Nhiều đoạn đê ở Hà Nội bị sụt lún

Đầu mùa mưa bão, nhiều đoạn đê sông Hồng, sông Đáy ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức và Ứng Hòa bị sạt lở nghiêm trọng.

Ngày 17/10, chính quyền huyện Mỹ Đức dựng rào chắn, biển cảnh báo một đoạn đường 500 m đê hữu Đáy, đoạn qua trạm bơm Tân Độ, xã Xuy Xá. Ba ngày trước, đoạn đường trên mặt đê bắt đầu sụt lún. Nước sông Đáy dâng cao trong những ngày qua làm gần 30 m thân đê, mặt đê bị sụt và nứt vỡ; vết nứt mặt đê rộng 5,1 m, sâu khoảng 1 m. Toàn bộ phần dàn thao tác và máy bơm của Trạm bơm Tân Độ bị lún nghiêng.

Mặt đê hữu Đáy, đoạn qua trạm bơm Tân Độ xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức bị sụt lún, ngày 17/10. Ảnh: Tất Định.

Mặt đê hữu Đáy, đoạn qua trạm bơm Tân Độ xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức bị sụt lún, ngày 17/10. Ảnh: Tất Định.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Xuy Xá và huyện Mỹ Đức đã kiểm tra và lập chốt hai đầu khu vực xảy ra sự cố, ngăn người và phương tiện qua lại khu vực sụt lún, phân luồng giao thông và cảnh báo sự cố, di chuyển máy móc ở trạm bơm.

Ông Phạm Quang Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, đánh giá "đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp an toàn tuyến đê hữu Đáy", dự báo sự cố có thể phát triển mở rộng trong những ngày tới.

Đoạn đê bị sụt lún là đoạn cống dẫn vào trạm bơm Tân Độ được, xây dựng từ năm 1970, cấp nước tưới cho gần 1.500 ha của xã Xuy Xá và Phùng Xá; hỗ trợ nguồn nước hồ Quan Sơn.

Chính quyền đặt biển cảnh báo ở đường mặt đê hữu Đáy, đoạn qua trạm bơm Tân Độ, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức ngày 17/10. Ảnh: Tất Định.

Chính quyền đặt biển cảnh báo ở đường mặt đê hữu Đáy, đoạn qua trạm bơm Tân Độ, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức ngày 17/10. Ảnh: Tất Định.

Cách đó 15 km, ngày 15/7, đê tả Đáy, đoạn xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa cũng xuất hiện cung sạt dài 40 m, sâu 1 m.

Tại xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, bờ sông Hồng bị sạt lở 120 m, sâu vào bãi sông 15m. Bờ sông Đà thuộc thôn Đan Thê, xã Sơn Đà đang có hai vị trí sạt lở ăn sâu vào bãi đất sản xuất , nhà của của hàng chục hộ dân. Theo Chi cục Phòng chống thiên tai Hà Nội, khu vực sạt lở tại xã Thái Hòa nằm ở vị trí ngay sau mỏm đất đá nhô ra bên bờ hữu sông Hồng. Dòng chảy sông Hồng sau khi qua mỏm đất đá này có xu hướng xoáy quẩn vào bờ sông, qua thời gian làm xói mòn dần chân bờ. Còn khu vực sạt lở bờ hữu sông Đà đoạn chảy qua xã Sơn Đà có bờ sông dốc đứng.

Do ảnh hưởng mưa lớn, nước sông lên cao làm cho đất bão hoà nước, giảm khả năng kháng cắt. Mực nước sông rút xuống sẽ gây ra tình trạng sạt lở bờ bãi. Hiện các xã đã lên phương án sơ tán người dân ở gần đê và cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho hay, để giảm thiểu các sự cố sụt lún, đơn vị đề nghị các địa phương ngăn phương tiện quá tải trọng lưu thông trên mặt đê, rà soát hoạt động tập kết cát sỏi, xây dựng công trình ngoài bờ, bãi sông. Sở cũng đang đề xuất thành phố bố trí kinh phí xử lý các sự cố đê điều nên trên.

Tất Định