Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Công nhân sợ khi chứng kiến cảnh ốm đau, mất mát

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu định hướng thời gian tới phải từng bước cơ cấu lại sản xuất và lao động. Trong đó, phải chấp nhận từ bỏ dần lao động giá rẻ, đi vào khu vực có giá trị gia tăng cao hơn.

Sáng 11/10, tham gia giải trình những vấn đề liên quan đến ngành lao động trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, an sinh, lao động, việc làm là vấn đề lớn với cả xã hội.

"Từ hôm qua, nghe Bộ trưởng Lao động trả lời chất vấn, tôi thấy Bộ trưởng đã cơ bản giải đáp được các vấn đề", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dành toàn bộ thời gian làm rõ vấn đề liên quan đến làn sóng người lao động từ TPHCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ  về quê tránh dịch. Theo ông, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao đưa người lao động trở lại các khu vực trọng điểm công nghiệp để phục hồi sản xuất, để bảo đảm quyền lợi của công nhân và gia đình của họ.

Theo Phó Thủ tướng, nhiều tồn tại đã bộc lộ qua đợt dịch vừa rồi, như chuyện nhà ở cho công nhân, vấn đề phúc lợi, đào tạo nghề… Ông Đam cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết vấn đề này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Công nhân sợ khi chứng kiến cảnh ốm đau, mất mát - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trên nghị trường ngày 11/11 (Ảnh: Quốc Chính).

Nói về con số khoảng 1,3 triệu lao động đã dịch chuyển về các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần làm rõ cơ cấu các nhóm đối tượng trong số này.

Theo ông, không nhiều người lao động có hợp đồng "chính quy", làm việc ở các doanh nghiệp lớn về quê vừa qua. Thực tế, các lao động "chính quy" vẫn được doanh nghiệp trả một phần lương khi nghỉ dịch nên hầu hết đã quay lại làm việc. Còn những người không muốn quay lại thì cũng chuyển việc như trong điều kiện bình thường. Đợt dịch vừa qua, theo Phó Thủ tướng, đã thúc đẩy thêm việc chuyển dịch lao động.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong số 1,3 triệu lao động dịch chuyển vừa qua, có nhiều công nhân làm cho doanh nghiệp nhỏ, lao động thời vụ; lao động tự do (lực lượng chiếm số lượng lớn ở phía Nam, đặc biệt là ở TPHCM); người thân đi theo người lao động.

Để người lao động quay lại làm việc, theo Phó Thủ tướng, vấn đề đầu tiên là phải kiểm soát tốt dịch bệnh. Bởi người lao động có tâm lý lo ngại dịch bệnh kiểm soát không tốt, bùng phát lại khi công nhân trở lại làm việc, lại bị phong tỏa như trước đây.

"Vừa rồi nhiều người đã phải chứng kiến những cảnh tượng ốm đau, mất mát,  sống rất khổ vì "kẹt" lại. Do vậy, trong một tháng tới, chúng ta phải có kế hoạch rất chi tiết để kiểm soát được dịch bệnh", Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Mặt khác, do đa phần người lao động có con trong tuổi đến trường, nên theo Phó Thủ tướng, việc mở cửa lại trường học là rất cần thiết.

Còn vấn đề dài hơi hơn, người lao động mong muốn khi quay lại làm việc trong trường hợp dịch bùng phát thì vẫn được trả một phần lương và không bị hủy hợp đồng.

Để giải quyết các vấn đề trên, Phó Thủ tướng cho biết, lãnh đạo tỉnh, thành đã đến từng doanh nghiệp để bàn các phương án. Còn chính quyền Trung ương cần phải rà soát lại các quy định về phòng chống dịch để đảm bảo an toàn nhưng không quá phức tạp, thuận lợi cho việc thực hiện, nhất là quy trình xét nghiệm, xử lý F1, F0 trong doanh nghiệp một cách linh hoạt.

Với những lao động muốn quay lại nơi làm việc cũ, theo Phó Thủ tướng, những người này cần được tiêm đầy đủ vaccine và được đưa đón. "Tôi nói chuyện với lãnh đạo một số tỉnh, họ nói địa phương sẵn sàng bỏ chi phí ra để đưa lao động quay trở lại nơi làm việc", Phó Thủ tướng nói.

Thực tế chống dịch vừa qua, Phó Thủ tướng nhận thấy nhiều khu vực công nhân tập trung quá "đậm đặc". "Người dân bình thường đã khổ, lúc dịch bệnh càng vô cùng khổ", Phó Thủ tướng chia sẻ.

Phó Thủ tướng cho biết, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia cũng  phải giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động sau dịch như Việt Nam, có nước còn phải tính mở cửa cho lao động nước ngoài vào. Các nước cũng đều có gói hỗ trợ đặc biệt để người lao động quay lại làm việc. Vì vậy, ông đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét cùng các địa phương có gói hỗ trợ người lao động quay lại thành phố làm việc, nhất là lao động nghèo.

Từ phân tích trên, Phó Thủ tướng nhận định, thời gian tới, cả nước phải tập trung, không chỉ xây dựng nhà ở cho người lao động mà phải từng bước cơ cấu lại sản xuất và lao động.

"Đã đến lúc Việt Nam cần phải chấp nhận từ bỏ dần lao động giá rẻ, đi vào chỗ có giá trị gia tăng cao hơn. Đợt chống dịch lần này ảnh hưởng lớn tới chiến lược thu hút lao động, thu hút đầu tư nước ngoài sau này. Nhưng tôi tin rằng nếu có sự chuẩn bị đúng thì vẫn giữ chân được nhà đầu tư nước ngoài, nhưng dịch chuyển được cơ cấu lao động", Phó Thủ tướng nói thêm.

Quang Phong