Sự thật việc phá bỏ cổng di tích cấp quốc gia

Nghi môn đền An Liệt ở Hải Dương được Bộ VH-TT&DL chấp thuận cho xây lại. Nhưng ba năm sau khi tháo dỡ, cổng mới chỉ làm tạm, chưa phục dựng khiến dư luận xôn xao.

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền thông tin và hình ảnh cổng đền An Liệt ở xã Thanh Hải (huyện Thanh Hà, Hải Dương) bị dỡ bỏ hoàn toàn và chưa phục dựng trong quá trình trùng tu.

Thông tin sau khi được chia sẻ gây xôn xao dư luận. Nhiều người cho rằng cổng đền này có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử nên "việc phá bỏ hoàn toàn là điều đáng tiếc và chưa đúng với Luật Di sản".

Được xây lại nhưng chưa làm đúng

Xã Thanh Hải có ba thôn là An Liệt, Tiền Vĩ, Thừa Liệt. Nơi đây thờ năm vị thành hoàng, gọi là Ngũ vị Đại vương, trước đây được thờ ở Miếu Cả thuộc thôn Tiền Vĩ. Tương truyền, miếu được xây dựng từ thời Hậu Lê (1427-1789), nay di tích còn một chuôi vồ nhỏ.

Từ thời ấy, nhân dân thôn An Liệt muốn thờ các vị thành hoàng ngay tại khu vực mình nên mới xây đền An Liệt. Qua nhiều lần trùng tu, đền mang kiến trúc thời Nguyễn.

cong di tich den An Liet anh 1

Cổng đền An Liệt trước khi tháo dỡ và hiện nay. Ảnh: Nguyễn Dương/Báo Hải Dương.

Năm 1995, đền An Liệt được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Qua thời gian, đền xuống cấp nên người dân địa phương và chính quyền xã Thanh Hải đã đề xuất trùng tu, tôn tạo di tích.

Tháng 10/2018, UBND huyện Thanh Hà có tờ trình gửi UBND tỉnh Hải Dương và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đề nghị thẩm định về việc này. Cụ thể, địa phương muốn tu bổ, tôn tạo nhà tiền bái, nghi môn (cổng cửa chính), sân, hàng rào. Sau đó, UBND tỉnh gửi văn bản xin ý kiến của Bộ VH-TT&DL.

Tháng 12/2018, Bộ VH-TT&DL có văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương về việc thỏa thuận báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đền An Liệt với nội dung "tu bổ tiền bái, xây dựng lại nghi môn và hàng rào quanh di tích".

cong di tich den An Liet anh 2

Những tấm bia cổ trong đền An Liệt. Ảnh: Nguyễn Dương.

Trong đó, Bộ VH-TT&DL lưu ý địa phương trong quá trình tu bổ, tôn tạo cần lược bớt các trang trí trên tường, mái nghi môn và tường rào.

Năm 2019, di tích được trùng tu, cổng đền được tháo dỡ. Song theo ghi nhận, đến nay, cổng đền An Liệt chưa được phục dựng. Thay vào đó, cổng chính và hai cổng phụ được làm bằng trụ xi măng, cánh cửa làm bằng sắt thép theo phong cách đơn giản.

Cổng không cùng niên đại với di tích

Sau khi hình ảnh trước và sau trùng tu của cổng đền An Liệt lan truyền trên mạng, nhiều người bức xúc vì cho rằng địa phương đã phá bỏ một công trình cổ kính của di tích cấp quốc gia.

Tuy nhiên, các cụ cao niên ở địa phương bác bỏ và khẳng định cổng đền An Liệt không có độ tuổi lớn cùng với di tích. Họ cho hay trước kia, khu vực di tích là đầm, bãi, không có cổng. Sau này, cổng đền được người dân địa phương xây dựng lên.

Lãnh đạo UBND xã Thanh Hải cho biết cổng đền An Liệt nhìn có nét cổ nhưng được xây chỉ cách đây 30-40 năm. Cổng được xây bằng vôi vữa, thấp hơn nền đường. Những năm trước, cổng xuống cấp và gây nguy hiểm cho người qua lại.

Từ đó, nhân dân và chính quyền địa phương có nguyện vọng muốn tháo dỡ để phục dựng lại cho khang trang, đẹp hơn. "Tuy nhiên, kinh phí đang gặp khó, chưa cho phép nên chưa làm được", vị này nói.

Trao đổi với Zing, ông Vũ Trường Sơn, Trưởng phòng Quản lý văn hóa di sản (Sở VH-TT&DL Hải Dương), cũng cho biết nghi môn đền An Liệt không cùng niên đại với di tích.

cong di tich den An Liet anh 3

Toàn cảnh đền An Liệt. Ảnh: Nguyễn Dương.

"Nếu cùng niên đại thì đã không hạ giải để làm mới theo mẫu cũ", ông Sơn nói và khẳng định việc hạ giải nghi môn đền An Liệt đúng quy trình, được thẩm định kỹ.

Tuy nhiên, địa phương thiếu kinh phí nên chưa làm lại, chỉ xây dựng tạm. Điều này dẫn đến việc không đúng theo báo cáo kinh tế - kỹ thuật đã trình với Bộ VH-TT&DL và khiến dư luận hiểu lầm là đập bỏ cổng di tích để xây mới.

Cũng theo ông Sơn, trong đề xuất tôn tạo, tu bổ đền An Liệt, địa phương nêu phương án huy động vốn và báo cáo cấp trên. "Họ cam kết bằng nguồn vốn xã hội hóa. Có lẽ vì mấy năm vừa rồi địa phương gặp khó khăn nên ảnh hưởng đến việc hoàn thiện công trình", ông Sơn nói.

Vị Trưởng phòng Quản lý di sản cũng cho biết thêm tỉnh Hải Dương hiện có 3.199 di tích, trong đó có 142 di tích cấp quốc gia, 255 cấp tỉnh.

Vì thế, việc tỉnh có dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho đền An Liệt hay không thì cần có kế hoạch. Trước mắt, cơ quan này sẽ nắm bắt vấn đề nêu trên để tham mưu cho UBND tỉnh.

cong di tich den An Liet anh 4

Vị trí đền An Liệt. Ảnh: Google Maps.

Phá giếng cổ hàng trăm năm ở đền Lê Văn Hưu để làm mới

Trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia đền Lê Văn Hưu, UBND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã cho đập giếng cổ có từ hàng trăm năm để làm mới.