Thủ tướng: Giữ vững bản lĩnh, kỷ cương vượt qua khó khăn kinh tế

(PLO)- Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; ổn định các loại thị trường và giá cả… là những ưu tiên trong thời gian tới.

Ngày 3-8, kết luận nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ các trọng tâm chỉ đạo, điều hành và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tình hình mới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ.

Nền kinh tế chịu nhiều áp lực

Phiên họp đã tập trung thảo luận các nội dung về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, tình hình phòng chống dịch COVID-19...

Thủ tướng: Giữ vững bản lĩnh, kỷ cương vượt qua khó khăn kinh tế ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ ngày 3-8. Ảnh: VGP

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định trong tháng 7 và bảy tháng vừa qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia.

Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, xung đột Nga - Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định. Cạnh đó, chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất tiếp tục đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu, đầu vào và giá nông sản quan trọng có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn biến động, lạm phát ở nhiều nước tăng cao kỷ lục kể từ 3-4 thập niên gần đây.

Nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của nước ta thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa. Rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục xu hướng gia tăng. Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh, giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022.

Với Việt Nam, nền kinh tế độ mở lớn, tới thời điểm này kim ngạch xuất khẩu đạt 432 tỉ USD, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Nền kinh tế vẫn đối diện với áp lực và nguy cơ lạm phát, vấn đề giải ngân đầu tư công, triển khai một số nhiệm vụ trong chương trình phục hồi và phát triển còn hạn chế…

Thủ tướng cho rằng trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới cần hết sức bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, nắm chắc tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.

Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình cả nước.

Việc triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng văn bản hướng dẫn và giải ngân vốn một số chính sách trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là do giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; khó khăn về vốn, tín dụng...

Số ca mắc COVID-19 tăng do sự xuất hiện của biến chủng mới. Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra.

Trong các nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là vẫn còn một số tập thể lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, chưa bám sát công việc, kiểm tra đôn đốc và đôi khi còn lơ là, chủ quan.

Thủ tướng cho rằng trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Đảng; đoàn kết thống nhất, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính; hết sức bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, phát huy kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, đánh giá đúng nguyên nhân để có giải pháp phù hợp.

Ổn định kinh tế vĩ mô là hàng đầu

Về trọng tâm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “bốn ổn định, ba tăng cường, hai đẩy mạnh, một tiết giảm và một kiên quyết không”.

Bốn ổn định gồm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường và giá cả; ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ba tăng cường gồm tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.

Hai đẩy mạnh gồm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân; đẩy mạnh quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công.

Một tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.

Một kiên quyết là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, chắc chắn.