Thiên thạch khổng lồ bay ngang Trái Đất, có thể quan sát trực tiếp

Thiên thạch khổng lồ lớn hơn gấp đôi tòa tháp Empire State (Mỹ) bay hướng về gần Trái Đất. Người yêu thiên văn có thể quan sát rõ nhất vật thể này bằng kính viễn vọng cỡ lớn.

Theo NASA, thiên thạch này được gọi là (7482) 1994 PC1, sẽ đi qua Trái Đất gần nhất vào khoảng 4h51 ngày 19/1 (giờ Việt Nam). Hiện tại, nó đang di chuyển với vận tốc 70.400 km/h và sẽ cách hành tinh của chúng ta khoảng 2 triệu km tại vị trí gần nhất.

Đây rõ ràng là một khoảng cách an toàn và không có gì đáng để bận tâm. Mặc dù không có nguy cơ va chạm với Trái Đất, theo tiêu chuẩn của NASA, họ vẫn phân loại tiểu hành tinh này là một vật thể nguy hiểm tiềm tàng.

Tieu hanh tinh bay qua Trai dat,  Tieu hanh tinh,  Trai dat anh 1

Thiên thạch (7482) 1994 PC1 được NASA xếp loại nguy hiểm tiềm tàng. Ảnh: Getty.

Với một chiếc kính viễn vọng thích hợp và các điều kiện thời tiết không ảnh hưởng đến tầm nhìn, những người đam mê thiên văn chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội này. Và phải đến năm 2105, thiên thạch này mới lại “viếng thăm” Trái Đất lần nữa.

Theo EarthSky, những người quan sát thiên thạch (7482) 1994 PC1 ở khu vực Bắc Mỹ sẽ có nhiều lợi thế nhất. Độ sáng của vật thể này được đánh giá ở mức 10, một mức tương đối yếu nên các nhà khoa học khuyến nghị nên sử dụng kính viễn vọng lớn hơn 6 inch để mang lại trải nghiệm tốt nhất.

Ngày 9/8/1994, nhà thiên văn học Robert McNaught là người đầu tiên phát hiện thiên thạch (7482) 1994 PC1. Kể từ đó, các nhà khoa học khác đã theo dõi hành trình của nó bằng cách sử dụng các quan sát của McNaught để tính toán tốc độ và quỹ đạo của thiên thạch.

Họ tính toán rằng thiên thạch này đang hoàn thành một vòng quay quanh Mặt Trời trong 572 ngày. Trên lý thuyết, (7482) 1994 PC1 đã từng cách Trái Đất chỉ 1,1 triệu km vào tháng 1/1933. Tuy vậy, tại thời điểm đó, công nghệ của con người chưa đủ tiên tiến để quan sát thiên thạch này.

Những thiên thạch như (7482) 1994 PC1 cũng được được gọi chung là các vật thể gần Trái Đất (NEO), và luôn được các nhà khoa học theo dõi nhằm đề phòng rủi ro. Mỗi năm, Trung tâm nghiên cứu vật thể gần Trái Đất (CNEOS) thuộc NASA đang quan sát tới 28.000 vật thể NEO và khoảng 3.000 thiên thạch mới được tìm thấy.

“Khi các kính thiên văn khảo sát trở nên lớn và tiên tiến hơn, chúng tôi có thể tăng cường khả năng tìm kiếm trong vài năm tới và số lượng thiên thạch khám phá được mong đợi sẽ tăng nhanh chóng”, CNEOS cho biết.

Một khi các nhà khoa học phát hiện một thiên thạch hay sao chổi gần Trái Đất, họ sẽ tiến hành phân tích quỹ đạo của chúng để đánh giá độ nguy hiểm. NASA cho biết mặc dù có tới hàng nghìn thiên thạch và sao chổi đang quay quanh Hệ Mặt Trời, những gì mà CNEOS đang theo dõi sẽ không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng với Trái Đất trong ít nhất 100 năm nữa.

Tín hiệu lạ từ trung tâm dải Ngân hà

Các nhà khoa học tìm thấy sóng vô tuyến kỳ lạ, không giống với bất cứ thứ gì từng phát hiện trước đây, có nguồn gốc từ trung tâm dải Ngân hà.