Quận Bình Tân đề xuất TP.HCM giao 3 mặt bằng bỏ trống để xây trường học, công viên

(PLO)- Quận Bình Tân có 62 mặt bằng không sử dụng thuộc quản lý trung ương, TP. Quận đề xuất TP chấp thuận chủ trương bàn giao ba mặt bằng cho UBND quận để đầu tư xây trường học, công viên cây xanh.

Sáng 3-8, ban Kinh tế- Ngân sách của HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về kết quả thực hiện pháp luật về đầu tư công, hiệu quả, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách TP đối với UBND quận Bình Tân.

Qũy đất tái định cư còn hạn chế

Báo cáo đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Vũ Chí Kiên cho biết công tác đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 được triển khai đồng bộ với kết quả giải ngân cao (> 95%), góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, không gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên quá trình thực hiện, quận cũng gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, không thống nhất được giá bồi thường.

Quận Bình Tân đề xuất TP.HCM giao 3 mặt bằng bỏ trống để xây trường học, công viên ảnh 1

Bí thư quận Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp kiến nghị một số nội dung để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án tại địa bàn. Ảnh: THANH TUYỀN

Quận Bình Tân với đặc điểm dân số quá đông, nhu cầu tái định cư là rất lớn. Hiện quận đang triển khai nhiều dự án, trong đó tập trung vào các dự án liên quan đến giáo dục, công trình hạ tầng, kỹ thuật.

Với số lượng lớn hộ dân bị ảnh hưởng, diện tích thu hồi đất tập trung tại cụm dân cư, người dân phải di dời toàn bộ nhà ở, đất ở. Do đó nhu cầu tái định cư bằng nền đất tái định cư của người dân cũng tăng theo.

Trong khi đó, quỹ đất dự kiến tái định cư cũng như nguồn phân bổ nhà, đất tái định cư còn hạn chế, gây khó khăn trong việc vận động thu hồi mặt bằng thực hiện dự án.

Cùng đó, các hộ dân sống ven kênh bị giải tỏa toàn bộ trong các dự án cải tạo kênh rạch nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư, tiền bồi thường thấp nên khó tìm nơi ở mới, làm chậm quá trình bàn giao mặt bằng.

Cũng theo ông Kiên, quận Bình Tân hiện 18 dự án hỗ trợ tái định cư nhưng chỉ giải ngân được năm dự án; bốn dự án đang thực hiện lập chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; bảy dự án đang thực hiện điều chỉnh đầu tư xây dựng; hai dự án đang trình hội đồng thẩm định giá TP duyệt hệ số điều chỉnh giá đất.

62 mặt bằng không sử dụng thuộc quản lý trung ương, TP

Tại buổi giám sát, Bí thư quận Bình Tân Huỳnh Khắc Điệp cũng đề xuất TP bố trí vốn trung hạn 2021-2025 cho quận để xây dựng các dự án trường học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Bởi nhiều trường trên địa bàn quận đang chịu áp lực lớn khi không thể bố trí đủ phòng học cho học sinh.

Theo ông Điệp, với chỉ tiêu xây dựng mới 700-1.000 phòng học, nhu cầu xây thêm trường của quận là rất cấp bách. Hiện, TP đã bố trí vốn cho quận thực hiện 21/40 dự án với 640 phòng học, còn 19 dự án chưa được bố trí với kinh phí khoảng 1.821 tỉ đồng.

Về điểm này, ông Điệp cũng đặt vấn đề tận dụng nhà đất của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty cổ phần có vốn nhà nước thuộc trung ương trên địa bàn quận.

Theo rà soát, quận đang có 62 mặt bằng kho bãi các doanh nghiệp trực thuộc Trung ương, TP quản lý, sử dụng có nguy cơ gây ô nhiễm, cho thuê lại, bỏ trống hoặc không đầu tư trong thời gian dài gây lãng phí. Quận đã có báo cáo cụ thể và đề xuất TP chấp thuận chủ trương bàn giao ba mặt bằng cho UBND quận để đầu tư xây trường học, công viên cây xanh.

Ba mặt bằng mà phía quận Bình Tân đề xuất là (1) nhà đất số 620 Kinh Dương Vương, phường An Lạc do công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar quản lý đang bỏ trống, thuộc quy hoạch đất giáo dục; (2) nhà đất số 558 Kinh Dương Vương, phường An Lạc do Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV sử dụng; (3) khu đất diện tích 560,4 m2 thửa 44, bản đồ số 65,71 đường Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A của Liên hiệp Hợp tác thương mại TP quản lý.

Bí thư quận Bình Tân cũng mong các sở, ngành TP quan tâm để thúc đẩy dự án kết nối liên thông đường Vành đai trong. Dự án này được chia thành hai giai đoạn, với tổng kinh phí 10.092 tỉ đồng. Ông kiến nghị TP bố trí vốn thực hiện dự án giai đoạn 1 với kinh phí 3.300 tỉ đồng, dần hoàn thiện từng bước theo quy hoạch được duyệt của TP.

Quận Bình Tân đề xuất TP.HCM giao 3 mặt bằng bỏ trống để xây trường học, công viên ảnh 2

Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: THANH TUYỀN

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng cho rằng nhu cầu phát triển của quận Bình Tân là rất lớn. Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án là cấp bách, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà đẩy mạnh sự phát triển kinh tế- xã hội của quận.

Với đề xuất giao ba mặt bằng cho quận, ông Dũng cho rằng nên tính đến hai mặt bằng thuộc quản lý của TP trước để tháo gỡ, giải quyết được nhu cầu cấp bách. Ông cũng đề nghị Sở Tài chính rà soát lại và tham mưu cho TP để tính toán thực hiện.

Ông Dũng cũng đề nghị quận quan tâm đến việc tái định cư, sắp xếp cuộc sống ổn thỏa cho người dân rồi mới tính đến thực hiện các dự án.

Cần đẩy nhanh tiến độ xây cầu Tân Kỳ - Tân Qúy

Một trong những kiến nghị của quận Bình Tân được các đại biểu HĐND TP quan tâm là đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Hiện, quận bố trí cầu tạm để lưu thông đến nay được ba năm.

Quận Bình Tân đề xuất TP.HCM giao 3 mặt bằng bỏ trống để xây trường học, công viên ảnh 3
Người dân phải lưu thông trên cây cầu sắt tạm khi cầu Tân Kỳ -Tân Quý chưa hoàn thành. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Đại biểu Nguyễn Văn Đạt, phó ban pháp chế HĐND TP.HCM, cho rằng cây cầu này từ năm 2018 đã tạm ngưng phương thức đầu tư BOT. Do đó, các sở, ngành TP, cụ thể là Sở GTVT, Sở KH&ĐT cần đeo bám đến cùng, hoặc tham mưu kịp thời cho TP để giải quyết chứ không phải chỉ báo cáo là đang chờ Bộ trả lời.

Ông đánh giá, đây là tuyến đường huyết mạch của quận Bình Tân để nối ra quốc lộ, giải phóng giao thông nhưng lại bị ách tắc nhiều năm.

Dự án được khởi công từ đầu năm 2018, dự kiến hoàn thành cuối năm này. Tuy nhiên, do chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên dự án mới hoàn thành 70% đã tạm ngưng từ cuối năm 2018 tới nay.

Quận Bình Tân đề xuất TP.HCM giao 3 mặt bằng bỏ trống để xây trường học, công viên ảnh 4

Trưởng ban Kinh tế- Ngân sách, HĐND TP Lê Trương Hải Hiếu yêu cầu quận Bình Tân rà soát lại các dự án dang dở. Ảnh: THANH TUYỀN

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP Lê Trương Hải Hiếu cho rằng, đây cũng là nội dung mà người dân bức xúc, càng để lâu sẽ càng lãng phí. Ông đề nghị các sở, ngành cùng vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ xây cầu.

Ông Hiếu cũng đề nghị quận Bình Tân rà soát lại các dự án dang dở để đánh giá tổng quan hơn, từ đó có danh sách bố trí ưu tiên cho các dự án cần thiết.

50 dự án chưa được bố trí vốn

Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Vũ Chí Kiên cho biết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, quận Bình Tân được HĐND TP thông qua 168 dự án với tổng kế hoạch vốn hơn 15.468 tỉ đồng.

Trong số 168 dự án này, có 22 dự án vì vướng công tác bồi thường nên không đảm bảo thời gian thực hiện; 39 dự án khác phải điều chỉnh về thiết kế, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện và chủ trương đầu tư.

Đáng chú ý, có 50 dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa được bố trí vốn. Nguyên nhân là do dự án ngưng thực hiện hoặc chuyển theo hướng xã hội hóa, còn lại do chưa được duyệt chủ trương, chưa được bố trí trung hạn giai đoạn tiếp theo do nguồn vốn.

Về kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021- 2025, quận có 79 dự án với tổng vốn kế hoạch là 15.020 tỉ đồng.