Thiết kế cảnh quan cho đại lộ Lê Lợi TP.HCM sau hơn 7 năm chắn rào

Đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành, quận 1) sau khi được dự án metro số 1 hoàn trả mặt bằng sẽ được tái lập cảnh quan theo 3 giai đoạn.

Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa góp ý các sở, ngành về phương án thiết kế cảnh quan tái lập tuyến Lê Lợi (đoạn Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành).

Phó chủ tịch giao Sở Quy hoạch Kiến trúc hoàn chỉnh lại phương án thiết kế đường Lê Lợi. Lãnh đạo TP.HCM đề nghị tuyến đường không bố trí vị trí đậu xe máy, mái che dọc công trình nhà liền kề do ảnh hưởng an toàn kết cấu; đồng thời Sở này cần tính toán lại vị trí phù hợp cho người đi bộ và người khuyết tật.

Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc cần phối hợp đơn vị tư vấn đoạt giải Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành để chuẩn bị nội dung về ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm toàn tuyến phố thương mại thuộc trục đường Lê Lợi và nhà ga Bến Thành, báo cáo UBND TP vào tháng 4 tới.

Tháng 12/2021, Sở Quy hoạch Kiến trúc đề xuất thiết kế cảnh quan đường Lê Lợi (đoạn từ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành) theo 3 giai đoạn sau khi chủ đầu tư tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn trả mặt bằng.

Thiet ke canh quan cho dai lo Le Loi TP.HCM sau 6 nam chan rao anh 1

Đại lộ Lê Lợi TP.HCM sẽ được tái lập cảnh quan sau nhiều năm đặt rào chắn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Giai đoạn 1, vỉa hè bên phải đường Lê Lợi (cùng phía với khách sạn Rex) được lát gạch mới với tổng diện tích hơn 4.200 m2, chiều ngang vỉa hè khoảng 6 m; nơi đây trồng mới 35 cây dầu và 40 cây lim xẹt trồng trên dải phân cách; bổ sung bồn cây ngầm, hệ thống tưới... với hơn 21,4 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành việc cải tạo bên phải, bên trái đường Lê Lợi (từ Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn đến dự án Khu thương mại Thương xá Tax) cũng được cải tạo tương tự để đồng bộ.

Giai đoạn 2, hoàn thiện thiết kế đô thị trên lòng đường và vỉa hè đường Lê Lợi với các nâng cấp về tiện ích xã hội; điều chỉnh làn đường cho xe máy, ôtô và thí điểm trạm xe đạp công cộng; mái che cho người đi bộ; kết nối ga metro với phương tiện công cộng...

Giai đoạn 3, mở rộng ranh nghiên cứu và thực hiện ra các dãy nhà dọc 2 bên đường Lê Lợi với mục đích ưu đãi về mặt hệ số sử dụng đất, tầng cao, khoảng lùi để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, cần phải chỉnh trang đồng bộ mặt đứng, cũng như quy định về biển quảng cáo. Tuy nhiên, việc chỉnh trang phải giữ được những kiến trúc mang giá trị văn hóa, lịch sử.

Từ giữa năm 2014, phần lớn mặt đường Lê Lợi (đoạn từ đường Đồng Khởi đến đường Pasteur) đã được nhà thầu rào chắn để phục vụ thi công ga ngầm Nhà hát TP.HCM. Đến 30/4/2021, một đoạn rào chắn dài 150 m trên đường Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến Pasteur) được tháo dỡ, trả lại mặt bằng nơi này sau gần 7 năm chiếm dụng.

Hiện, đường Lê Lợi còn lại gần 500 m rào chắn cần tái lập, hoàn trả lòng đường, vỉa hè.

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Tính đến tháng 3/2022, dự án đạt 89% tổng khối lượng. Hiện, 13/17 đoàn tàu metro đã được đưa về TP.HCM để chuẩn bị vận hành thử nghiệm trong năm nay.

Metro số 1 trả mặt bằng trung tâm TP.HCM trước 30/4

Sau khi mặt bằng Lê Lợi (quận 1) được hoàn trả, tuyến đường được chỉnh trang, kết nối đường Nguyễn Huệ tạo thành không gian đi bộ, mua sắm, thương mại sầm uất tại trung tâm TP.HCM.