Thủ Đức cần cơ chế để bứt phá

Dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng theo lãnh đạo TP HCM cùng các chuyên gia, để TP Thủ Đức bứt phá đi lên thì cần phải có cơ chế đặc thù vượt trội

Tại buổi làm việc mới đây của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để TP Thủ Đức phát triển đột phá, TP HCM lần nữa kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét chấp thuận khi "Đề án kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức" hoàn chỉnh được trình. Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Thủ Đức là thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước và rất cần một cơ chế đặc thù để vận hành.

Quá tải hồ sơ hành chính

Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 23-3, người dân tập trung rất đông khiến địa điểm tiếp nhận hồ sơ hành chính tại địa chỉ trên xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức bị quá tải. Hàng trăm người chen chúc nhau để lấy số chờ đến lượt làm thủ tục giấy tờ. Ông Nguyễn Viết Xuân (ngụ TP Thủ Đức) than thở hôm 22-3, ông tới trễ nên đành phải quay về vì quá tải. "Hôm nay, tôi đến sớm và đã bốc được số với hy vọng thủ tục giấy tờ sẽ sớm hoàn thành" - ông Nguyễn Viết Xuân hy vọng.

Thủ Đức cần cơ chế để bứt phá - Ảnh 1.

Điểm tiếp nhận hồ sơ hành chính ở TP Thủ Đức, TP HCM luôn kín chỗ ngồi chờ .Ảnh: SỸ HƯNG

Trường hợp ông Xuân không phải là cá biệt. Qua trao đổi, chúng tôi ghi nhận có hàng chục người như ông Xuân - tức hôm trước đến làm thủ tục thấy đông nên đành phải ra về chờ hôm sau đến sớm. Thế nhưng, hy vọng của ông Xuân xem ra khó thực hiện trong buổi sáng, bởi đến 11 giờ 30 phút, ông Xuân vẫn chưa đến lượt để đến quầy làm thủ tục. "Thời điểm chưa sáp nhập 3 quận, thủ tục làm các giấy tờ, hồ sơ ở quận 9 cũ rất nhanh. Vậy mà, từ trước Tết, tôi làm thủ tục đăng bộ, được cán bộ hướng dẫn đóng thuế và các loại giấy tờ đầy đủ nhưng đến nay đã mấy tháng trôi qua tôi vẫn chưa đăng bộ được" - ông Xuân ngao ngán.

Lý giải cho việc quá tải hồ sơ nêu trên, một cán bộ phụ trách cho hay do điểm tiếp nhận hồ sơ hành chính trên đường Thống Nhất, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức được chuyển về điểm trên xa lộ Hà Nội nên số lượng người đến đăng ký các loại giấy tờ mỗi ngày tại địa điểm này rất đông, dù cán bộ đã làm cả buổi vẫn không xuể.

Thủ Đức cần cơ chế để bứt phá - Ảnh 2.

Không phải ai cũng may mắn lấy được số thứ tự để có thể đến quầy làm thủ tục trong ngày khi lượng người đến làm hồ sơ luôn quá tải .Ảnh: SỸ HƯNG

Không chỉ người dân mà bà Nguyễn Thị Hà (ngụ TP Thủ Đức) - nhân viên dịch vụ chuyên làm các loại giấy tờ nhà đất - cũng ngao ngán khi một bộ hồ sơ đất đai làm 3-4 tháng cũng chưa tới đâu. "Tôi nghĩ do sáp nhập 3 quận hồ sơ tồn đọng, cơ chế quản lý, thay đổi cán bộ cũng khiến cho mọi việc trở nên quá tải. Tôi làm dịch vụ giấy tờ mấy năm ở quận 9 cũ nhưng giờ mới "nếm đủ" cảm giác khó khăn và chờ lâu như vậy" - bà Hà thở dài. Luật sư Nguyễn Văn Minh (Đoàn Luật sư TP HCM) đi làm hồ sơ nhà đất cho người thân cũng lắc đầu ngao ngán vì số lượng người đến làm thủ tục quá đông, thời gian hoàn tất thủ tục kéo dài.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, từng chia sẻ sau khi thành lập TP Thủ Đức đạt được một số kết quả tích cực như hoàn thiện bộ máy hành chính từ thành phố đến các phường, thu ngân sách vượt dự toán năm 2021, thực hiện có hiệu quả phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội… Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ tinh gọn, cộng thêm khối lượng công việc lớn khiến lực lượng cán bộ thành phố này đang quá tải, chịu không ít áp lực và nhiều người đã xin nghỉ việc. Qua thực tiễn một năm, việc tinh giản cán bộ cần phải xem lại bởi hiện sau sáp nhập, UBND TP Thủ Đức có 585 người, theo lộ trình phải giảm còn 459 người. Dự báo tới đây, dân số TP Thủ Đức từ 1,2 triệu sẽ lên 1,5 triệu người nên khối lượng công việc lại càng tăng. Trong khi đó, yêu cầu giải quyết hồ sơ, công việc của người dân cần phải đúng hạn mới bảo đảm được ý nghĩa của việc sáp nhập. Ngoài ra, khi thực hiện phân cấp, ủy quyền thì có giao thêm việc, trong đó có nhiều việc chưa từng làm nên trước mắt cần duy trì khối lượng công chức, viên chức để bảo đảm công việc.

Cần áp dụng cơ chế cấp tỉnh

Mặc dù trong thời gian qua, TP HCM đã nỗ lực phân cấp, ủy quyền tối đa cho TP Thủ Đức nhưng thẳng thắn nhìn nhận như nhiều chuyên gia thì TP Thủ Đức không khác gì các quận, huyện khác về cơ chế mà chỉ là thành phố to trên cơ sở gom 3 quận (quận 2, 9 và Thủ Đức) lại. Đến giờ, người dân vẫn mong chờ những đổi thay lớn của Thủ Đức, còn thành phố mới này lại đang chờ cơ chế từ TP HCM. Thực tế, sau một năm thành lập, TP Thủ Đức vẫn chỉ có hành lang pháp lý tương đương cấp huyện và hoạt động theo cơ chế của một "siêu quận", trong khi mang hình hài của một "thành phố trong thành phố" đầu tiên tại Việt Nam. Cùng với hiện thực hóa quy hoạch, vấn đề cấp bách nhất hiện nay của thành phố mới này là cần có một cơ chế đặc thù xứng tầm với tiềm năng và những kỳ vọng đang phải gánh vác.

Sau sáp nhập, TP Thủ Đức trở thành đô thị loại I trực thuộc TP HCM, chiếm 10% diện tích TP HCM và có dân số lớn hơn 21 địa phương trên cả nước (trên 1,2 triệu dân). Nơi đây mang sứ mệnh trở thành thành phố kiểu mẫu cho cả nước trong triển khai ứng dụng công nghệ 4.0, nơi có thể đóng góp 30% GRDP của TP HCM và 7% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường Đại học Luật TP HCM, với những quy định pháp luật hiện hành, mô hình về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng vẫn mang dáng dấp mô hình chính quyền địa phương bao lâu nay.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí cho rằng có nhiều cái mới nhưng không đủ vượt qua rào cản cơ chế quá lớn. Khi mới ra đời, TP Thủ Đức có nhiều âm hưởng nhưng sau một năm gần như mới dừng lại ở việc giải quyết câu chuyện tinh giản biên chế. "Trung ương cần xác định rõ vị trí của TP Thủ Đức. Đó là một thành phố vệ tinh hay đơn giản là sự sáp nhập 3 quận thành một. Nếu là thành phố vệ tinh thì phải cho nó sức sống tương xứng. Chứ gọi nó là một thành phố thuộc thành phố, một thành phố mới, cực tăng trưởng mới nhưng không cho cơ chế thì không hợp lý" - TS Nguyễn Thị Thiện Trí nêu quan điểm.

Trong khi đó, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM - đánh giá sau một năm hoạt động, TP Thủ Đức chưa có cơ chế vận hành, chưa có sự phân cấp, phân quyền rành mạch phù hợp. Trên thực tế đây như là một siêu quận, một quận rất lớn. Bà Phạm Phương Thảo đưa ra ý kiến thẩm quyền chung của TP Thủ Đức nên tương đương như cấp tỉnh. "Chúng ta không nói chữ "bằng" nhưng nói chữ "tương đương" để vận dụng phù hợp" - nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM nói. Theo bà Phạm Phương Thảo, nếu áp dụng thẩm quyền tương đương cấp tỉnh thì việc vận dụng sẽ nhanh hơn. Khi đó chủ tịch TP Thủ Đức cũng tương đương thẩm quyền chủ tịch tỉnh; các mặt về thẩm quyền, hệ số phụ cấp chức vụ cũng tương đương. Về số cán bộ, công chức, bà Phạm Phương Thảo đề xuất nên theo hướng tinh gọn nhưng cần tính theo dân cư sẽ phù hợp hơn.

Đề cập hướng phát triển TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù thì mới vận hành được. Theo Chủ tịch UBND TP HCM, TP Thủ Đức là thành phố trong thành phố thì phải có phương thức vận hành như TP HCM. 

8 nhóm đề xuất phân cấp cho TP Thủ Đức

Trong khung dự thảo đề án kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức của TP HCM, dự kiến có 8 nhóm đề xuất.

Một là, tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước từ TP HCM cho TP Thủ Đức. Hai là, gỡ bỏ các điều kiện hạn chế gia nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực trên địa bàn TP Thủ Đức. Ba là, phân bổ lại ngân sách, tỉ lệ phân chia ngân sách theo hướng tăng cường để lại các nguồn thu cho TP Thủ Đức. Bốn là, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn TP Thủ Đức và dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách TP HCM trên địa bàn TP Thủ Đức.

Năm là, đấu thầu các khu đất công, đấu thầu cung cấp dịch vụ công. Sáu là, cơ chế tiếp nhận các khoản hỗ trợ, đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong việc đầu tư hạ tầng. Bảy là, tách dự án bồi thường ra khỏi dự án xây lắp. Tám là, thẩm quyền về bộ máy quản lý nhà nước và chính sách nhân sự.

SỸ HƯNG - PHAN ANH