'Spencer' - phép màu giải thoát cho Công nương Diana

"Spencer" mang đến cái kết tươi sáng hơn cho Diana (Kristen Stewart đóng), khi bà giải phóng bản thân khỏi sự ngạt thở của Hoàng gia Anh.

Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim

Trong lòng công chúng, "Bông hồng nước Anh" là kiểu phụ nữ duyên dáng, giàu lòng nhân ái và nhưng cũng nổi loạn. Cuộc đời bi kịch của Diana là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật thứ bảy, từ sân khấu Broadway, điện ảnh Hollywood đến series phim Netflix The Crown. Câu chuyện về vị vương phi tài hoa bạc mệnh luôn là mảnh đất sáng tạo màu mỡ cho nghệ thuật, bất luận nhiều chi tiết trên màn ảnh hay trang sách chưa phản ánh rõ thực hư về đời tư của bà.

Trong Spencer, Vương phi xứ Wales được thể hiện dưới ba vai trò: một thành viên của Hoàng gia, một người vợ bị thờ ơ, một người mẹ. Vào mùa Giáng sinh năm 1991, bà rơi vào khủng hoảng trước những áp lực từ phía Hoàng gia. Nỗi đau tinh thần thêm sâu đậm, khi Diana biết được chồng mình - Thái tử Charles (Jack Farthing) đang ngoại tình với Công tước xứ Cornwall Camilla (Emma Darwall-Smith). Khác với hình ảnh nhẫn nhịn ngoài đời, Diana trong phim đã quyết định ly hôn sớm với Thái tử Charles, từ đó làm thay đổi kết cục buồn của bà.

Spencer anh 1

Phim mới về Diana sử dụng nhiều gam màu nóng, thể hiện được tinh thần tự do của nhân vật.

Bức chân dung chân thực về trầm cảm và lo âu

Đạo diễn Pablo Larraín dùng lời tựa: “Câu chuyện dựa trên bi kịch có thật” trước khi dẫn dắt vào phần phim kéo dài gần hai tiếng, về hành trình đầy nước mắt của cố công nương Diana. Tựa phim cũng lấy cảm hứng từ họ thời con gái của bà.

Điểm khác biệt của tác phẩm so với những phim cùng đề tài trước đây, là khắc họa được hình ảnh Diana ở thuở thiếu thời, khi bà còn mang tinh thần vô tư và nổi loạn. Gam màu tươi sáng và trong trẻo xuất hiện ở nửa cuối phim, tạo nên một sự biến chuyển về nội tâm cũng như khiến người xem cảm thấy ấm lòng.

Ngoài đời, khi chấm dứt cuộc hôn nhân không tình yêu với Thái tử Charles vào năm 1996, Vương phi xứ Wales đã thẳng thắn lên tiếng về tình trạng sức khỏe tinh thần khi còn ở cung cấm, qua đoạn phỏng vấn gây tranh cãi với đài truyền hình BBC hai năm trước khi qua đời và đoạn băng ghi hình cá nhân với cố vấn Peter Settlelen mãi sau này mới được công chiếu.

Câu chuyện về trầm cảm, lo âu và chứng rối loạn ăn uống được bóc trần ngay thời điểm những vấn đề tâm lý vẫn còn chưa được nhìn nhận đúng đắn vẫn còn mang giá trị đến ngày nay. Nguyên nhân sâu xa của những đau khổ trên, cũng là một phần đến cái chết của Diana, chính là sự kiểm soát quá mức từ gia đình hoàng tộc và truyền thông.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Town and Country, Pablo Larraín nói ý tưởng làm phim đến từ việc thấy mẹ mình tiếc thương cho sự ra đi của cố Công nương vào năm 1997. Nhà làm phim người Chile bị thu hút bởi con người và tính cách của Diana. Bản thân bà là người bí ẩn, trải qua những sự kiện tưởng chừng xa rời thực tế, nhưng lại gần với những vấn đề mà con người ngày nay phải vật lộn, cụ thể là những vấn đề tâm lý. Với Kristen Stewart, cô có cùng sự hứng thú về vị vương phi khi thấy nhiều người xúc động về bà lúc cô bảy tuổi.

Spencer chỉ tập trung vào duy nhất một nhân vật - Diana. Góc quay cận cảnh gương mặt Kristen Stewart thể hiện rõ nỗi sợ qua đôi mắt, hành động cắn môi, những giọt nước mắt và sự giận dữ. Ngoài đời, cố công nương đã rất đau khổ khi phát hiện chiếc vòng cổ mình đeo cũng được chồng tặng cho Công tước Camilla xứ Cornwall.

Spencer anh 2

Diễn xuất của Kristen Stewart mang đến sự mới lạ cho hình tượng kinh điển.

Trong phim, sự xuất hiện của chiếc vòng cổ ngọc trai ở hai bối cảnh khác nhau thể hiện sự tăng tiến trong thay đổi tâm lý nhân vật. Lần đầu, Diana nuốt hạt ngọc trai trong bữa ăn và nôn thốc trong sự ngạt thở tột cùng và lần hai khi về ngôi nhà thơ ấu, cô cố gắng tháo tung nó để giải phóng bản thân.

Khúc nhạc mang tính giải phóng cuối phim

Nếu nửa đầu Spencer tạo cảm giác ngạt thở đến tột cùng, thì ở nửa sau phim, người xem dễ cảm nhận sự ấm áp của mùa lễ Giáng sinh.

Chất nghệ thuật đặc sắc trong phim được thể hiện ở đoạn nhân vật Diana nhảy múa trong cung điện. Nữ diễn viên Kristen Stewart đã thổi hồn cho sự phóng khoáng của nhân vật qua từng điệu nhảy. Bên cạnh đó, những đoạn nhạc không lời xuyên suốt phim cũng là điểm cộng. Sự kết hợp ưng ý giữa piano, baroque cổ điển và jazz để diễn tả cho từng cung bậc cảm xúc nhân vật được thiết kế tài tình qua bàn tay của nhà soạn nhạc Jonny Greenwood, người góp phần thành công cho một vài bộ phim trước đây, cũng là guitar lead của nhóm nhạc Radiohead.

Tuyến vai phụ trong phim tạo sự tương phản rõ rệt giữa hà khắc của Hoàng gia và mong muốn tự do của cố Công nương. Sự xuất hiện của nhân vật bầu bạn như Maggie (Sally Hawkins), hay cách hai đứa con của cô liên tục lo lắng về tình trạng sức khỏe của mẹ mình là sáng tạo từ phía đạo diễn. Nhân vật của Sally Hawkins như một điểm trung hòa trong bầu không khí căng thẳng xuyên suốt phim, và tạo được sự thoải mái, nhẹ nhàng ở trường đoạn cuối.

Nhân vật Thiếu tá Gregory của Timothy Spall ban đầu xuất hiện với thần thái bảo thủ và nghiêm khắc. Gregory tượng trưng cho sự tuân chỉ, phục tùng đất nước đến mức quên mình, đối lập với ước muốn được tự do của Diana. Thái tử Charles chỉ xuất hiện ở một vài khung hình và đoạn đối thoại, nhưng tạo thành đối trọng lớn với Công nương Diana của Kristen Stewart.

Đọng lại tâm trí người xem vào phút cuối là cảnh ba mẹ con Diana nghêu ngao hát ca khúc All I Need Is A Miracle của nhóm Mike & Mechanics - từng đứng top 5 trên bảng xếp hạng Billboard năm 1986. Đây cũng là một trong những ca khúc Vương phi xứ Wales thích nghe ở ngoài đời.

Đạo diễn Pablo Larraín coi việc chọn ca khúc là một phần tất yếu cho phim. Ông chia sẻ quy trình chọn nhạc cho ca khúc cũng khắt khe, từ 100 ca khúc để rồi còn có một ca khúc ưng ý và phù hợp nhất. Giống như cách ông và biên kịch người Anh Steven Knight xây dựng cho bộ phim, Miracle - phép màu đã thực sự xuất hiện khi phim kết thúc.