Quy hoạch chung TP.HCM và bài toán mở rộng không gian liên vùng

Với lợi thế liên kết chặt chẽ các khu vực kinh tế biển, chuyên gia cho rằng TP.HCM cần tận dụng tiềm năng này để phát triển quy hoạch, mở rộng không gian liên kết vùng.

Tốc độ đô thị hóa lớn nhất Việt Nam với 75%, TP.HCM và vùng TP.HCM đang đối diện với thách thức mở rộng phát triển không gian đô thị.

Để liên kết không gian vùng tốt, chuyên gia Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nhìn nhận TP.HCM cần làm rõ mối quan hệ giáp ranh giữa TP.HCM và các địa phương giáp ranh Tây Ninh, Long An, Biên Hòa và đặc biệt là Vũng Tàu.

"Đây là điều kiện để TP.HCM phát triển tiềm năng đô thị kinh tế biển, ông Trần Ngọc Chính góp ý tại Hội thảo Tiến tới đồ án quy hoạch chung TP.HCM, những vấn đề và giải pháp cho hạ tầng đô thị và liên kết các chức năng trong vùng vào chiều 7/12.

Phát triển đô thị hướng biển

Theo chuyên gia Trần Ngọc Chính, TP.HCM có nhiều lợi thế để phát triển đô thị kinh tế biển khi có các con sông Lòng Tàu, Soài Rạp, Thị Vải bao quanh cùng khu sinh quyển Cần Giờ rộng hơn 600 km2 chưa được khai thác hết.

Đô thị kinh tế biển sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn trong phát triển thành phố, tạo lao động, việc làm, giao thương xuất nhập khẩu và giao thương quốc tế. Song, việc mở rộng không gian đô thị biển là bài toán cần xem xét kỹ.

Quy hoach chung TP.HCM anh 1

Cần Giờ xác định tiếp tục chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn. Ảnh: Phạm Ngôn.

"Chúng ta nói lấn biển ảnh hưởng môi trường sinh thái biển, tuy nhiên cần phải đưa lên bàn nghị sự để đánh giá tác động đến đâu. Việc tác động là chắc chắn có, nhưng nếu tác động để tạo dựng kinh tế lớn thì cũng suy nghĩ", ông Chính góp ý và lưu ý dù phương án nào cũng cần đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nhìn nhận TP.HCM là đô thị sáng tạo, cần được định hướng phát triển các loại hình công nghiệp, công nghệ giá trị cao thay vì công nghiệp hóa chất.

Quy hoach chung TP.HCM anh 2

Chuyên gia Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam tại hội thảo chiều 7/12. Ảnh: Thư Trần.

Đối với vùng đại đô thị trung tâm, ông Chính nhìn nhận cần được quy hoạch như một thực thể thống nhất bằng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông.

Việc mở rộng không gian đô thị cho TP.HCM còn để thực hiện chức năng điều phối nước lụt của thành phố, duy trì không gian mở dọc các sông lớn, giảm nguy cơ ngập lụt.

Liên kết vùng theo TOD

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng khi phát triển một trục giao thông mới cần quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hai bên theo định hướng TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).

Theo đó, ông Sơn lấy ví dụ tuyến metro số 1 nếu phát triển lên hướng Đồng Nai theo đúng nguyên tắc TOD thì có thể thu hút 1 triệu dân sử dụng các tiện ích xung quanh mà không cần vào nội thành. Người dân vẫn đảm bảo các nhu cầu sống, mặt khác, khu trung tâm thành phố sẽ tránh được tình trạng ùn tắc như hiện nay.

Quy hoach chung TP.HCM anh 3

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: Thư Trần.

Về góc độ liên kết vùng, ông Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận TP.HCM là đô thị lớn nhất nhưng không có nghĩa tất cả hạ tầng thuộc về TP.HCM phải đều "nhất".

Dẫn giải, ông Sơn chỉ ra cảng lớn nhất vùng là Thị Vải - Cái Mép nằm ở Bà Rịa - Vũng Tàu, sân bay lớn nhất - Long Thành - nằm ở Đồng Nai, còn ga lớn nhất nằm ở Bình Dương.

"Tuy nhiên, điều này không quan trọng. Vì với tiềm lực, vị trí trung tâm, TP.HCM có thể đóng vai trò 'nhạc trưởng', tác động các địa phương lân cận thông qua các chính sách, chương trình liên kết. Từ đó, TP.HCM có thể khai thác hạ tầng của địa phương bạn và chia nhau lợi ích kinh tế mà không nhất thiết sở hữu hạ tầng đó", TS Ngô Viết Nam Sơn cắt nghĩa.

Ngoài ra, chuyên gia nhìn nhận nếu phát triển tốt mô hình TOD, việc hình thành vành đai 3 và vành đai 4 sẽ đẩy mạnh liên kết vùng cho TP.HCM cùng các tỉnh; hình thành những khu đô thị mới giúp toàn vùng phát triển kinh tế - xã hội.

Vùng đô thị TP.HCM là trung tâm giao thương quốc tế của vùng Nam Bộ và cả nước. Vùng đô thị TP.HCM còn là đầu mối liên kết các vùng kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Trong đó, TP.HCM đóng vai trò như trái tim của môt hệ sinh thái lớn với các đông lực kinh tế; tăng trưởng. Để phát huy hết tiềm năng của đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức của vùng kinh tế và văn hóa quan trọng nhất cả nước, TP.HCM được nhìn nhận cần tối đa hóa khả năng kết nối với các tỉnh lân cận để tạo ra cơ sở hạ tầng phục vụ cho chính địa phương và toàn vùng.

Những cuốn sách hay về TP.HCM

Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.

Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.

Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, mang nhiều câu chuyện xâu chuỗi về mảnh đất Sài Gòn ngày tháng cũ, giúp ta giải mã một số giá trị thuộc về và làm nên căn tính của một thành phố, tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.

TP.HCM sẽ tăng hệ số giá đất lên 1 lần

Sau 3 năm liên tục giữ nguyên giá đất, TP.HCM tăng hệ số K lên 1,0 lần so với năm 2022.