Số người rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng mạnh

Cho rằng việc rút BHXH một lần gây ra nhiều hệ lụy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra các giải pháp nhằm khuyến khích người lao động tham gia hệ thống an sinh này lâu dài.

Hơn 700.000 người đã rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần tính đến hết tháng 10 là con số được đưa ra trong văn bản Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam gửi LĐLĐ các tỉnh, thành phố tối 30/11.

Theo thống kê, con số trên gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm và tăng 5,45% cùng kỳ năm 2020.

"Tình trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều và có xu hướng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cũng như nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm an sinh xã hội", Tổng LĐLĐ Việt Nam nhận định.

Đồng thời, tổ chức công đoàn Việt Nam cho rằng việc người lao động rút BHXH một lần sẽ tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, không được hưởng chế độ tử tuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình hiện tại và tương lai cũng như chính sách an sinh xã hội chung.

rut bao hiem xa hoi mot lan anh 1

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: Minh Khánh.

Trước thực trạng trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu công đoàn các cấp phối hợp với BHXH đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xác định nhóm đoàn viên, người lao động có nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần để tuyên truyền, vận động, giải thích về những hệ lụy của việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

LĐLĐ địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động; tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, tìm kiếm các đối tác tín dụng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động, nhất là người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Giải pháp trên giúp lao động vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, tiếp tục đồng hành với người sử dụng lao động trong sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, công đoàn lao động các cấp được yêu cầu nâng cao hiệu quả các hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động của tổ chức công đoàn.

Giải pháp cuối cùng, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền bảo hiểm xã hội.

"Việc này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và người lao động để người lao động an tâm, tiếp tục tham gia, gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm xã hội", tổ chức công đoàn Việt Nam cho biết.

Đề xuất 7 nhóm giải pháp phục hồi thị trường lao động

Dự thảo chương trình phục hồi thị trường lao động của Bộ LĐTB&XH gồm 7 nhóm giải pháp lớn, trong đó tập trung việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Muốn người lao động trở lại, cần mở cửa trường học

Để thu hút người lao động quay trở lại và yên tâm làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần mở cửa lại trường học, nhất là cấp mẫu giáo và mầm non.