Singapore tinh chỉnh cách chống dịch, tiến tới sống chung với Covid-19

Việc Singapore chấp nhận sống chung với Covid-19 không đồng nghĩa với nới lỏng tất cả. Chính phủ đảo quốc sư tử vẫn dõi theo tình hình dịch bệnh để có điều chỉnh thích hợp.

Vẫn giữ vững mục tiêu “sống chung với Covid-19”, Singapore lúc này đang ưu tiên tập trung giảm lượng người nhập viện nhằm giảm gánh nặng đối với hệ thống y tế.

Để thực hiện điều đó, chính phủ nước này đưa ra nhiều biện pháp đảm bảo an toàn như siết giãn cách, đẩy mạnh xét nghiệm và tiêm nhắc lại.

Ngày 24/9, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chia sẻ rằng việc siết giãn cách sẽ cho chính phủ nước này thêm thời gian để tiêm mũi nhắc lại, cũng như chủng ngừa cho người chưa được tiêm.

Ông nói thêm: “Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ mở rộng công suất bệnh viện. Điều này sẽ đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải và vẫn có thể chăm sóc cho mọi người, dù là bệnh nhân mắc Covid-19 hay các căn bệnh khác”.

song chung voi Covid-19 anh 1

Dựa vào tình hình thực tế, Singapore sẽ tinh chỉnh các biện pháp chống Covid-19, hướng tới sống chung với Covid-19. Ảnh: Straits Times.

Nhanh chóng củng cố biện pháp đảm bảo an toàn

Trong quá trình trở thành quốc gia sống chung với Covid-19, Singapore chú trọng việc đánh giá tình hình thực tế, nhằm nhanh chóng tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn.

Trước tình hình số ca nhiễm tăng, nhà chức trách quốc đảo đưa ra các quy định hạn chế mới để làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh và giảm tải cho hệ thống y tế. Quy định này có hiệu lực từ ngày 27/9 tới ngày 24/10.

Cụ thể, số thực khách tối đa trong một nhóm tại nhà hàng sẽ bị giảm từ 5 xuống 2, và chỉ được dùng bữa tại chỗ khi cả 2 người đều đã tiêm chủng. Số người tối đa trong một nhóm tham gia các sinh hoạt cộng đồng cũng bị giảm xuống còn 2.

Làm việc tại nhà cũng trở thành chế độ mặc định đối với người lao động, nếu điều kiện cho phép. Với công việc cần thiết phải tới chỗ làm, chủ lao động cần tiếp tục sắp xếp giờ vào làm lệch nhau. Việc tụ họp tại nơi làm việc vẫn sẽ bị cấm, theo Bộ Y tế Singapore.

Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong nhận định lần siết giãn cách này có phạm vi hẹp hơn rất nhiều.

song chung voi Covid-19 anh 2

Số thực khách tối đa trong một nhóm tại nhà hàng ở Singapore bị giảm từ 5 xuống 2, và chỉ được dùng bữa tại chỗ khi cả 2 người đều đã tiêm chủng. Ảnh: Strait Times.

Chẳng hạn, giới hạn sự kiện quy mô lớn vẫn được giữ ở mức 1.000 người, nếu những người này đều đã tiêm chủng. Nguyên nhân là việc các sự kiện như vậy có rủi ro thấp hơn và không tạo ra các ổ dịch lớn, ông Wong nói.

Song song với việc siết giới hạn, Singapore cũng tìm cách giảm tải và mở rộng công suất của hệ thống y tế.

Từ ngày 15/9, điều trị tại nhà trở thành hình thức mặc định tại Singapore đối với người trong tuổi 12-50 đã tiêm chủng đầy đủ, không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không có bệnh nền. Động thái này nhằm dành giường bệnh cho những người thật sự cần được chăm sóc y tế.

Nhà chức trách cũng tìm cách tăng số giường bệnh, thông qua việc thiết lập những cơ sở chăm sóc cộng đồng (CTF) để theo dõi bệnh nhân không có hoặc có ít triệu chứng nhưng có bệnh nền.

Duy trì tập trung vào tiêm chủng và xét nghiệm

Nhờ độ phủ tiêm chủng cao, hơn 98,5% người mắc Covid-19 trong 28 ngày qua tính đến ngày 10/10 đều không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.

Dù vậy, người chưa tiêm chủng vẫn gặp nguy hiểm, vì trong số những trường hợp có triệu chứng nặng phải thở oxi và điều trị tích cực (ICU), có đến 51,2% chưa tiêm hoặc mới tiêm một mũi, theo dữ liệu từ Bộ Y tế Singapore.

song chung voi Covid-19 anh 3

Một người được tiêm chủng tại Singapore vào tháng 3. Ảnh: Reuters.

Do đó, Singapore vẫn tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm và tiêm chủng để tiếp tục hướng tới sống chung với Covid-19.

Từ ngày 9/10, người từ 30 tuổi trở lên, nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu đã hoàn thành hai liều vaccine Covid-19 ít nhất 6 tháng sẽ có cơ hội tiêm nhắc lại vaccine mRNA, sau giai đoạn triển khai cho các nhóm cao tuổi trước đó.

Bên cạnh tiêm chủng, xét nghiệm thường xuyên vẫn được coi là chìa khóa để phát hiện sớm Covid-19.

Hiện nhân viên làm việc ở môi trường rủi ro cao như cửa hàng thực phẩm, dịch vụ chăm sóc cá nhân, phòng tập thể thao… được yêu cầu xét nghiệm bắt buộc 1 tuần một lần, thay vì 2 tuần một lần như trước.

Người dân cũng được khuyến khích tăng cường tự xét nghiệm. Để tạo thuận lợi cho việc này, từ ngày 25/9, Singapore lập ra 8 trung tâm sàng lọc chuyên hoạt động vào cuối tuần vì đây là thời điểm các cơ sở khác thường đóng cửa.

Bên cạnh đó, người dân có nhu cầu xét nghiệm cũng có thể quét căn cước tại 100 máy bán hàng tự động trên khắp Singapore để nhận các bộ kit tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Các máy bán hàng này đi vào hoạt động từ ngày 18/9.

Trước mắt, để ổn định tình hình Covid-19 và bảo vệ hệ thống y tế, Singapore đang thực hiện các biện pháp như siết một số giới hạn, tăng cường xét nghiệm và triển khai tiêm nhắc lại.

Có thể thấy, Singapore vẫn đang bước đi trên hành trình trở thành quốc gia bền bỉ trước Covid-19. Đảo quốc này đã, đang và sẽ từng bước điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình dịch.

Hai yếu tố để Singapore kiên quyết mở cửa dù ca nhiễm tăng

Giáo sư Teo Yik Ying của Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock cho rằng chính sách mở cửa của Singapore sẽ mang lại lợi ích cho người dân và quan hệ thương mại.

Vũ khí Singapore chuẩn bị khi sống chung với Covid-19

Chuyên gia Singapore cho rằng mũi tiêm thứ 3 giúp giảm nguy cơ mắc Covid-19 nặng ở đối tượng dễ bị tổn thương khi nước này mở cửa và số trường hợp nhiễm tăng cao.