Người Mỹ giảm chi tiêu, hàng Việt bị ảnh hưởng

(PLO)-  Sau khi tăng trưởng ở mức cao nhất trong 37 năm thì nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy giảm tăng trưởng trong hai quý đầu năm 2022.

Chiều 29-7, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7-2022.

Thông tin về thị trường Mỹ, ông Trần Minh Thắng, Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco, cho biết Mỹ có dân số 332 triệu người, đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. GDP nước này năm 2021 đạt 23.000 tỉ USD, tăng 5,7% so với 2020.

Sau khi tăng trưởng ở mức cao nhất trong 37 năm thì nền kinh tế Mỹ bắt đầu suy giảm trong quý 1-2022 với mức giảm 1,6% so với cùng kỳ. Quý thứ 2-2022 giảm tiếp 0,9%. Sự sụt giảm của GDP đến từ nhiều nguyên nhân. Đó là giảm hàng tồn kho, suy giảm đầu tư khu vực tư nhân, cắt giảm chi tiêu của Chính phủ và các bang và các địa phương…

Người Mỹ giảm chi tiêu, hàng Việt bị ảnh hưởng  ảnh 1

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước tháng 7-2022. Ảnh: AH

“Nền kinh tế Mỹ đã rơi vào tình trạng suy thoái sau hai quý suy giảm liên tiếp. Nhưng khi nghiên cứu sâu hơn thì thấy có nhiều tín hiệu trái chiều" - ông Thắng đánh giá và cho biết đó là trong khi lạm phát, lãi suất tăng, niềm tin của người tiêu dùng suy giảm, tăng trưởng GDP hụt hơi nhưng thị trường việc làm vẫn đang phát triển vững chắc.

"Nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục bổ sung hàng trăm nghìn việc làm mỗi tháng, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức 3,6% trong bốn tháng gần đây, mức thấp nhất trong nhiều năm qua” - ông Thắng cho hay.

Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng vọt lên 9,1% trong tháng 6, cao chưa từng có kể từ năm 1981. Một số mặt hàng có mức tăng giá mạnh nhất như xăng tăng 61%, vé máy bay tăng 34%, trứng tăng 33%, thịt gia cầm tăng 11,7%, rau quả tăng 8,1%, điện tăng 13,7%, gas tăng 38,4%…

Tỷ lệ lạm phát cao do nhiều nguyên nhân, đó là do dịch COVID-19, tác động cuộc chiến Nga - Ukraine…

Người Mỹ giảm chi tiêu, hàng Việt bị ảnh hưởng  ảnh 2

Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng vọt lên 9,1% trong tháng 6, cao chưa từng có kể từ năm 1981.

Trước tình hình xấu đi, FED đã có 4 lần tăng lãi suất, kể từ tháng 3-2022 với tổng mức tăng 2,25-2,5%. Việc tăng lãi suất này thúc đẩy sự tăng giá của đồng USD và góp phần tạo ra nhiều bất ổn với nhiều nền kinh tế.

Bối cảnh này cũng tác động rất lớn đến tâm lý của người tiêu dùng, cụ thể niềm tin của người tiêu dùng trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2-2021 do quan ngại về sức khoẻ nền kinh tế. Mới đây nhất, ngày 25-7, Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất Mỹ đã phải hạ triển vọng về lợi nhuận của mình vì giá xăng và thực phẩm cao hơn, buộc người dân mua sắm ít hơn các nhu cầu không thiết yếu, điều này cũng sẽ tác động tới xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam.

Về thương mại Việt Nam - Mỹ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2022, tổng kịp ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Mỹ đạt 64,15 tỉ USD.

Trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 56,6 tỉ USD, tăng 24,1%; nhập khẩu 7,55 tỉ USD, giảm 2,4%. Hiện Việt Nam là đối tác lớn thứ 7/15 của Mỹ, chiếm 2,6% trong tổng kim ngạch thương mại Mỹ với thế giới. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu lớn thứ 6 vào Mỹ, chiếm 3,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước sang Mỹ.