Rò rỉ kế hoạch bí mật của Trung Quốc và quốc đảo Thái Bình Dương

Một tài liệu mật bị rò rỉ cho thấy Trung Quốc và Quần đảo Solomon - quốc đảo ở Thái Bình Dương - đang tiến tới ký kết một hiệp ước an ninh, gây quan ngại cho Australia và Mỹ.

Tài liệu trên được các nhân vật phản đối hiệp định chia sẻ trên mạng xã hội hôm 24/3, và đã được chính phủ Australia xác nhận về độ xác thực. Dù mới chỉ là bản thảo, tài liệu gây ra mối lo ngại lớn ở khắp Thái Bình Dương, nơi vốn đã dè chừng với các động thái của Trung Quốc từ nhiều năm qua.

“Đây là vấn đề nghiêm trọng với Mỹ và là mối lo ngại thực sự với các đồng minh cũng như đối tác của chúng ta”, ông Charles Edel, lãnh đạo bộ phận Australia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết.

“Việc một đối thủ chiến lược thiết lập căn cứ ở Solomon sẽ làm suy giảm đáng kể an ninh của Australia và New Zealand, gia tăng khả năng tham nhũng ở và khai thác quá mức tài nguyên”, ông Edel nói.

Hiệp ước an ninh bí mật

Chưa rõ hiệp định này vốn là ý tưởng của bên nào. Tuy vậy, nếu được ký kết, văn bản sẽ cho phép Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare có quyền kêu gọi Trung Quốc bảo vệ và giúp Trung Quốc sở hữu một căn cứ ở Thái Bình Dương nằm giữa Mỹ và Australia.

Với căn cứ này, Trung Quốc có thể ngăn chặn giao thông hàng hải trên khắp khu vực Nam Thái Bình Dương.

Vụ việc được tiết lộ chỉ 5 tháng sau khi các cuộc biểu tình phản đối ảnh hưởng của Trung Quốc tại Solomon biến thành bạo loạn, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng. Người biểu tình tấn công dinh thự của thủ tướng Solomon, đốt phá khu người Hoa ở thủ đô.

hiep uoc trung quoc solomon anh 1

Binh sĩ Australia tới giúp Solomon đối phó với cuộc bạo loạn tháng 11/2021. Ảnh: AP.

Theo văn bản bị tiết lộ, Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc “gửi cảnh sát, cảnh sát vũ trang, quân đội và các lực lượng thực thi pháp luật và lực lượng vũ trang khác” nhằm “hỗ trợ duy trì trật tự xã hội, bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân”.

Ông Matthew Wale, lãnh đạo đảng đối lập tại Quốc hội Solomon, bày tỏ lo ngại hiệp định có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.

“Điểm mấu chốt là tất cả đều liên quan tới sự tồn tại chính trị với thủ tướng”, ông Wale nói. “Chúng không liên quan tới an ninh quốc gia của Solomon”.

Ngoài ra, văn bản còn cho phép tàu Trung Quốc đến Solomon, cũng như bổ sung hậu cần tại đây. Bắc Kinh sẽ được Solomon cung cấp “mọi cơ sở cần thiết”. Hai bên cùng cam kết không thông báo thỏa thuận hợp tác cho bất cứ bên thứ ba nào, văn bản cho biết.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Solomon không phản hồi đề nghị bình luận của New York Times.

Australia, đối tác an ninh truyền thống của Solomon và từng gửi cảnh sát giúp đỡ nước này đối phó với bạo loạn tháng 11/2021, nhanh chóng phản hồi trước thông tin về “tài liệu mật” giữa Solomon và Trung Quốc.

“Chúng tôi quan ngại trước mọi hành động gây mất ổn định khu vực”, Bộ Ngoại giao Australia ra thông cáo. “Các nước thành viên gia đình Thái Bình Dương cần phản ứng trước các sự việc ảnh hưởng tới an ninh khu vực”.

Dù vậy, Australia đang mất dần ảnh hưởng ở Solomon. Điều này một phần đến từ việc Canberra đôi khi coi thường các nước trong khu vực, không để tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và coi đây là “sân sau” của mình.

Hướng về Trung Quốc

Thủ tướng Sogavare không giấu giếm ý định xích lại gần Trung Quốc hơn. Năm 2019, ngay sau khi nhậm chức, ông tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Theo ông, Bắc Kinh sẽ giúp Solomon phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển.

Chính quyền của Thủ tướng Sogavare nhanh chóng ký các hiệp định cho phép công ty Trung Quốc quyền xây dựng đường xá, cầu cống, cũng như mở lại một trong những mỏ vàng của Solomon.

hiep uoc trung quoc solomon anh 2

Thủ tướng Sogavare cùng người đồng cấp Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: AP.

Một công ty Trung Quốc thậm chí từng cố gắng thuê nguyên một hòn đảo của quốc gia này. Cố gắng trên không đạt được kết quả khi bị coi là trái pháp luật Solomon.

Một số người Solomon bày tỏ quan ngại các công ty Trung Quốc có thể hối lộ giới chức địa phương để giành được dự án. Ngoài ra, một số địa phương tại Solomon cảm thấy chính quyền trung ương phân bố nguồn lực không đều, gây ra mất cân bằng giữa các khu vực.

Sự bất mãn này lên đến đỉnh điểm vào tháng 11/2021, khi các cuộc biểu tình trở thành bạo loạn.

Ông Daniel Suidani, Thủ hiến tỉnh Malaita của Solomon - người đã cấm các công ty Trung Quốc hoạt động trong tỉnh - tuyên bố sự giận dữ đến từ “cách lãnh đạo của chính quyền trung ương”.

Trong khi đó, ông Wale - lãnh đạo đảng đối lập - cho biết đã thúc giục Thủ tướng Sogavare đàm phán với tỉnh Malaita, nhưng chưa thành công. Theo ông, hiệp định an ninh với Trung Quốc có thể khiến mối quan hệ này tiếp tục xấu đi.

Bên cạnh giới chức tại Canberra, Washington cũng đang tỏ ra quan ngại. Solomon được coi là ví dụ cho cách tiếp cận của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, bao gồm mở cửa thương mại, nhập cư đối với người dân và các doanh nghiệp Trung Quốc, cũng như để Bắc Kinh tiếp cận các vị trí và tài nguyên chiến lược.

Ngoài Solomon, số lượng nhà ngoại giao, hợp đồng và di dân Trung Quốc ở một số đảo quốc như Kiribati hay Fiji đã gia tăng đáng kể trong 5 năm qua. Điều này buộc Washington phải chú ý nhiều hơn tới khu vực.

Tháng 2 vừa qua, trong chuyến công du tới Fiji, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố nước này sẽ sớm mở cửa lại đại sứ quán tại Solomon sau gần 30 năm đóng cửa. Tuy vậy, điều này chỉ được thực hiện trong vài tháng tới.

“Trung Quốc chắc chắn có thể làm nhiều hơn và nhanh hơn”, ông Wale nhận xét.

Mỹ tái mở cửa đại sứ quán ở Solomon sau 29 năm

Mỹ lên kế hoạch tái mở cửa đại sứ quán tại quần đảo Solomon sau 29 năm, một nỗ lực tăng cường hiện diện của Washington trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Phát hiện 3 thi thể bị cháy đen ở phố người Hoa tại Solomon

Sau nhiều ngày bạo loạn tại quần đảo Solomon, cảnh sát hôm 27/11 cho biết phát hiện 3 thi thể trong một cửa hàng bị thiêu rụi ở khu phố người Hoa tại thủ đô Honiara.