Thưởng Tết ở nhiều tỉnh, thành tương đương năm ngoái

Bình quân tiền thưởng Tết ở TP HCM, Đồng Nai bằng hoặc thấp hơn so với năm 2020, trong khi ở Hà Nội giảm nhẹ.

Nhiều địa phương lần lượt công bố cho thấy mặt bằng chung thưởng Tết Nhâm Dần khó cao hơn so với trước, do hai năm liên tiếp chịu ảnh hưởng của dịch.

Số doanh nghiệp báo cáo về tại các tỉnh, thành "nhỏ giọt" so với số lượng đăng ký kinh doanh trên địa bàn. TP HCM có hơn 200.000 doanh nghiệp hoạt động song chỉ hơn 1.000 đơn vị báo cáo thưởng Tết, chiếm khoảng 0,5%. Hà Nội có gần 318.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với hơn 4,17 triệu lao động, chỉ hơn 6.200 doanh nghiệp (chiếm gần 2%) báo cáo tiền lương, thưởng Tết cuối năm.

Tài chính - ngân hàng vẫn là nhóm ngành dự báo có mức thưởng Tết cao. Ảnh: Giang Huy

Tài chính - ngân hàng vẫn là nhóm ngành dự báo có mức thưởng Tết cao. Ảnh: Giang Huy

Hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chưa công bố chính thức tiền lương, thưởng Tết năm nay trên cả nước, dù hạn cuối cùng để các tỉnh báo cáo về là 29/12/2021. Với các công bố gần đây cho thấy năm qua, doanh nghiệp dân doanh và FDI vẫn là hai khu vực dẫn đầu về mức thưởng cao nhất dịp Tết Âm lịch, ghi nhận tiền tỷ ở TP HCM và Đà Nẵng.

Lần đầu tiên, Đà Nẵng ghi nhận mức thưởng Tết cao nhất hơn 1,4 tỷ đồng thuộc về lao động trong công ty công nghệ thông tin. Số tiền cao gấp 11 lần so với thưởng 127 triệu của năm trước, thậm chí cao hơn mức 927 triệu đồng tại thời điểm chưa chịu tác động của Covid-19.

So với năm trước, mức thưởng Tết của người lao động ở Hà Nội giảm nhẹ, một số đơn vị khó khăn chưa có dự kiến thưởng. Thưởng cao nhất trong các khối doanh nghiệp nhà nước và công ty góp vốn chi phối của nhà nước lần lượt đạt 23 và 28,5 triệu, giảm so với mức thưởng năm ngoái là 30 triệu đồng. Mức thưởng Tết thấp nhất cũng giảm từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng mỗi khối so với năm trước.

Tại TP HCM, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt dịch kéo dài, lao động nhận thưởng bình quân 8,8 triệu đồng, tương đương Tết Tân Sửu. Mức thưởng cao nhất xấp xỉ 1,3 tỷ đồng thuộc về cá nhân làm việc trong khối FDI, cao hơn so với năm trước đó ghi nhận hơn 1,07 tỷ đồng.

Hơn 500 doanh nghiệp (chiếm 50%) trong tổng số đơn vị báo cáo thưởng Tết gặp khó khăn chi thưởng cuối năm cho lao động do sản xuất ngưng trệ, đơn hàng giảm. Tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm... vẫn là nhóm ngành có thưởng Tết hấp dẫn. Ngược lại, các doanh nghiệp quy mô nhỏ, sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.

Nhiều doanh nghiệp bù đắp cho người lao động bằng các phần quà như gạo, mứt, bánh kẹo Tết, phiếu mua hàng, tổ chức xe đưa đón công nhân về quê. Một số doanh nghiệp lên kế hoạch tất niên, thăm hỏi người lao động nghèo khó, tổ chức đón Tết cho lao động xa quê không về nhà. Ngược lại, có doanh nghiệp kết hợp giải quyết nghỉ phép trong năm để lao động có thêm thời gian về nhà đón Tết.

Đồng Nai, địa phương có 1,2 triệu công nhân đang làm việc cũng chật vật vì dịch. Khoảng 1.000 doanh nghiệp (chiếm 50%) số đơn vị có báo cáo thưởng Tết bằng hoặc thấp hơn năm ngoái, chủ yếu là một tháng lương. Mức thưởng Tết cao nhất xấp xỉ 800 triệu đồng thuộc về giám đốc doanh nghiệp FDI, cao hơn so với năm trước là 600 triệu đồng; mức thấp nhất là 1,75 triệu đồng.

Mức thưởng Tết giảm đã khiến hơn 16.000 công nhân Pouchen (TP Biên Hòa, Đồng Nai) ngừng việc tập thể bốn ngày. Do không hoàn thành kế hoạch sản xuất, tập đoàn giảm thưởng Tết còn bình quân 1 - 1,54 tháng lương, tương đương 5 - 20 triệu đồng. Trong khi năm trước, mức thưởng bằng 1,87 tháng lương. Sau nhiều buổi thương thuyết giữa lãnh đạo công ty và công đoàn, mức thưởng Tết được giữ nguyên như công bố, công nhân quay lại làm việc.

Công nhân Pouchen (Đồng Nai) tập trung trước cổng công ty phản đối mức thưởng Tết. Ảnh:Thái Hà

Công nhân Pouchen (Đồng Nai) tập trung trước cổng công ty phản đối mức thưởng Tết. Ảnh:Thái Hà

Khu vực phía Bắc ít chịu tác động hơn của dịch bệnh và các đợt cách ly xã hội kéo dài, song cũng ghi nhận thưởng Tết tại Hà Nội giảm nhẹ so với năm trước, một số đơn vị khó khăn chưa có kế hoạch. Mức thưởng cao nhất tương đương năm ngoái với 400 triệu đồng trong doanh nghiệp dân doanh. Người lao động thành phố nhận thưởng từ 3,2 đến 4,2 triệu đồng giữa các khối.

Bắc Giang - tâm dịch cả nước hồi tháng 5 hiện đã khôi phục hoàn toàn sản xuất. Gần 280 doanh nghiệp trong tổng số hơn 400 công ty hoạt động trên địa bàn có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch. Thưởng cao nhất gần 228 triệu đồng trong khối FDI; mức thưởng thấp nhất ghi nhận 100.000 đồng.

Theo lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bắc Giang, doanh nghiệp phải gánh chi phí chống dịch, xét nghiệm định kỳ, song vẫn duy trì mức tiền lương và một số khoản hỗ trợ như tiền ăn, tiền nhà ở, trợ cấp đi lại, thuê xe đưa đón công nhân ... như trước khi xảy ra dịch. Người lao động trên địa bàn nhận thưởng bình quân 5,2 triệu đồng, không biến động nhiều so với năm ngoái.

Trong thời gian lao động nghỉ làm do ảnh hưởng của dịch, một số doanh nghiệp trả lương ngừng việc bằng lương tối thiểu vùng theo quy định. Mức lương bình quân của người lao động tại Bắc Giang là 7,5 triệu đồng, tăng 3,8% so với năm 2020.

Tại Bắc Ninh, lao động nhận thưởng Tết bình quân 5,45 triệu đồng, mức cao nhất 212 triệu thuộc lao động khối FDI. Hơn 400 doanh nghiệp (chiếm 92%) đã công bố kế hoạch thưởng Tết Nhâm Dần.

Tiền thưởng Tết không phải là khoản cứng quy định trong Bộ luật Lao động, song được người lao động mong chờ, lại trở thành áp lực chung với doanh nghiệp năm nay trong bối cảnh các đợt dịch nối tiếp nhau và kéo dài, sản xuất gián đoạn.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, nhận định thưởng Tết Nhâm Dần khó đột biến, sẽ ngang bằng thậm chí thấp hơn năm trước. Sau hai năm chịu tác động của dịch, các nguồn dự phòng của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt. Nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ hoặc lãi không đáng kể, phải xoay sở trả lương đầy đủ cho lao động, nên khoản thưởng Tết lại càng áp lực hơn.

Theo ông, ngoài thưởng Tết thì doanh nghiệp cần linh hoạt trong chính sách để giữ chân lao động, như hỗ trợ thêm tiền vé tàu xe, máy bay, lì xì, thậm chí đưa đón công nhân về nhà, để sau Tết họ sớm trở lại nhà máy. Phía Bộ sẽ thúc đẩy chương trình phục hồi thị trường lao động, như hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hoặc sắp xếp nơi ở tạm thời... thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc.

Tết Nguyên đán 2021, hơn 30.000 doanh nghiệp cả nước có báo cáo thưởng Tết, ghi nhận mức bình quân của người lao động khoảng 6,36 triệu đồng, bằng 95% so với năm trước đó, do lần đầu chịu ảnh hưởng của dịch.

Việc doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết về ngành Lao động không phải là quy định bắt buộc, phần lớn những đơn vị gửi về còn kinh doanh được và có kế hoạch thưởng cho nhân viên.

Hồng Chiêu