Rào cản của những nhà khoa học từ các nước đang phát triển

Các nhà khoa học từ những nước đang phát triển phải đối diện với nhiều rào cản khó có thể vượt qua như thiếu cơ sở vật chất và ngoại ngữ. Một số người vẫn thành công vượt khó.
giai thuong anh 1

Các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, các nước không nói tiếng Anh gặp nhiều khó khăn khi muốn bước chân vào giới hàn lâm.

Nếu lướt qua danh sách các nhà khoa học từng đạt giải Nobel Vật lý, chúng ta không khỏi thấy một hiện tượng: Đại đa số những cái tên trong đó gắn liền với nhóm các nước thu nhập cao như Mỹ, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản…

Tương tự, nhóm các nước thu nhập cao và trung bình cao cũng thống trị danh sách những nhà nghiên cứu từng được vinh danh bằng giải thưởng Nobel Hóa học và Y sinh.

Đặc điểm này không chỉ dừng lại ở giải Nobel.

Theo một báo cáo của Viện Thống kê UNESCO, tính tới năm 2019, chi tiêu cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) của toàn cầu đạt 1.700 tỷ USD.

Tuy nhiên, 80% số tiền này do khoảng 10 nước bỏ ra, với Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Á và Thái Bình Dương là những khu vực chiếm đa số. Tỷ lệ chi cho R&D thấp nhất (0,1%) thuộc về Trung Á, theo sau là vùng Hạ Sahara của châu Phi (0,8%).

Những con số này phần nào phản ánh mức độ đầu tư mà mỗi khu vực dành cho công tác nghiên cứu. Chúng cũng gián tiếp nói lên rào cản mà các nhà nghiên cứu từ các nước nghèo, đang phát triển phải vượt qua chỉ để sánh vai với đồng nghiệp tại các cường quốc.

giai thuong anh 2

Kinh phí nghiên cứu luôn là nỗi lo của nhiều nhà khoa học, đặc biệt ở nước đang phát triển. Ảnh: Science.

Không có điều kiện học tiếng Anh

Xuất thân từ Ai Cập, một nước có thu nhập trung bình thấp, giáo sư Mostafa Badr thuộc Đại học Missouri-Kansas (Mỹ) hiểu hơn ai hết những khó khăn mà một người tới từ các nước đang phát triển phải đối mặt trên con đường làm khoa học.

Những khó khăn ấy được ông Badr đề cập chi tiết trong hai bài bình luận được đăng vào năm 2018 trên Tạp chí Dược lý học Cơ bản và Lâm sàng Ai Cập.

Đầu tiên là nhân tố con người.

Theo ông Badr, nhiều nhà khoa học ở các nước đang phát triển gặp khó khăn để diễn đạt bằng tiếng Anh, ngôn ngữ của khoa học hiện đại. Sự yếu kém này đã ngăn cách các nhà nghiên cứu với người đánh giá thành quả của họ, cũng như với độc giả họ hướng đến.

Cũng vì thế, những nhà khoa học ấy không gặt hái được nhiều lợi ích từ việc tham gia các buổi hội thảo quốc tế. Họ để vuột mất cơ hội mài giũa nghiên cứu và kỹ năng ngôn ngữ trong các buổi hội thảo ngắn nhưng đắt đỏ.

Ông Badr nhớ tới một đồng nghiệp từng gửi bức thư tiếng Anh cho một giáo sư tại châu Âu để xin học bổng tiến sĩ. Yêu cầu của người này lập tức bị từ chối. Hồi đáp, vị giáo sư ở châu Âu viết rằng người gửi “không thành thạo tiếng Anh” như trong thư khẳng định.

giai thuong anh 3

Nhân viên được đào tạo tại một phòng thí nghiệm ở Kyrgyzstan, quốc gia vùng Trung Á - một trong những khu vực chi cho R&D thấp nhất thế giới. Ảnh: USAID.

Ngoài ra, tại một số nước đang phát triển, ông Badr chỉ ra rằng cử nhân các ngành khoa học không có cơ hội được chọn phân ngành mình sẽ theo đuổi ở bậc sau đại học.

Thay vào đó, những nhà khoa học tương lai được sắp xếp vào các phân ngành dựa trên thứ hạng tốt nghiệp vì có lĩnh vực được cho là cao cấp hơn các lĩnh vực khác dù cùng thuộc một ngành.

Không chỉ có vậy, sau khi hoàn thành bậc học sau đại học, các nhà khoa học trẻ tiếp tục được bổ nhiệm làm việc tại chính những cơ sở mà họ đã lấy bằng cử nhân và cao học.

Cứ như thế, họ dành cả sự nghiệp tại những cơ sở ấy và rất hiếm khi được trao cơ hội luân chuyển tới các cơ sở khác. Cách làm này ngăn cản quá trình giao thoa ý tưởng và bóp ngạt cơ hội tăng trưởng.

Tương phản, ở các nước phát triển, kể cả những học viên tài năng nhất cũng được người hướng dẫn khuyến khích tìm kiếm vị trí mới ở những cơ sở khác, theo ông Badr.

Điều kiện vật chất yếu kém

Các nhà khoa học ở nước đang phát triển cũng phải đối mặt với khó khăn từ hoàn cảnh, theo ông Badr.

Phòng thí nghiệm ở các nước đang phát triển sẽ thiếu thốn các thiết bị tiên tiến do chi phí cao. Nhưng kể cả hoạt động của các trang thiết bị cơ bản cũng không được đảm bảo.

Nếu có hỏng hóc, đôi khi các nhà khoa học tại đây sẽ phải chờ nhiều tháng để nhận được linh kiện thay thế từ các nhà sản xuất nước ngoài, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ nghiên cứu.

giai thuong anh 4

Nhiều phòng thí nghiệm ở các nước đang phát triển không thể mua sắm những trang thiết bị hiện đại nhất. Ảnh: Reuters.

Tuy các nhà khoa học có thể lên kế hoạch nghiên cứu sao cho phù hợp với quy trình mua và vận chuyển thiết bị, vòng đời ngắn của một số hóa chất và sản phẩm ở nhiệt độ thường khiến chúng nằm ngoài tầm với của những nhà nghiên cứu ở nước đang phát triển.

Tất cả điều này nhiều khả năng sẽ làm giới hạn phạm vi và phương hướng nghiên cứu, thậm chí là thành công của một số dự án, theo giáo sư Badr.

Một vấn đề khác còn là cơ chế. Chủ đề này đã được nhắc đến trong bài viết có tựa đề “Nghiên cứu ứng dụng tại các nước thu nhập thấp: Nguyên nhân và cách thực hiện” của hai nhà nghiên cứu Krishna Prasad Acharya và Santosh Pathak, được đăng trên tạp chí khoa học mở Frontiers vào năm 2019.

Hai nhà nghiên cứu chỉ ra rằng R&D không phải là ưu tiên của chính quyền các nước LIC, với mức đầu tư thấp hơn 1% tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Có ba nguyên nhân giải thích cho điều này. Đầu tiên, LIC vẫn đang chật vật giải quyết các vấn đề cơ bản nhất cho người dân của mình như ăn mặc và chỗ ở. Chính phủ những nước này từ đó chỉ còn lại số ít tài nguyên dôi dư để đầu tư vào R&D.

Hơn nữa, chính phủ các LIC thông thường sẽ đầu tư cho nghiên cứu bằng ngân sách nhà nước, từ đó củng cố xu hướng thắt lưng buộc bụng kinh phí. Trong khi đó, ở các nước thu nhập cao (HIC), khu vực doanh nghiệp là chủ thể đầu tư chủ yếu vào hoạt động nghiên cứu.

Công tác nghiên cứu cần khoản đầu tư đáng kể trong thời gian dài. Một số nghiên cứu tiên phong đôi khi cần tới một thập kỷ hoặc hơn mới có thể có kết quả có ý nghĩa. Những yếu tố này đều khó có được đảm bảo ở các LIC, theo ông Acharya và Pathak.

giai thuong anh 5

Katalin Kariko, Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech, xuất thân từ một thị trấn nhỏ ở Hungary. Bà sẽ tham dự Tuần lễ VinFuture được tổ chức trong các ngày 18-21/1. Ảnh: Washington Post.

Những người vượt khó

Thế giới vẫn có một số nhà khoa học đã có thể vượt qua các rào cản trên để thành công, như tiến sĩ Omar Yaghi, Giám đốc sáng lập Viện Khoa học Toàn cầu Berkeley, đồng Giám đốc Viện Khoa học Nano Năng lượng Kavli và Liên minh Nghiên cứu California của BASF.

Trước khi trở thành nhà khoa học được trao nhiều giải thưởng vì những thành tựu như hiện nay, ông Yaghi xuất thân từ một gia đình người tị nạn tại Jordan. Gia đình ông Yaghi có nhiều anh chị em nhưng cả nhà được rất ít nước sạch và không có điện.

“Khi tôi lớn lên, chúng tôi gặp tình trạng thiếu nước”, ông trả lời Arab News. “Một đứa trẻ như tôi phải dậy từ bình minh khi họ mở vòi nước để có thể lấy đầy bình chứa. Số nước bạn có thể lấy được là số nước cả nhà phải dùng trong hai tuần tới”.

Trải nghiệm đầu đời khiến ông Yaghi vẫn luôn nuôi mục tiêu xây dựng hệ thống chiết tách nước từ môi trường khô cằn như ở Trung Đông, thông qua việc phát triển khung hữu cơ - kim loại (MOF), loại vật liệu giúp đưa tên tuổi của ông Yaghi ra khắp thế giới.

“Những chiếc khung này có cấu trúc mở. Chúng có thể được điều chỉnh để tách nước từ không khí để tạo nước uống, thậm chí là thu giữ CO2 trong không khí để làm sạch không khí, bên cạnh nhiều ứng dụng khác”, ông nói.

giai thuong anh 6

Hàng loạt tên tuổi lớn tham gia hội đồng giải thưởng VinFuture. Ảnh chụp website vinfutureprize.org.

Một nhà khoa học “vượt khó” khác là giáo sư Katalin Kariko.

Từ chỗ chỉ là con gái một người bán thịt ở thị trấn nhỏ Kisujszallas, Hungary, bà Kariko đã trở thành Phó chủ tịch cấp cao BioNTech, người đặt nền móng cho công nghệ mRNA để làm nên các loại vaccine ngừa Covid-19.

Năng lực và say mê nghiên cứu đã đưa bà cùng chồng và con đến Mỹ với tấm vé một chiều. Tài sản duy nhất của cả gia đình khi nhập cảnh vào Mỹ là 900 USD được giấu trong con gấu nhồi bông - tất cả số tiền có được sau khi bán ôtô, theo Washington Post.

Kể cả sau khi tới được Mỹ, hành trình của bà Kariko vẫn không suôn sẻ. Nhưng bà vốn cũng không phải người chọn việc nhẹ nhàng.

Nhiều lần, bà phải mang về những thiết bị hỏng từ phòng thí nghiệm cho chồng sửa giúp. Bà giữ lại từng lọ thủy tinh muối dưa sau khi ăn hết để có lọ cất các thành phần cho những thí nghiệm sau này. Mỗi sáng trong tuần, bà tới nơi làm việc từ 6h và không nghỉ gần như mọi cuối tuần.

Những nhà khoa học như ông Yaghi và bà Kariko cần được vinh danh. Và đây cũng là một phần lý do tuần lễ khoa học VinFuture sẽ được tổ chức trong các ngày 18-21/1 tại Hà Nội.

Mục tiêu của tuần lễ là vinh danh những nhà khoa học và dự án giúp tạo nên thay đổi tích cực cho hàng triệu người trên thế giới trong lễ trao giải tối 20/1.

Với việc được tổ chức thường niên, giải thưởng VinFuture cũng mở ra cơ hội kết nối giới khoa học, giới hoạch định chính sách và doanh nghiệp, hội tụ nguồn lực để thúc đẩy quá trình thương mại hóa các ý tưởng nghiên cứu vào phục vụ đời sống một cách thiết thực, hiệu quả.