Quy định về từ thiện nên sửa đổi, bổ sung những gì?

Chuyên gia đánh giá cần có văn bản mới quy định về việc hoạt động từ thiện, trong đó làm rõ 3 yếu tố là chủ thể, hành động và phương thức hành động với từng đối tượng cụ thể.
quy dinh ve tu thien tai Viet Nam anh 1

Sau loạt livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, những lùm xùm liên quan tới hoạt động từ thiện của nghệ sĩ liên tục xuất hiện. Việc họ trong sạch hay không vẫn cần thời gian để cơ quan chức năng xác minh làm rõ, song điều này đã vô tình chỉ ra nhiều vấn đề pháp lý liên quan tới hoạt động từ thiện tại Việt Nam.

Trao đổi với Zing, luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, đã chỉ những vấn đề còn tồn tại. Liên hệ với quy định về từ thiện tại một số nước phát triển, ông Giao đã đưa ra những đóng góp để các quy định về từ thiện ở Việt Nam trở nên hoàn thiện hơn.

Vì sao cá nhân vận động được số tiền lớn?

- Pháp luật Việt Nam quy định những cơ quan, tổ chức nào được làm từ thiện? Việc các cá nhân hoạt động từ thiện có đúng quy định không?

- Theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ, chỉ một số tổ chức nhất định được giao thực hiện việc dân vận, dân nguyện cũng như cứu trợ, viện trợ. Đó là Mặt trận tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ hay Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh...

Ngoài ra, còn một tổ chức phi Chính phủ có chức năng này là Hội Chữ thập đỏ. Đây là tổ chức mang tính quốc tế, có khả năng thu hút, vận động nguồn lực cả trong và ngoài nước để hỗ trợ người dân.

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng người dân hiện có 2 kênh đóng góp từ thiện. Đó là thông qua các cơ quan, đoàn thể do Nhà nước quản lý hoặc thông qua các cá nhân, doanh nghiệp.

Dưới góc độ xã hội, cần nhìn nhận việc cá nhân hoạt động từ thiện đó là điều đáng quý, xuất phát từ tinh thần "lá lành đùm lá rách", thể hiện nét đẹp truyền thống, tinh thần tương thân tương ái của người Việt. Đây là điều nên được khuyến khích, tạo điều kiện để phát huy.

Dưới góc độ pháp lý, pháp luật chưa cho phép nhưng cũng không cấm các cá nhân hoạt động từ thiện. Thực tế, vẫn có hàng nghìn hội nhóm hoạt động từ thiện không chính thức, không đăng ký với Nhà nước đang hoạt động. Mỗi khi có thiên tai, lũ lụt, tinh thần "lá lành đùm lá rách" khiến họ thường không chờ đợi mà trực tiếp hành động, cứu trợ bà con.

Cần nhìn nhận rằng nếu không có những hội nhóm này mà chỉ giao toàn quyền cứu trợ cho các đoàn thể do Nhà nước quản lý, chưa chắc họ đã có thể vận động quyên góp được số tiền lớn như những cá nhân, hội nhóm này làm được.

quy dinh ve tu thien tai Viet Nam anh 2

Hàng xe nối đuôi nhau chở hàng cứu trợ vào cho đồng bào miền Trung năm 2020. Ảnh: Phạm Trường.

- Theo ông, vì sao các cá nhân, hội nhóm lại vận động được số tiền lớn như vậy?

- Bộ máy thực hiện cứu trợ hiện còn cồng kềnh, nhiều tầng lớp, dòng tiền nếu chỉ quy về một nguồn sẽ cần thời gian, đợi các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt trước khi đưa về các cấp thấp hơn. Trong khi đó, yếu tố tiên quyết của việc cứu trợ khẩn cấp là sự khẩn trương, gấp rút để đảm bảo hỗ trợ kịp thời người dân.

Trước đây, các cơ quan, đoàn thể đã rất cố gắng và phát huy được vai trò nhất định. Tuy nhiên, theo thời gian, người dân dần nhận ra bộ máy hoạt động còn cồng kềnh, tốn thời gian trong khi nguồn lực của Nhà nước dường như chưa đủ để giải quyết mọi vấn đề tại mọi địa phương.

Việc từ thiện xuất phát từ tấm lòng tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Khi các tổ chức chưa đáp ứng kịp nhu cầu thì các tổ chức, cá nhân sẽ tự đứng ra lo liệu. Người dân khi đó vì niềm tin sẽ đóng góp, ủng hộ để những cá nhân, hội nhóm này trao tận tay số tiền, hàng cứu trợ tới những người khó khăn.

Cần minh bạch để giữ niềm tin

- Từ những tố cáo liên quan các nghệ sĩ, phải chăng pháp luật đang có những lỗ hổng tạo điều kiện cho những người có ý đồ xấu phạm tội?

- Từ những phản biện của bà Phương Hằng, có thể thấy những lỗ hổng trong hoạt động từ thiện. Ngoài việc chưa có các văn bản quy định chặt chẽ về quy trình, phương thức hoạt động từ thiện, cần nhắc tới yêu tố quản lý của các cấp chính quyền.

Lâu nay, việc quản lý hoạt động từ thiện còn khá lỏng tay. Điều này dẫn đến việc những cá nhân có ý đồ xấu có thể lợi dụng sự lỏng tay của chính quyền và niềm tin của người dân để thực hiện hành vi ăn chặn tiền, hàng cứu trợ.

- Theo ông, khi liên quan tới những lùm xùm về tiền từ thiện, người trong cuộc cần làm gì?

- Qua câu chuyện của các nghệ sĩ, có thể thấy việc vận động, quyên góp từ thiện xuất phát từ niềm tin, tấm lòng. Việc người dân ủng hộ thông qua các cá nhân, hội nhóm thể hiện sự tin tưởng vào họ.

Do đó, các cá nhân, hội nhóm nếu có tâm thực sự thì nên minh bạch từ đầu và nên công khai sao kê tài khoản ngân hàng để giữ niềm tin từ người dân. Nếu mình trong sạch, có thiện tâm, tại sao mình lại phải cố ý loanh quanh? Tại sao không công khai minh bạch các con số mà phải đôi co một cách dại dột với dư luận?

Nếu cá nhân cố tình không công khai hoặc công khai không đầy đủ tài liệu, cơ quan điều tra có quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để điều tra khi nhận thấy có dấu hiệu tội phạm hình sự mà không cần chờ tới đơn tố giác.

quy dinh ve tu thien tai Viet Nam anh 3

Thủy Tiên trong chuyến từ thiện tại miền Trung. Ảnh: FBNV.

- Là người từng tiếp xúc với pháp luật quốc tế, ông nhận thấy quy định về từ thiện ở các nước phát triển có điểm gì chặt chẽ hơn so với Việt Nam?

- Tại một số nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, Nhà nước sẽ quản lý bằng thuế đối với những cá nhân, đơn vị làm từ thiện.

Đối với doanh nghiệp, chính quyền sẽ yêu cầu đơn vị đó báo cáo về con số thuế cứu trợ và truy xét xem đã công khai hết chưa, có phù hợp với báo cáo thuế, báo cáo thu chi hàng năm không. Việc công khai như vậy nhận được phản hồi dư luận ra sao và có ý kiến phản bác hay không.

Nếu con số chính xác, số tiền từ thiện sẽ được trừ vào chi phí hoạt động, từ đó giúp họ được giảm trừ thuế hàng năm.

Đối với cá nhân, cơ quan chức năng sẽ đánh giá các yếu tố như nguồn kêu gọi từ đâu, tổng mức thu - chi là bao nhiêu tiền. Tổng mức nộp thuế thu nhập cá nhân có chính xác hay có điều gì bất thường hay không.

Đối với các tổ chức khác ngoài cá nhân, doanh nghiệp, họ có số định danh đăng ký với cơ quan thuế. Cơ quan thuế quan sẽ theo dõi việc thu - chi của các đơn vị đó và đánh giá việc đóng thuế đã đúng quy định hay có điều gì bất thường hay không.

3 yếu tố cần điều chỉnh

- Vậy theo ông, pháp luật tại Việt Nam cần cải thiện những gì để việc quản lý hoạt động từ thiện trở nên chặt chẽ hơn?

- Cần có một văn bản quy phạm pháp luật mới quy định chặt chẽ, chi tiết hơn về hoạt động từ thiện. Trong đó, điều đầu tiên cần làm khi soạn thảo một văn bản pháp quy là việc xác định đối tượng điều chỉnh cũng như nội dung điều chỉnh của văn bản.

Về nội dung điều chỉnh, cần xác định có những hình thức từ thiện cứu trợ nào? Việc từ thiện cứu trợ sẽ được tiến hành trong bối cảnh nào? Có thể là thiên tai địch họa, hỗ trợ người nghèo khó, đặc biệt khó khăn hoặc từ thiện phát triển, tức từ thiện để giúp phát triển đời sống nhân dân...

Về đối tượng điều chỉnh, cần làm rõ 3 yếu tố tiên quyết. Đó là ai làm (chủ thể), làm gì (hành động) và làm như thế nào (phương thức hành động).

quy dinh ve tu thien tai Viet Nam anh 4

Chuyên gia đánh giá cần soạn thảo một văn bản pháp quy mới, quy định rõ ràng về quy trình, phương thức làm từ thiện với từng đối tượng cụ thể. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Về chủ thể, theo quy định hiện tại, Nhà nước và các cơ quan, đoàn thể thuộc Nhà nước quản lý là những đối tượng được phép hoạt động từ thiện. Để phù hợp với tình hình, có thể bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng là doanh nghiệp và người dân.

Về hành động và phương thức hành động, cần có quy trình cụ thể đối với từng nhóm đối tượng từ thiện. Ví dụ như Nhà nước khi thực hiện từ thiện sẽ làm theo quy trình, quy định pháp luật nào. Tương tự, các tổ chức do Nhà nước quản lý, doanh nghiệp hay cá nhân khi thực hiện sẽ làm theo các quy trình, văn bản quy phạm pháp luật nào.

Ngoài ra, Nhà nước có thể có những ưu đãi thuế đối với những doanh nghiệp, cá nhân để tạo động lực, khuyến khích họ trong công tác từ thiện như cách các nước phát triển đã làm.

- Vậy còn đối với các tổ chức viện trợ quốc tế, Nhà nước cần có những chính sách gì?

- Cơ chế tiếp nhận viện trợ cũng là một vấn đề cần quan tâm. Ví dụ trong trường hợp xảy ra ngập lụt tại miền Trung, một tổ chức quốc tế muốn viện trợ trực tiếp, đưa máy bay vào, giao hàng tới tận tay người dân, họ khó lòng thực hiện nhanh chóng bởi sẽ phải chờ xét duyệt từ các cấp quản lý. Điều này khiến việc viện trợ không đảm bảo được yếu tố thời gian, tính cấp thiết đối với người dân.

Cơ quan quản lý cần có những cơ chế mới, thông thoáng nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế viện trợ, song vẫn cần kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo tính minh bạch, tránh tạo điều kiện cho những cá nhân có mục đích xấu lợi dụng để gây mất an ninh trật tự, niềm tin trong xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Bộ Công an điều tra nguồn tiền từ thiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Đơn của bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không rõ ràng nguồn tiền từ thiện đã được Công an TP.HCM chuyển cho Bộ Công an làm rõ.

Ba tình huống pháp lý trong vụ sao kê tiền từ thiện của Thủy Tiên

Theo luật sư, số liệu tiền từ thiện các tỉnh ở miền Trung cung cấp có thể giúp Bộ Công an xác minh, củng cố chứng cứ để làm rõ có hay không việc ăn chặn tiền từ thiện.

Vụ công an rà soát tiền từ thiện: Răn đe những ai có ý định trục lợi

Các chuyên gia nhận định việc cơ quan công an rà soát số tiền từ thiện miền Trung là để trả lời cho công luận về câu hỏi "có hay không chuyện ăn chặn, biển thủ tiền".