‘The Adam Project’ - phim cũ kỹ của Ryan Reynolds

Trong “The Adam Project”, tài tử Ryan Reynolds vào vai một phi công du hành vượt thời gian về quá khứ, mang theo sứ mệnh đặc biệt.
review The Adam Project anh 1

Thể loại: hành động, giả tưởng, hài

Đạo diễn: Shawn Levy

Diễn viên chính: Ryan Reynolds, Walker Scobell, Mark Ruffalo

Điểm: 6/10

Ngày 11/3, The Adam Project đã chính thức phát hành trên nền tảng trực tuyến. Bộ phim đánh dấu lần hợp tác thứ hai của tài tử Ryan Reynolds với nhà làm phim Shawn Levy sau thành công của bom tấn Free Guy (2021). Đây cũng là tác phẩm tiếp theo của Reynolds do Netflix sản xuất, ra mắt không lâu sau Red Notice (2021).

Tác phẩm thuộc thể loại hành động giả tưởng xen lẫn yếu tố hài kịch đang nhận phản hồi khả quan từ cả các cây bút phê bình và khán giả đại chúng. Dù không xuất sắc về nội dung lẫn chất lượng nghệ thuật, The Adam Project vẫn hoàn thành trọn vẹn vai trò một bộ phim giải trí hài hước, duyên dáng với thông điệp về tình cảm gia đình có thể khiến người xem mủi lòng.

Câu chuyện gia đình đáng mến

Nhân vật chính của The Adam Project - không phải một, mà tới hai - Adam Reed. Phim mở đầu tại mốc thời gian Trái Đất 2050, khi Adam trưởng thành (Ryan Reynolds) - đang điều khiển máy bay chạy trốn khỏi sự truy đuổi. Tại Trái Đất năm 2022, chú bé Adam Reed 13 tuổi (Walker Scobell) vẫn chưa nguôi ngoai sau cái chết đột ngột của cha.

Đêm nọ, cậu bước vào nhà kho và phát hiện ra một phi công đang bị thương ẩn náu tại đây. Phi công bí ẩn chính là Adam từ năm 2050, đã sử dụng công nghệ du hành thời gian để chạy trốn về quá khứ. Adam lớn tiết lộ với Adam bé anh đã đánh liều cả tính mạng cho một sứ mệnh bí mật. Giờ họ phải hợp tác nếu muốn cứu lấy thế giới. Một phần nhiệm vụ là sắp xếp lại dòng thời gian đã bị xáo trộn. Trong suốt hành trình, hai phiên bản Adam đã nâng đỡ, giúp đỡ nhau vượt qua nỗi đau mất bố và hàn gắn những vết thương lòng.

Về tổng thể, ý tưởng của The Adam Project không mới. Nó mang không khí của các bộ phim hành động, giả tưởng ra mắt vào thập niên 1980-1990. Có thể thấy rõ ảnh hưởng của những series kinh điển trong thời gian này, đặc biệt là loạt Terminator, thông qua ý tưởng một chiến binh từ tương lai quay về sửa chữa quá khứ. Nhân vật Adam lớn thậm chí còn so sánh thế giới năm 2050 với viễn cảnh khi Skynet nắm quyền.

Dù khai thác yếu tố du hành thời gian, The Adam Project không được gắn nhãn khoa học viễn tưởng. Trên thực thế, xuyên suốt bộ phim, cơ chế du hành thời gian cũng như những lý thuyết đi kèm chỉ được trình bày nhỏ giọt, mang tính hợp lý hóa cốt truyện chứ không nhắm tới mục tiêu xây dựng thế giới hay cung cấp luận điểm khoa học. Trọng tâm của bộ phim cũng không phải yếu tố hành động, giả tưởng nếu xét tương quan thời lượng giữa những cảnh đuổi bắt, chiến đấu với độ dài phim 106 phút.

The Adam Project mô tả những mối quan hệ trong gia đình - câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Phim có những bậc cha mẹ hết lòng vì con cái, những người bạn đời thủy chung, những tình yêu không thể bị chia cắt bởi thời gian hay cái chết…

Phần lớn thời lượng, nó kể câu chuyện về những đứa con lớn lên với vết thương tâm lý khó lành khi người cha bị tước khỏi bức tranh gia đình quá sớm. Những mâu thuẫn, đấu tranh nội tâm của Adam lớn và Adam bé là trái tim của tác phẩm, đưa đẩy câu chuyện tiếp diễn và dọa lấy nước mắt của khán giả.

Phần hình ảnh đẹp mắt, cắt dựng gọn gàng, thông điệp gia đình ý nghĩa cùng lối xây dựng kịch bản ba hồi đơn giản, không có những khúc ngoặt hay nút thắt bất ngờ khiến The Adam Project phù hợp với khán giả nhỏ tuổi hơn là người trưởng thành. Khán giả lớn tuổi cũng có thể xem The Adam Project mà không gặp quá nhiều khó chịu, nhưng chắc chắn sẽ nhanh chóng quên đi bộ phim.

Điều này trái ngược với Stranger Things - TV series ăn khách cho Shawn Levy chỉ đạo sản xuất và đạo diễn. Tác phẩm truyền hình sở hữu dàn nhân vật chính tuổi thiếu niên, nhưng tổng thể lại hợp với khán giả trưởng thành.

Thiếu ý tưởng đột phá

Nếu là một bộ phim kinh phí lớn, phát hành tại rạp, The Adam Project chắc chắn đã thua từ trong trứng nước. Tuy nhiên, tác phẩm được phát hành trên nền tảng trực tuyến, nơi khán giả không có những mối bận tâm dạng “Bỏ chừng này tiền mua vé xem một bộ phim có đáng không” và nhà sản xuất không gặp áp lực thu hồi vốn. Cái họ cần là giữ chân người xem càng lâu càng tốt.

The Adam Project quy tụ dàn diễn viên gồm nhiều gương mặt ăn khách như Ryan Reynolds, Mark Ruffalo, Jennifer Garner và Zoe Saldana trong các vai diễn quan trọng. Mỗi diễn viên, về cơ bản, cũng đều đảm nhận các vai diễn đã trở thành thương hiệu cá nhân - công thức từng giúp Netflix thành công với Red Notice.

Mark Ruffalo vào vai nhà khoa học có phần cứng nhắc - gợi nhớ đến nhân vật Bruce Banner của vũ trụ siêu anh hùng Marvel. Zoe Saldana hóa thân thành một phụ nữ thông minh, sáng suốt và can trường - tương tự hình ảnh Gamora của Guardians of the Galaxy hay Uruha trong loạt Star Trek. Đây đều là những vai diễn làm nên tên tuổi nữ diễn viên. Còn Ryan Reynolds, anh tiếp tục vào vai chính mình trên màn ảnh.

Adam lớn và Adam bé luôn thường trực trạng thái mỉa mai đối phương mọi lúc mọi nơi. Màn tung hứng giữa hai người là yếu tố gây hài chính. Cách xây dựng này không khác lối tự trào thường thấy của Ryan Reynolds - dù đang đấu khẩu với một chú nhóc, trên thực tế, vẫn chỉ là anh đang cằn nhằn chính mình. Diễn viên nhí Walker Scobell đã phối hợp khá ăn ý với Reynolds trong các tình huống cần sự đưa đẩy về cảm xúc.

Tuy nhiên, trong mạng lưới các quan hệ tình cảm đan xen khá chặt chẽ của phim, vẫn có một vài nút thắt lỗi. Đó là câu chuyện giữa Adam và Laura (Zoe Saldana). Được xây dựng theo hướng bi kịch tình yêu, nhưng chuyện yêu đương này chỉ đẹp khi hiện lên qua lời kể của Adam. Còn khi đã gặp mặt, chuyển biến tâm lý của cả hai đều thiếu tự nhiên, như thể có một bàn tay đang tua nhanh qua cảnh hạnh phúc để đến hồi bi thương.

Tương tự, tuyến phản diện trong phim cũng quá sơ sài về cả động cơ, âm mưu tội ác lẫn tương tác với nhân vật chính. Họ xuất hiện theo đúng phong cách phản diện những năm 2000 đổ về trước - ác vì kịch bản bắt họ ác, xuất hiện vì nếu thiếu họ, nhân vật chính sẽ không có đối trọng.

The Adam Project được Shawn Levy và Ryan Reynolds thực hiện liền kề với Free Guy. Khán giả dễ dàng nhận ra sự tương đồng giữa Free GuyThe Adam Project. Đó là sự vay mượn các chi tiết hoặc vật phẩm từ nhiều thương hiệu phim ăn khách vào kịch bản nhằm mục đích gây cười.

Xuất hiện ở Trái Đất 2022, vũ khí chính của Adam lớn là một cây gậy hai đầu có khả năng thay đổi kích thước dài ngắn. Nếu bị nó đánh trúng, vật thể sẽ tan thành cát bụi. Món vũ khí cũng khó khả năng tạo ra xung lực hất văng đối thủ. Ngay từ lần đầu nhìn thấy, Adam bé đã gọi nó là lightsaber, nhưng Adam lớn gạt đi. Tuy nhiên, cách anh sử dụng món vũ khí để chiến đấu lại chứng minh nó là một phiên bản khác của lightsaber từ vũ trụ Star Wars.

Trong một cảnh phim khác, Adam bé đã có một cú “hạ cánh kiểu siêu anh hùng” đẹp mắt. “Hạ cánh kiểu siêu anh hùng” là một miếng hài được sử dụng nhiều lần, từ loạt Deadpool tới Black Widow. Tuy nhiên, trong The Adam Project, sự vay mượn này đã mất đi thú vị vì không còn mới mẻ.

Bộ phim cũng để lại nhiều lỗ hổng trong bức tranh thế giới ở cả ba mốc thời gian 2050, 2022 và 2018. Vì bối cảnh năm 2050 chỉ là cái cớ dẫn dắt câu chuyện bắt đầu, nên khán giả không được biết nó đã bị tàn phá ra sao hay Adam đã trốn thoát trong hoàn cảnh ngặt nghèo đến mức nào để một mực muốn thay đổi nó.

Tiếp đến, anh nói chiếc máy bay được khởi động bằng ADN của mình, và từ chối hoạt động nếu phát hiện ra phi công bị thương - khiến anh phải sử dụng sinh trắc của Adam nhỏ để thay thế. Điều này tạo ra một mâu thuẫn lớn. Nếu Adam bị thương trong lúc trộm máy bay, anh đã không thể khởi động nó để bay về năm 2022. Đoạn phim cũng không có chi tiết cho thấy anh bị trúng đạn khi đã ở trong máy bay.

Bên cạnh đó, việc thiết kế hệ điều khiển máy bay để nó chỉ nhận diện được một phi công duy nhất xem chừng không phải ý tưởng thông minh, thậm chí còn phí phạm tài nguyên và gây trở ngại trong những trường hợp khẩn cấp.

Băn khoăn này gây bứt rứt không thua kém vụ trốn thoát nhanh gọn, thần kỳ của các nhân vật khỏi khu căn cứ sắp nổ tung dưới lòng đất ở hồi 3. Đây cũng là một tình tiết cũng không kém phần kinh điển gắn liền với các bộ phim hành động, giả tưởng thập niên 2000 đổ về trước - căn cứ của phe phản diện luôn bị phá hủy hoàn toàn vào phút cuối.

'Hẹn hò chốn công sở' - cuộc rượt đuổi tình yêu

Dựa trên nội dung truyện tranh bị đánh giá là cường điệu, thiếu thực tế và có mô-típ cũ, song "Hẹn hò chốn công sở" vẫn gây sốt với khán giả nhiều nước.

‘Hải tặc 2’ - phim phi lý và ngớ ngẩn

“The Pirates: The Last Royal Treasure” giữ được tinh thần vui nhộn nhờ dàn diễn viên và khai thác đề tài cướp biển ít gặp. Tuy nhiên, kịch bản không hấp dẫn bằng phần trước.

‘Gấu đỏ biến hình’ - phim tạo tiếng cười từ mô típ cũ

Phim hoạt hình “Turning Red” mang lại tiếng cười từ nhiều tình huống hài hước và các nhân vật dễ thương. Tuy nhiên, nội dung phim chưa thực sự tạo được ấn tượng mạnh.