Sự kiện văn hóa tuần qua: Dấu tích từ khảo cổ di tích Núi Bân, đàn Nam Giao Tây Sơn

Sáng ngày 29.7, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN (LSQGVN) tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khảo cổ học di tích Núi Bân - đàn Nam Giao thời Tây Sơn.

Tham dự hội nghị có TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng LSQGVN, Nhà khảo cổ học Nguyễn Chất, Trưởng đoàn khảo cổ học của Bảo tàng LSQGVN cùng các thành viên của đoàn công tác; TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế và các cán bộ chuyên môn liên quan. Hội nghị còn có những khách mời gồm: PGS.TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng các nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Trần Đại Vinh, Ths. Lê Duy Sơn, TS. Nguyễn Văn Quảng, TS. Huỳnh Thị Anh Vân, TS. Lê Thị An Hòa...

Sau gần một tháng triển khai khai quật khảo cổ học, với diện tích khai quật hơn 100m2, đã phát lộ rõ ràng chính xác mặt nền và cấu trúc nguyên gốc của 3 tầng đàn tế hình tháp cụt chồng lên nhau gần như có hình tròn.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Dấu tích từ khảo cổ di tích Núi Bân, đàn Nam Giao Tây Sơn - ảnh 1

Dấu tích nền gạch của đàn Nam Giao đã xuất lộ một phần

SỞ VH-TT CUNG CẤP

Đoàn khảo cổ học còn phát hiện một đoạn móng kè phía Tây Nam ở tầng dưới cùng, có khả năng là chân móng của một tầng đàn tế hình vuông. "Nếu giả thiết này chính xác thì đàn tế Giao thời Tây Sơn là một đàn tế trời được quy hoạch, xây đắp khá bài bản (dù lợi dụng một ngọn núi tự nhiên sẵn có), có cấu trúc gần tương tự đàn Viên Khâu ở Thiên Đàn Bắc Kinh (đàn tế trời của hai triều Minh, Thanh ở Trung Quốc) với 1 tầng đàn vuông ở dưới và 3 tầng đàn tròn bên trên", TS. Phan Thanh Hải, nhận định.

Theo PGS.TS Đỗ Bang, di tích Núi Bân (hay Bân Sơn), nơi vua Quang Trung làm lễ lên ngôi hoàng đế, ngày 22 tháng 12 âm lịch (năm 1788) và xuất quân đánh tan 29 vạn quân Thanh, Sau chiến thắng quân Thanh, đây là nơi vua Quang Trung làm lễ khải hoàn.

Sau hơn 1 tháng khai quật với nhiều phát hiện mới, quan trọng nhất là phát hiện cấu trúc nền Đàn, có khả năng hình vuông. Nếu dừng lại ở đây, là chưa thể kết luận về quy mô, cấu trúc và vật liệu của nền Đàn. Vì vậy, hội nghị, đã đề nghị tiếp tục khai quật 4 góc nền Đàn để xác chiều kích, quy mô, vật liệu để làm hồ sơ di tích Quốc gia đặc biệt, sẽ có phòng trưng bày tại không gian Văn hóa Quang Trung và phục hồi các nghi lễ lên ngôi, xuất quân, khải hoàn để làm phong phú thêm di sản vật thể đặc biệt có giá trị này", PGS.TS Đỗ Bang phát biểu.

Di tích Núi Bân, cao 43 m, nằm ở phía Nam núi Ngự Bình. Trong suốt gần 100 năm qua, di tích núi Bân đã được các chính quyền các chế độ khác nhau xếp hạng và đưa vào diện cần bảo vệ. Năm Khải Định thứ 10 (1925), triều Nguyễn đã đưa ngọn núi này vào danh mục “An Nam cổ tích” cần được bảo tồn. Năm 1976, UBND cách mạng Bình Trị Thiên đã có quyết định số 99 QĐ (19/5/1976), đưa “núi Ba Vành” vào “Danh sách các Di tích Lịch sử Văn hóa Nghệ thuật và danh thắng được liệt hạng để bảo vệ”. Năm 1988, di tích núi Bân được công nhận là Di tích cấp quốc gia và đến năm 2008 đã có một dự án chỉnh trang, tôn tạo di tích này cùng với việc xây dựng quảng trường và tượng đài của Hoàng đế Quang Trung với tổng diện tích hơn 25.000m2 ngay bên cạnh đó.

Theo TS. Phan Thanh Hải, việc triển khai công tác khai quật khảo cổ học di tích Núi Bân nhằm mục đích bổ sung các căn cứ khoa học đáng tin cậy nhằm xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận di tích này trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Cây cầu thép đầu tiên, ngôi trường lâu đời nhất Việt Nam được xác lập kỷ lục

Trong số các kỷ lục không thể thay thế và không bị phá vỡ trên nhiều lĩnh vực vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công bố có nhiều di tích, địa danh, dự án… mang đậm dấu ấn và niềm tự hào của đất nước.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Dấu tích từ khảo cổ di tích Núi Bân, đàn Nam Giao Tây Sơn - ảnh 2

Cầu Long Biên của Việt Nam có chiều dài là 1.862 m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá

T.L

Top 10 kỷ lục bất biến mang yếu tố "đầu tiên" của Việt Nam có Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) - Trường đại học đầu tiên của Việt Nam; nhà máy thủy điện Ankroet (Lâm Đồng) – Nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam; nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam tại đồn điền Chi Nê (Hòa Bình); Đáng đời thằng Cáo – Bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam; Duyệt Thị Đường (Thừa Thiên - Huế) – Nhà hát quốc gia đầu tiên của Việt Nam; làng tre Phú An (Bình Dương) - khu bảo tàng và bảo tồn sinh thái tre đầu tiên của Việt Nam; trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) lâu đời nhất Việt Nam; Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) – Trung tâm Thương mại đầu tiên của Việt Nam; Vinasat-1 – vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam; cầu Long Biên (Hà Nội) – cây cầu thép đầu tiên của Việt Nam.

Nhóm nhạc Highlight biểu diễn tại My Soul Seoul in Ho Chi Minh

Vào ngày 2.8 tới, chính quyền TP.Seoul, Hàn Quốc và Tổ chức Du lịch của TP.Seoul (Seoul Tourism Organization - STO) sẽ tổ chức sự kiện quảng bá du lịch My Soul Seoul in Ho Chi Minh tại Trung tâm tổ chức sự kiện GEM Center, TP.HCM.

Đến với sự kiện (diễn ra từ 13 - 20 giờ), khách tham quan sẽ được “du lịch” Seoul và tham gia - trải nghiệm nhiều hoạt động về thời trang (qua chương trình Seoul Fashion Show); làm đẹp theo phong cách Seoul, đặc biệt được hướng dẫn chi tiết cách trang điểm của các ngôi sao nổi tiếng và tạo kiểu tóc thịnh hành nhất hiện nay; thưởng thức các màn trình diễn của các nhóm nhạc K-Pop đình đám như Highlight (Beats), nhóm nhảy HOOK và ca sĩ Hari Won…

Sự kiện văn hóa tuần qua: Dấu tích từ khảo cổ di tích Núi Bân, đàn Nam Giao Tây Sơn - ảnh 3

Nhóm nhạc Highlight

T.L

Trong khuôn khổ chương trình còn có cuộc thi K-Pop Cover Dance Festival tại Việt Nam với 8 đội thi, đội chiến thắng sẽ có cơ hội tham dự chung kết 2022 K-Pop Cover Dance Word Final Seoul được tổ chức tại Hàn Quốc. Cùng với việc đăng ký tham gia tại https://www.instagram.com/visitseoul_official/, vé tham gia sẽ được tiếp tục trao cho 200 người đăng ký trực tiếp sớm vào ngày 2.8 tại GEM Center.

Ngàn người “rồng rắn” xếp hàng nhận chữ ký tặng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Sáng 24.7, hàng ngàn bạn đọc yêu mến các tác phẩm và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có mặt từ rất sớm, rồng rắn xếp hàng rất trật tự để được diện kiến và nhận chữ ký tặng của nhà văn dễ thương tuổi học trò.

Hưởng ứng Hội sách thiếu nhi TP.HCM 2022, NXB Trẻ đã tổ chức buổi giao lưu với độc giả, tặng chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM (số 4 Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Q.1) vào sáng 24.7. Đây cũng là lần tặng chữ ký cho bạn đọc của tác giả sau gần 3 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19 và một số bạn đọc Vũng Tàu, Tiền Giang, Quy Nhơn, Nha Trang... cũng không quản ngại đường sá xa xôi đến tham dự.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Dấu tích từ khảo cổ di tích Núi Bân, đàn Nam Giao Tây Sơn - ảnh 4

Hàng ngàn độc giả xếp hàng tại NVH Thanh Niên

LÊ ĐỨC TRUNG

Chương trình do NXB Trẻ tổ chức sáng nay có tên gọi Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tặng chữ ký cho bạn đọc - Bay vào thế giới tuổi thơ. Ngoài cơ hội nhận được chữ ký "tươi" được tặng từ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bạn đọc còn được tham gia những hoạt động thú vị kèm theo như công bố và trao giải cuộc thi Bay vào thế giới Nguyễn Nhật Ánh, thưởng thức nhạc phim Mắt biếcTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đố vui có thưởng với nhiều phần quà hấp dẫn.

Hơn 1.000 bạn đọc cũng may mắn nhận được tấm Vé đi tuổi thơ làm kỷ niệm từ chương trình để tậu sách với giá ưu đãi và quà tặng lưu niệm phục vụ năm học mới.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rất xúc động trước tình cảm của các độc giả dành cho mình. Ông chia sẻ: "Đã ba năm rồi tôi mới được gặp gỡ bạn đọc, các bạn muốn gặp tôi và tôi cũng có nhu cầu muốn gặp lại các bạn. Mỗi lần gặp gỡ như thế này tôi được nhìn thấy từng gương mặt, từng ánh mắt của bạn đọc, điều này giúp cho tôi làm mới chính bản thân mình. Đặc biệt là có thêm nhiều động lực và niềm cảm hứng để viết những tác phẩm mới. Hẹn gặp các bạn với cuốn sách mới của tôi dự kiến vào cuối năm nay”.

Người dân thả hoa đăng rực sáng dòng Thạch Hãn sau chương trình Khát vọng hòa bình

Sau khi chương trình Khát vọng hòa bìnhđược tổ chức tại Quảng trường Giải phòng (TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) kết thúc, người dân dắt theo con nhỏ chờ để thả hoa đăng tri ân, mong rằng thế hệ trẻ lan tỏa thông điệp “hòa bình”.

Tối 24.7, tại Quảng trường Giải phóng (TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị), T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt Khát vọng hòa bình nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Dấu tích từ khảo cổ di tích Núi Bân, đàn Nam Giao Tây Sơn - ảnh 5

Chị Hoàng Thị Ngọc Bình, trú TP.Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cho rằng khi cùng các con thả hoa đăng trên dòng sông linh thiêng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ là cách giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc

HUY ĐẠT

Chương trình nghệ thuật đặc biệt với 3 chương: Máu và hoa, Màu hòa bình, Khúc thanh ca kết thúc đã gây ấn tượng mạnh đầy xúc động đối với khán giả cả nước và người dân Quảng Trị. Đặc biệt, chương trình đã gợi nhắc nơi những người trẻ tại tỉnh Quảng Trị thêm thấu hiểu khát vọng được sống hòa bình, đó là giấc mơ chung của nhân dân Việt Nam.

Chương trình Khát vọng hòa bình kể về sự bừng nở, ngời sáng sắc xanh thanh bình khắp muôn nơi. Mảnh đất Quảng Trị nơi bom đạn khói lửa giờ đây thực sự trở thành biểu tượng của hòa bình, khép lại quá khứ chiến tranh, vươn lên mạnh mẽ vững bước trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển kinh tế, xã hội.

Phần cuối chương trình Khát vọng hòa bình với lễ thả hoa đăng trên dòng Thạch Hãn linh thiêng nhằm bày tỏ lòng tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Cùng chí hướng cống hiến sức trẻ vào các hoạt động của địa phương, anh Nguyễn Văn Đạo, Bí thư Đoàn xã Triệu Vân (H.Triệu Phong) cho biết sau chương trình văn nghệ Khát vọng hòa bình, hơn 200 đoàn thanh niên của nhiều xã trên địa bàn H.Triệu Phong đã cùng tham gia chương trình thắp hoa đăng.

Bên cạnh đó, thanh niên toàn tỉnh Quảng Trị trong tháng 7 này đã tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 nhằm lan tỏa và giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc...

Đặc biệt hơn, đối với người dân địa phương, sau khi xem hết chương trình họ vẫn chờ đến khuya để được thả hoa đăng xuống “dòng sông hoa đỏ”. Nhiều gia đình đã dắt theo con nhỏ theo dõi chương trình và sau cùng là thả hoa đăng trên dòng Thạch Hãn linh thiêng để các con có thể nhận thức được sự hy sinh, công lao của cha ông đã ngã xuống giành lấy sự hòa bình.