Phim cổ trang yêu cầu khán giả tự tưởng tượng khi xem kỹ xảo

Khán giả Trung Quốc gặp phải tình huống "dở khóc dở cười" trước việc một ê-kíp cổ trang yêu cầu họ tưởng tượng kỹ xảo khi xem phim.

Ngày 23/3, QQ đưa tin một bộ phim chiếu mạng Trung Quốc gây chú ý vì cảnh kỹ xảo nghèo nàn khi phát sóng. Cụ thể, nhân vật trong phim có phân đoạn dùng thuật ẩn thân, nhưng thay vì sử dụng công nghệ đồ họa chỉn chu, đoàn làm phim bôi sáng nam diễn viên và để chú thích "hy vọng khán giả tự tưởng tượng nghệ sĩ đang tàng hình". Nguyên nhân được đưa ra là thiếu kinh phí.

Chi tiết phi logic và hài hước này gây bàn tán trên mạng xã hội. QQ nhận xét với ngành phim ảnh Trung Hoa, đoàn làm phim khó khăn kinh tế đến mức bỏ qua khâu hiệu ứng, yêu cầu người xem tự hình dung xưa nay hiếm có. Công chúng hiện truy tìm "danh tính" tác phẩm có hiệu ứng kỹ xảo ba xu gây cười này.

"Từ làm kỹ xảo giả dưới phông xanh, bây giờ đoàn phim Trung Quốc còn bắt khán giả tự tưởng tượng hiệu ứng", "Tôi cười ra nước mắt trước sự chân thành của ê-kíp", "Đội ngũ sản xuất phim này có lẽ nghèo đến hài hước", cư dân mạng bình luận.

Theo Sina, ngành phim ảnh Trung Quốc có không ít dự án "con nhà nghèo", phần lớn là web drama. Các đoàn làm phim có vốn đầu tư thấp phải chật vật xoay xở để có đủ kinh phí sản xuất. Do đó, họ buộc phải cắt xén chi phí đạo cụ, cảnh trí và kỹ xảo. Vì vậy, những tác phẩm thiếu tiền thường xuyên đưa lên màn ảnh tình tiết độc đáo, cảnh quay "vượt khó không tưởng".

Như ê-kíp Thái tử phi thăng chức ký "tự sáng tạo" trang phục từ các thiết kế có sẵn trên trang web mua sắm bình dân Taobao, ghi hình trong cung điện tuềnh toàng với số lượng diễn viên quần chúng chưa đến 10 người. Đến nay, đây vẫn được xem là tác phẩm có kinh phí nghèo nàn nhất trong lịch sử truyền hình Hoa ngữ.

9.000 sự kiện giải trí ở Trung Quốc bị ảnh hưởng vì dịch

Dịch bệnh tái bùng phát gây ảnh hưởng đến hoạt động giải trí ở Trung Quốc. Ngành phim ảnh và âm nhạc chịu thiệt hại kinh tế nặng nề.

TVB mở cửa lại phim trường

Sau gần một tháng đóng cửa đài, TVB quyết định nối lại hoạt động sản xuất để giảm thiểu thiệt hại kinh tế.