Quảng Ninh hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục giai đoạn bình thường mới

Để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tỉnh Quảng Ninh đưa ra nhiều giải pháp như cơ cấu lại khoản vay, hoãn khoản nợ gốc và lãi, đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động...

Tính đến ngày 11/10, Quảng Ninh trải qua 104 ngày không phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, là một trong 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất cả nước. Điều này giúp tỉnh giữ vững địa bàn an toàn, ổn định, phát triển; nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh; lấy chống dịch thành công làm tiền đề để giữ vững đà tăng trưởng.

Theo thống kê 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh tăng 8,6%, trong đó động lực tăng trưởng chính là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 33.527 tỷ đồng, bằng 93% cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 64.000 tỷ đồng, tăng 7,8% cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp hoạt động đến hết tháng 9 là 17.300 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 295.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh - kết quả trên có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn, đồng hành tích cực cùng chính quyền khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Quang Ninh,  tang truong kinh te anh 1

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh.

Về phía chính quyền, trong những tháng chống dịch căng thẳng, tỉnh Quảng Ninh tích cực, kịp thời thông tin và ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động... hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, tỉnh quyết liệt triển khai Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 105 về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Cụ thể, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh an toàn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng các sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt trao đổi và trực tiếp tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là những doanh nghiệp thuộc ngành than, du lịch, xuất nhập khẩu...

Không chỉ kịp thời chia sẻ khó khăn, các cấp, ngành còn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, làm lực đẩy cho doanh nghiệp vượt khó. Trong tháng 6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh đưa ra nhiều giải pháp tiếp sức doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch như cơ cấu lại khoản vay; kéo dài thời gian hỗ trợ giãn, hoãn khoản nợ gốc và lãi đối với dự án vay đóng tàu du lịch; ban hành chính sách hỗ trợ cho vay vốn lưu động để phục hồi hoạt động...

Ngoài ra, các ngành, cơ quan thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội, ngân hàng, du lịch... cũng thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ như hỗ trợ vốn vay, triển khai gói vay ưu đãi, lãi suất 0%... giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Quang Ninh,  tang truong kinh te anh 2

Nhờ cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế quan, nhiều doanh nghiệp logistics mở đường vận tải mới đến các cảng tại Quảng Ninh.

Đến giữa tháng 8, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã giải ngân số tiền 611,5 triệu đồng hỗ trợ 2 doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho 56 lao động. Đáng chú ý, các doanh nghiệp không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương người lao động khi phục hồi sản xuất.

Tính đến ngày 16/9, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tiến hành hỗ trợ hơn 5.000 đối tượng là người lao động, người sử dụng lao động duy trì việc làm cho người lao động, các đơn vị doanh nghiệp, hộ kinh doanh... Sở cũng tiếp tục chi hỗ trợ trên 5.000 người sử dụng lao động với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trước những khó khăn lớn về tiêu thụ, lưu thông hàng hóa do dịch Covid-19, các ban, ngành, đặc biệt ngành Công thương tỉnh đã tiếp sức kịp thời bằng cách hỗ trợ thị trường đầu ra, tiêu thụ cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã... tồn hàng trăm tấn thủy hải sản, nông sản.

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị một số doanh nghiệp logistics trên địa bàn và các địa phương lân cận hỗ trợ tiền thuê kho bãi, giảm chi phí bốc xếp đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu; hỗ trợ chuyên môn để thông quan cầu Bắc Luân II, cầu phao tạm km 3+4, cửa khẩu Hoành Mô nhằm đưa hoạt động xuất nhập khẩu trở lại, giải tỏa số lượng hàng hóa đã lưu kho kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Bên cạnh mục tiêu tháo gỡ khó khăn, tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh. Tỉnh ưu tiên dành nguồn lực, thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch tiêm chủng vaccine diện rộng. Tính đến giữa tháng 8, có gần 24.000 lao động của 4 khu công nghiệp được tiêm vaccine phòng Covid-19, chiếm 83,5%.

Quang Ninh,  tang truong kinh te anh 3

Gần 24.000 người lao động tại các khu công nghiệp trên toàn tỉnh được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Song song với đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hành chính, triển khai nhiều giải pháp sáng tạo trong công tác hỗ trợ đầu tư, doanh nghiệp, nhà đầu tư... ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả.

Tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định trong thời gian tới, công tác phòng chống dịch Covid-19 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định bảo đảm hoàn thành mục tiêu kép năm 2021 và các năm tiếp theo của tỉnh Quảng Ninh.

Trong bối cảnh này, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, gắn kết cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh triển khai hoạt động hỗ trợ, chuyển đổi số toàn diện, thường xuyên tổ chức các chương trình chia sẻ với doanh nhân để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn. Quảng Ninh ghi nhận những đóng góp, đồng thời kỳ vọng các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng chính quyền thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu trong phòng chống dịch Covid-19 cũng như thúc đẩy nền kinh tế trên địa bàn tỉnh.