Phụ huynh đang "đọa đày" tuổi thơ trẻ khi dùng roi vọt tạo áp lực học tập

Những vụ việc phụ đánh đập, làm tổn thương con trong quá trình kèm trẻ học xuất hiện với tần suất nhiều hơn như một hồi chuông cảnh báo.

Những ngày gần đây, vụ việc liên quan đến cái chết của bé V.A. (8 tuổi) ở TP.HCM bị "mẹ kế" Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh đập, bạo hành trong quá trình kèm bé học trực tuyến khiến dư luận phẫn nộ.

Theo kết quả điều tra ban đầu, người "mẹ kế" này khai trong quá trình kèm bé V.A. học đã đặt mua roi mây trên mạng để đánh "dạy dỗ" vì bé học chậm. Roi mây bị gãy, người phụ nữ này còn dùng cây gỗ dài hành hạ, đánh đập bé V.A.

Trước đó, tháng 9/2021, một bé gái 6 tuổi (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tử vong và cơ quan điều tra bước đầu xác định người bố khi kèm con học đã nóng giận dùng đũa, thanh tre, cán chổi đánh bé. Sau đó không lâu, dư luận xôn xao khi có thêm một học sinh lớp 1 (ở xã Phú An, TX.Bến Cát, Bình Dương) bị bố đánh khi kèm học trực tuyến, khiến mặt, tay chân bé bầm tím, phải trốn qua nhà hàng xóm cầu cứu…

Những vụ việc bố mẹ đánh đập, làm tổn thương con trong quá trình kèm trẻ học tại nhà xuất hiện với tần suất nhiều hơn như một hồi chuông cảnh báo: Việc phụ huynh đặt áp lực học hành, thậm chí dùng roi vọt, vũ lực để dạy trẻ… sẽ giúp trẻ tốt lên, hay tuổi thơ của các con đang bị chính bố mẹ đọa đày, đánh cắp?

Dạy con bằng đòn roi và bạo hành: Ranh giới mong manh?

Phụ huynh Vũ Thị Liễu (Hải Phòng) chia sẻ, sự ra đi của bé V.A. ở TP.HCM, hay cái chết của bé gái 6 tuổi ở Xuân Đỉnh, Hà Nội do bị bố đánh trong quá trình dạy học như lời cảnh tỉnh sâu sắc khiến nhiều ông bố, bà mẹ phải nhìn lại cách giáo dục con của mình. "Và chính tôi cũng phải xem lại thái độ, hành vi của mình trong quá trình giáo dục con nói chung và dạy con học nói riêng".

 Phụ huynh đang đọa đày tuổi thơ trẻ khi dùng roi vọt tạo áp lực học tập - 1

Cha mẹ không có kỹ năng tương tác, tổ chức hoạt động, kỹ năng dạy học có thể là nguồn cơn gây ra bạo lực thể xác và tinh thần cho trẻ (Ảnh: Ngọc Diệp).

Chồng là quân nhân, thường xuyên vắng nhà nên mọi công việc trong gia đình đều do chị Liễu đảm nhiệm. Một ngày 24 tiếng, hơn 8 tiếng làm việc ở công ty, khoảng thời gian còn lại, người phụ nữ này phải lo nhà cửa, cơm nước, đưa đón hai con và dành thời gian kèm cậu con trai lớn (hiện đang học lớp 4) học vào buổi tối.

"Cả ngày đi làm mệt mỏi, lại không có ai sẻ chia việc nhà, con cái nên tôi thường căng thẳng, áp lực. Do đó, khi dạy con học, nhiều lúc con mải chơi, đầu óc "trên mây" khiến tôi không thể kiềm chế mà buông lời mắng mỏ, thậm chí đánh đòn.

Đỉnh điểm, có lần con học chậm, tôi nhắc nhở thì con lại cãi bướng. Tôi "điên tiết" vô cùng, dùng cây thước nhựa vụt mạnh vào tay con với mục đích khiến con sợ. Không may, cạnh của cây thước lại đập vào móng tay khiến móng tay trỏ của con bị bầm tím. Khi ấy, tôi hối hận vô cùng, xin lỗi con và tự hứa với lòng sẽ thật bình tĩnh khi kèm con học.

Tuy nhiên, trong một vài buổi học, sự bướng bỉnh, khó bảo của con cứ tiếp diễn khiến người làm mẹ như tôi không làm chủ được bản thân, đi vào "vết xe đổ" là đánh đòn con cái".

Giảng dạy tại một trường tiểu học ở Cầu Giấy, Hà Nội, nhà giáo Trần Ngọc V. cho biết, hiện nay mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con, vì vậy phụ huynh đặt rất nhiều sự quan tâm cũng như kỳ vọng với con em của mình, đặc biệt trong vấn đề học tập.

"Có nhiều ông bố, bà mẹ dù bận rộn công việc, nhưng vẫn sẵn sàng dành từ 2-3 tiếng buổi tối để kèm, hướng dẫn con học bài. Điều này thật đáng trân trọng.

Và đi kèm với quan tâm là sự kỳ vọng. Thực tế, bố mẹ nào cũng mong muốn con mình học giỏi để sau này thành đạt, có địa vị trong xã hội. Nhưng việc mong muốn và thực thi mong muốn của phụ huynh không có nghĩa là con cái có đủ sức khỏe, trí tuệ để làm việc đó.

Mỗi trẻ có một năng lực, khả năng nhận thức khác nhau. Có em tiếp thu rất nhanh, nhưng cũng có một số trẻ lại tiếp thu chậm, cần sự hướng dẫn tỉ mỉ của người lớn. Nhưng khi dạy con học, nhiều phụ huynh lại không hiểu điều đó, họ chỉ quan tâm đến kỳ vọng của mình "con phải học thật nhanh, con phải làm bài thật giỏi" mà quên mất tâm lý của con. Việc trẻ không có đủ khả năng để đáp ứng mong mỏi của bố mẹ trong việc học tập dễ khiến phụ huynh nổi nóng, thậm chí buông lời mắng chửi, hay nặng nề hơn là dùng đòn roi".

Cô giáo này cho hay, trong xã hội hiện đại, dạy con bằng đòn roi không phải là biện pháp giáo dục đúng đắn. Những vụ việc thương tâm đến việc cha mẹ sử dụng đòn roi với trẻ được đăng tải trên báo chí, và mới đây nhất là vụ " mẹ kế" đánh chết bé gái 8 tuổi khi học trực tuyến tại TP.HCM chính là hồi chuông cảnh báo về hậu quả nặng nề khi các bậc phụ huynh áp dụng "phương pháp giáo dục tàn khốc" này.

"Đòn roi chỉ khiến con khiếp sợ theo kiểu phục tùng chứ không phải là một cách giáo dục hướng trẻ tới sự trưởng thành. Nguy hiểm hơn, hành vi dạy con bằng đòn roi, vũ lực còn tạo ra những vết hằn tiêu cực trong nhân cách của trẻ; dễ dẫn trẻ đến xu hướng tự ti, rụt rè hoặc ngược lại là bạo lực, chống đối.

Tôi cho rằng, phụ huynh cần chấm dứt suy nghĩ "thương cho roi cho vọt" bởi chừng nào người ta vẫn quan niệm đánh trẻ là dạy trẻ thì chừng đó vẫn còn những học sinh chịu sự đau đớn về thể xác cũng như tinh thần.

Dẫu biết, mục đích dạy dỗ của các bậc làm cha, làm mẹ hoàn toàn khác so với mục đích của những kẻ bạo hành. Tuy nhiên, với trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương về thể chất và tâm hồn, thì ranh giới giữa việc bạo hành và việc dạy dỗ trong nhiều trường hợp rất mong manh".

Phụ huynh cần kiềm chế để tránh làm tổn thương con

Theo nhà giáo Trần Ngọc V., để tránh những hậu quả đáng tiếc, trong quá trình giáo dục con nói chung và dạy con học nói riêng, phụ huynh cần cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình.

Cụ thể, khi kèm con học hay hỗ trợ trẻ học trực tuyến, nếu nảy sinh cảm xúc tức giận vì những hành động nghịch phá, mất tập trung của trẻ, bố (hoặc mẹ) cần nhường lại việc dạy học cho người kia và nên tránh đi chỗ khác để cơn giận nguôi đi. Hành động nhỏ này sẽ giúp trẻ phần nào ý thức được thái độ, hành vi chưa đúng của mình; đồng thời các em sẽ thêm tôn trọng, yêu thương cha mẹ.

Trong quá trình dạy trẻ, thay vì sử dụng đòn roi, cô V. cho biết, phụ huynh nên làm bạn với con mình.

"Việc làm bạn với con sẽ được thể hiện từ những điều nhỏ nhất. Theo đó, cha mẹ cần gạt đi cái tôi, ngồi lại, học cách kiên nhẫn, lắng nghe và thấu hiểu những suy nghĩ của con.

"Học thầy không tày học bạn". Bạn bè luôn là nguồn hỗ trợ việc học của các con một cách hiệu quả nhất, bởi bạn bè không chì chiết, dạy dỗ mà chỉ cởi mở, nhẹ nhàng chia sẻ kiến thức cho con. Vì vậy, trong những buổi học cùng con, bố mẹ hãy thử đóng vai là một người bạn, để con tự giải quyết những bài toán, câu văn, và cha mẹ hãy chỉ đóng vai trò là người quan sát.

Nếu con làm sai, thay vì chỉ trích bằng những câu như "Ngu dốt", hay đánh con; thì phụ huynh hãy gợi mở để con nhìn thấy lỗi sai của mình, ví dụ "Hình như bố/mẹ lại có kết quả khác, mình cùng nhau làm lại xem ai có kết quả đúng đi". Những điều giản đơn này sẽ giúp 2-3 tiếng học của con nhẹ nhàng hơn rất nhiều".

Cô Minh Trang (nhân viên Tâm lý học đường, trường THPT Nguyễn Khuyến) cũng đồng tình với quan điểm này. Bên cạnh đó, cô Trang cho hay, muốn dạy trẻ thật tốt, trước tiên, phụ huynh phải thật ổn. Trên thực tế, những phụ huynh chịu áp lực, mất ngủ… thường dễ căng thẳng, cáu giận và dùng đòn roi với con như một cách giải tỏa tâm lý.

Do đó, cha mẹ phải biết cân bằng, sắp xếp công việc gia đình, cơ quan và dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân. Những lúc rảnh rỗi, cả gia đình có thể cùng nhau làm những công việc giúp tăng sự gắn kết như nấu ăn, xem phim… Không nên quá gò ép, cứ rảnh là ép trẻ học. Người lớn cần nghỉ ngơi, và trẻ em cũng vậy.

"Quan trọng, trong gia đình, hai vợ chồng cần san sẻ công việc cho nhau. Không nên để việc hỗ trợ con dồn hết vào một người, bởi như vậy thì sẽ vô cùng vất vả" - cô Trang nhấn mạnh.

Gạt bỏ "hòn đá" áp lực trên vai trẻ

Ở một góc nhìn khác, thầy Nguyễn Trung Hiếu (Hà Nội) bày tỏ, phụ huynh cần hạn chế việc đặt áp lực học tập lên vai con trẻ, bởi đây chính là nguyên nhân dẫn đến những trận đòn roi khi trẻ không đạt được kết quả học tập như bố mẹ mong đợi.

 Phụ huynh đang đọa đày tuổi thơ trẻ khi dùng roi vọt tạo áp lực học tập - 2
Kiểm soát và tạo áp lực không phải là cách tốt để giúp con phát triển, thay vào đó bố mẹ hãy lắng nghe, chia sẻ để tạo cho con những ký ức hạnh phúc. (Ảnh: K.P)

"Nhiều trẻ dù đang học tiểu học, nhưng vẫn bị bố mẹ "ép" vào trường nọ, trường kia, rồi chạy đua cùng bảng điểm. Tiểu học đã vậy, cấp 2, cấp 3 thì các con càng áp lực hơn.

Việc này dẫn đến tình trạng stress ở lứa tuổi học sinh. Stress ở mức độ vừa phải sẽ huy động nguồn lực, giúp con người phấn đấu. Tuy nhiên, nếu căng thẳng thường xuyên và với cường độ cao thì nó khiến trẻ có cảm giác vô cùng khó chịu, thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát, ví dụ như làm hại bản thân, thậm chí tự tử…

Đặt áp lực học hành quá nhiều giống như việc dùng "đòn roi vô hình" với trẻ. Đừng để chuỗi áp lực ám ảnh tuổi thơ, khiến trẻ chán nản học tập và mất niềm tin vào tương lai".

Tuy nhiên, thầy Hiếu cho biết, điều này không đồng nghĩa với việc phụ huynh buông thả, mặc kệ việc học hành của con em. Theo đó, bố mẹ cần tạo ra một "sức ép" đủ lớn để trẻ quan tâm và nỗ lực hơn trong việc học.

"Sức ép này cần được hình thành dựa trên khả năng thực tế của trẻ. Thay vì đặt mục tiêu con phải vào trường điểm, trường đại học hàng đầu, phụ huynh hãy gợi mở sự lựa chọn của con và tin tưởng vào nó. Hãy động viên con cố gắng, nếu không đạt được vẫn có những lựa chọn khác phù hợp hơn.

Dạy con luôn là hành trình dài và rất vất vả. Kiểm soát, trực tiếp tác động con bằng những trận đòn roi, câu chửi mắng đau lòng hay một chuỗi áp lực sẽ không phải là cách tốt để giúp con phát triển; thay vào đó bố mẹ hãy kiềm chế, lắng nghe và thấu hiểu để tạo cho con những ký ức hạnh phúc".

Kiều Phương