Phát hiện hàng trăm hóa thạch nửa tỷ năm tuổi

Tổ tiên của nhiều loài động vật ngày nay có thể đã sống ở Trung Quốc cách đây hơn 500 triệu năm, khám phá mới tiết lộ.

Một trong những bộ sưu tập hóa thạch động vật lâu đời nhất, bao gồm hơn 250 loài, gần đây đã được tìm thấy tại khu sinh vật Chengjiang ở tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 23/3.

Các hóa thạch khoảng 518 triệu năm tuổi thuộc về nhiều loài giun, động vật chân đốt (tổ tiên của tôm, côn trùng, nhện, bọ cạp) và thậm chí cả động vật có xương sống (tổ tiên của cá, lưỡng cư, bò sát, chim và động vật có vú). Phát hiện mới tiết lộ Chengjiang từng là một vùng đồng bằng biển nông, giàu chất dinh dưỡng và dễ bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Khu vực này hiện nằm trên đất liền ở vùng núi Vân Nam.

Hóa thạch giun Luolishania (trái) và động vật chân đốt Naroia (phải). Ảnh: Xiaoya Ma

Hóa thạch giun Luolishania (trái) và động vật chân đốt Naroia (phải). Ảnh: Xiaoya Ma

"Đó là hồ sơ quan trọng về một thời kỳ được gọi Vụ nổ kỷ Cambri, chứng kiến sự sinh sôi nảy nở nhanh chóng của các loài động vật đối xứng hai bên, giống như hầu hết các loài động vật ngày nay, bao gồm cả con người", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Tiến sĩ Xiaoya Ma, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Exeter và Đại học Vân Nam, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết việc phát hiện Chengjiang là môi trường đồng bằng đã làm sáng tỏ thêm về các yếu tố nguyên nhân và hệ quả có thể có đối với sự phát triển mạnh mẽ của những loài động vật đối xứng hai bên trong kỷ Cambri, cũng như khả năng bảo tồn mô mềm đặc biệt của chúng.

Các tác nhân gây căng thẳng trong môi trường không ổn định có thể góp phần vào bức xạ thích ứng - sự đa dạng hóa loài từ tổ tiên chung thành một số dòng dõi để thích ứng với nhiều hốc sinh thái - của những loài động vật ban đầu này.

Hóa thạch cá Myllokunmingia. Ảnh: Xiaoya Ma

Hóa thạch cá Myllokunmingia. Ảnh: Xiaoya Ma

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng quần thể sinh vật Chengjiang chủ yếu sống trong môi trường đồng bằng nước nông được cung cấp oxy tốt. Lũ bão đã vận chuyển những sinh vật này xuống các vùng nước sâu thiếu oxy gần kề, dẫn đến việc bảo tồn đặc biệt mà chúng ta thấy ngày nay", nhà địa hóa Changshi Qi từ Đại học Vân Nam, đồng tác giả của nghiên cứu, suy đoán.

Khám phá mới rất quan trọng vì nó chỉ ra rằng hầu hết các loài động vật ban đầu đều chịu các điều kiện căng thẳng, chẳng hạn như biến động độ mặn (muối, và lượng trầm tích lắng đọng cao. Điều này trái ngược với nghiên cứu trước đó cho thấy các loài động vật tương tự sống ở môi trường biển sâu hơn và ổn định hơn.

Công trình nghiên cứu này là một dự án hợp tác quốc tế giữa Đại học Vân Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Đại học Exeter, Đại học Leicester của Anh, Đại học Saskatchewan của Canada và Đại học Lausanne của Thụy Sĩ.

Đoàn Dương (Theo Science Daily)