Nội bộ NATO lục đục

Cách thức tiếp tục ứng phó Điện Kremlin, cũng như duy trì răn đe kinh tế, chính trị, quân sự với Nga, là những vấn đề đang tạo ra bất đồng cho NATO.
Nga tan cong Ukraine anh 1

Tổng thống Joe Biden có mặt ở Brussels hôm 23/3, bắt đầu cuộc họp khẩn với các đồng minh NATO về tình hình ở Ukraine. Lúc này, nội bộ NATO bắt đầu có những chia rẽ về cách thức răn đe đối với Moscow.

Một trong những chủ đề được quan tâm của các lãnh đạo NATO là có nên tuyên bố thẳng đâu là lằn ranh đỏ dẫn đến NATO trực tiếp can thiệp quân sự, hay giữ kín giới hạn này để Nga phải đoán già đoán non, theo Washington Post.

Nga tan cong Ukraine anh 2

Thành phố Chernihiv của Ukraine bị phá hủy nặng nề vì các cuộc không kích và pháo kích của Nga. Ảnh: Maxar.

Thông điệp sai lầm?

Một số nhà hoạch định chính sách châu Âu lo ngại rằng NATO đã quá công khai khi nói về những gì mà liên minh sẽ không thực hiện, như gửi bộ binh tới Ukraine, hay gửi máy bay chiến đấu cho Kyiv như vừa qua.

Các quan chức này nhận định trong bối cảnh ngày càng hiển hiện mối đe dọa ở Ukraine, tốt nhất là NATO không nên công khai loại bỏ bất cứ lựa chọn quân sự nào.

Rủi ro của chiến lược mơ hồ sẽ không cao hơn bởi tất cả đều hiểu đối đầu trực diện giữa hai bên sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc cho nhân loại.

Bên cạnh đó, các thảo luận khác xoay quanh cách thức hỗ trợ Ukraine và chiến lược tốt nhất để củng cố năng lực phòng thủ của NATO trên lãnh thổ các nước thành viên nhằm ngăn chặn nguy cơ từ Nga.

"Chúng ta kiên quyết làm tất cả trong khả năng để hỗ trợ Ukraine, nhưng đồng thời chúng ta có trách nhiệm không để xung đột leo thang ra bên ngoài Ukraine", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.

Nga tan cong Ukraine anh 3

Một trung tâm thương mại ở Kyiv bị phá hủy hoàn toàn sau khi trúng tên lửa Nga. Ảnh: Reuters.

Khi được hỏi NATO sẽ làm gì nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine, ông Stoltenberg đưa ra một câu trả lời mơ hồ, như cái cách NATO vẫn luôn trả lời khi được hỏi về trường hợp vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng.

"Bất cứ vũ khí hóa học nào được sử dụng cũng sẽ hoàn toàn thay đổi bản chất xung đột và mang tới hậu quả tồi tệ hơn nhiều", ông Stoltenberg nói.

Nên minh bạch hay mơ hồ?

Những người chỉ trích chiến lược răn đe của Washington cho rằng việc Nhà Trắng lộ bài quá sớm, tuyên bố sẽ không đưa quân tới Ukraine, đã tạo động lực để Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự. Tình hình có thể sẽ khác nếu Nhà Trắng mơ hồ hơn về giới hạn đỏ của mình.

"Tôi cho rằng chẳng có ích gì khi chúng ta quá thường xuyên tuyên bố thẳng là 'không muốn Thế chiến 3' hay 'không muốn xung đột với Nga'. Đó chẳng khác nào tín hiệu cho thấy chúng ta sợ Nga", Marko Mihkelson, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Estonia, nói.

Những tiếng nói ủng hộ ông Biden cho rằng Nhà Trắng đã lãnh đạo chiến dịch cấm vận chưa từng có tiền lệ chống lại nền kinh tế Nga, và hiện tiếp tục nỗ lực cung cấp vũ khí quy mô lớn cho Ukraine. Sẽ có thêm nhiều đợt viện trợ quân sự nữa cho Ukraine được tiến hành sắp tới.

"Tổng thống Biden có trách nhiệm thể hiện rõ mục tiêu của chúng ta là chấm dứt xung đột. Vì mục tiêu đó, chúng ta đã cho thấy rõ rằng Mỹ sẽ không có bước đi dẫn đến mở rộng chiến sự, đặt thêm nhiều mạng sống vào nguy hiểm. Đây là cách tiếp cận có trách nhiệm, xoay quanh mục tiêu chấm dứt cuộc giao tranh sớm nhất có thể", một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói.

Theo Thượng nghị sĩ Chris Murphy, Mỹ và châu Âu lúc này có quan điểm rất khác biệt.

"Mỹ đã mệt mỏi vì xung đột, chúng tôi hiểu rõ cảm giác mất đi hàng nghìn sinh mạng binh sĩ trong chiến sự. Trách nhiệm của tổng thống là nói rõ ông ấy sẽ làm gì và không định làm gì", Thượng nghị sĩ Murphy nói.

Hơn nữa, chiến lược răn đe của NATO đến nay vẫn phát huy hiệu quả trong một số khía cạnh. Đến nay, Nga chưa tấn công các trung tâm hậu cần phục vụ viện trợ quân sự cho Ukraine trên lãnh thổ NATO.

Nga tan cong Ukraine anh 4

Một người Ukraine bị thương sau cuộc không kích ở Kharkiv. Ảnh: Reuters.

Các thành viên của khối cũng chưa hứng chịu các tấn công mạng quy mô lớn. Giới chức NATO cho biết tấn công mạng có thể kích hoạt điều khoản tự vệ tập thể của liên minh quân sự, nhưng không nói rõ hơn.

Những người chỉ trích cho rằng ông Biden đã để ngỏ một số lựa chọn cho Moscow từ trước khi chiến sự diễn ra. Một trong số này là bài phát biểu đầu tháng 12/2021, Tổng thống Biden nói thẳng Mỹ khi đó không có ý định "đơn phương sử dụng vũ lực chống lại" cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Mới đây hơn, sau khi bác bỏ đề xuất của Ba Lan chuyển giao tiêm kích Mig cho Ukraine, Lầu Năm Góc đánh giá việc chuyển giao tiêm kích có thể bị Nga coi là hành động leo thang căng thẳng.

Một số quan chức Đông Âu bày tỏ lo ngại vì NATO quá chậm trễ tăng cường quân số và vũ khí ở các nước ở biên giới phía đông của khối.

"(Mỹ) không hiểu có những thời điểm cần phải im lặng. Về tổng thể, cuộc khủng hoảng được xử lý tốt, các nỗ lực ngoại giao xuất sắc, và họ đã không làm điều gì thất thố. Điều đáng chỉ trích là những thông điệp về những gì họ sẽ không làm", Francois Heisbourg, cựu cố vấn Bộ Quốc phòng Pháp, nhận định.

Chuyên gia người Pháp cho rằng việc giữ im lặng về một số vấn đề, như triển khai binh sĩ, sẽ khiến đối phương phải cảnh giác và tính tới kịch bản xấu nhất trước khi quyết định leo thang.

Phe Cộng hòa có chỉ trích tương tự nhắm vào chính quyền Biden.

"Tốt nhất nên để Nga phải đoán chúng ta dự tính gì, thay vì nói với họ những gì chúng ta sẽ làm gì. Nhìn chung, mơ hồ chiến lược là cách tốt nhất", Thượng nghị sĩ Mitt Romney nói.

Các đồng minh NATO của Mỹ, đặc biệt là Anh và một số nước Đông Âu, cũng chia sẻ quan ngại về những thông điệp công khai của Washington.

"Họ (châu Âu) cho rằng chúng ta nên dừng việc nói trước những gì NATO sẽ không làm", một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết.

Bước đi tiếp theo của NATO

Các quan chức cấp cao Nga thừa nhận Moscow sửng sốt về phản ứng quyết liệt của phương Tây, dù đã có chuẩn bị trước.

"Không ai có thể tưởng tượng phương Tây sẽ áp đặt những lệnh trừng phạt như vậy", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với sinh viên Viện Quan hệ Quốc tế Moscow hôm 23/3.

Làm thế nào để duy trì áp lực lên Nga, trong khi vẫn tránh leo thang căng thẳng, sẽ tiếp tục nằm ở trung tâm các thảo luận của NATO.

Các nước Đông Âu, như Ba Lan, Lithuania, Latvia và Estonia, đã đề nghị NATO bổ sung lực lượng, các loại khí tài phòng không tiên tiến. Đây là thông điệp rõ ràng gửi tới Kremlin rằng cảnh báo của NATO đi kèm sức mạnh quân sự của toàn khối.

Nga tan cong Ukraine anh 5

Bạn bè, người thân tham dự lễ tang một binh sĩ Ukraine hy sinh trong cuộc không kích của Nga ở Lviv. Ảnh: AP.

Trước mắt, NATO đang tập trung tăng cường lực lượng ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia, các nước ở quanh Ukriane và Biển Đen.

Những người ủng hộ Tổng thống Biden cho rằng hội nghị cấp cao tại Brussels sẽ giúp Washington giải quyết những khác biệt đang tồn tại trong nội bộ NATO.

"Đây là lý do rất cần cuộc thảo luận dài, chi tiết giữa lãnh đạo các nước. Chúng ta chỉ có thể răn đe Nga thành công bằng cách củng cố đoàn kết nội bộ", Thượng nghị sĩ Christopher Coons nói.

'Nhà tôi ở Mariupol không còn nữa' Ga tàu ở thành phố Lviv tập trung nhiều người di tản từ khắp nơi tại Ukraine. Họ được các tình nguyện viên cung cấp nhu yếu phẩm và các thông tin cần thiết.

Mỹ áp lệnh trừng phạt mới lên Nga

Nhà Trắng ngày 24/3 đã công bố kế hoạch trừng phạt mới nhắm đến các nhà lập pháp, giới tinh hoa và các công ty quốc phòng của Nga.

Nga lên tiếng về tỷ phú Abramovich

Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay tỷ phú người Nga Roman Abramovich có vai trò ban đầu trong tiến trình đàm phán Nga - Ukraine.