tại Bệnh viện 199 – Bộ Công an. Theo bệnh viện 199, có đến 34 người nhập viện với các biểu hiện ngộ độc thực phẩm. Đây là những du khách đi trong đoàn 120 người đến từ thị trấn Đông Triều (Quảng Ninh) vào Đà Nẵng du lịch sáng 1/8. Đoàn khách trên lưu trú tại một khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà).

Theo kết quả xác minh, ngày 1/8, đoàn ăn trưa tại nhà hàng M.P với các món: gỏi hải sản, mực hấp, tôm bạc hấp bơ tỏi, ốc hương xào sả ớt, cá biển, nghêu xào măng, ba chỉ rang mắm tép, rau luộc, canh chua cá, cơm trắng, trái cây và trà đá.

Buổi tối đoàn ăn tối tại nhà hàng T.S với các món gỏi sứa trộn vả, cá cu hấp ngũ liễu, gà nấu cung đình, rau cải xào nấm, đà điểu lúc lắc, tôm sú nướng xiên que, mực trứng, canh rong biển nấu tôm và đậu non, dưa cà muối, cơm niêu, tráng miệng và trà đá.