Nghệ sĩ Trang Trịnh: 'Tìm thấy mục tiêu sống khi du học'

Nghệ sĩ Piano Trang Trịnh - Quán quân giải thưởng Alumni 2021-2022 chia sẻ về quãng thời gian học tập tại Anh đã định hình danh tính nghệ thuật của chị.

Ngày 18/3, sự kiện trao giải Alumni 2021-2022 quy mô quốc gia nhằm vinh thành tựu của các cựu du học sinh Anh tại Việt Nam đã diễn ra trực tuyến trên fanpage VNExpress và British Council Vietnam. Giải thưởng do Hội đồng Anh tổ chức, với ba hạng mục gồm giải Khoa học và Bền vững, giải Văn hóa và Sáng tạo và giải Tác động Xã hội. Trong đó, quán quân giải Văn hóa và Sáng tạo thuộc về Nghệ sĩ Piano Trang Trịnh với những đóng góp tích cực trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa, thể hiện tầm ảnh hưởng và khả năng sáng tạo.

Tại sự kiện trao giải, nghệ sĩ Trang Trịnh cho biết quãng thời gian sinh sống và học tập tại Học viện Hoàng gia Anh đã giúp cô tìm ra bản sắc nghệ thuật của mình cũng như tìm ra cách để cải thiện của sống của người khác thông qua âm nhạc.

Cô cũng gửi lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ muốn học tập nghệ thuật tại Anh: "Đó sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời các bạn. Tất cả trường đại học đang chờ đợi các bạn khám phá chặng đường, tầm nhìn mới".

Nghệ sĩ Piano Trang Trịnh - Quán quân giải thưởng Alumni 2021-2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nghệ sĩ Piano Trang Trịnh - Quán quân giải thưởng Alumni 2021-2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trang Trịnh là một nghệ sĩ piano, nhà giáo dục và nhà lãnh đạo với mong muốn đóng góp cho xã hội. Năm 2013, cô đồng sáng lập Dàn hợp xướng Kỳ Diệu, nơi dạy nhạc miễn phí cho trẻ em kém may mắn. Tác động của dự án này đối với cuộc sống của trẻ em đã giúp chị được ghi danh vào danh sách 30 under 30 của Forbes vào năm 2015.Trang Trịnh: Tìm thấy mục tiêu sống khi du học - 1

Năm 2017, chị trở thành một trong những tác giả trẻ nhất viết sách giáo khoa âm nhạc cấp tiểu học. Nữ nghệ sĩ cũng thành lập Wonder, một doanh nghiệp xã hội tập trung vào các mục tiêu phát triển bền vững trong giáo dục chất lượng và giảm thiểu sự bất bình đẳng. Gần đây, Trang Trịnh đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành & Nhà giáo dục của Học viện Âm nhạc VYMI (Vietnam Youth Music Institute), đối tác chiến lược của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, để thiết lập các chương trình giáo dục sâu rộng cho cộng đồng.

Nữ nghệ sĩ đến với piano từ năm 4 tuổi. Tuy nhiên, khi ở trường trung học, Trang Trịnh từng phải đối mặt với câu hỏi: Tôi sẽ thành công nếu tôi chọn trở thành một nhạc sĩ?. Tôi đã lo lắng bản thân không làm được. Vì vậy, tôi quyết định đến Anh năm 17 tuổi để tìm câu trả lời. Trong suốt những tháng mùa đông dài đầu tiên, câu hỏi ám ảnh tôi như một giai điệu trên vòng lặp, chị nhớ lại.

Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của một giáo viên piano, cô Hilary Coates, Trang Trịnh nhận ra mình đã hỏi sai câu hỏi. "Khoảnh khắc chuyển câu hỏi thành: 'Tôi có thể cống hiến cuộc đời mình để làm gì, để mang lại vẻ đẹp và giá trị cho cuộc sống của mọi người?', tôi thấy trái tim mình đã nhảy lên khi nghĩ đến việc có thể sống như một nhạc sĩ. Tôi đã được giải thoát khỏi mối bận tâm về thành công. Tôi trở nên tự tin rằng tâm hồn tôi sẽ là một vườn hoa khi trở thành nhạc sĩ", nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Trang Trịnh trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhận vào bằng Cử nhân của Học viện Âm nhạc Hoàng gia, London. Chị hoàn thành bằng Thạc sĩ vào năm 2010 và nhận danh hiệu Liên kết của Học viện Âm nhạc Hoàng gia vào năm 2018 - danh hiệu chỉ dành cho các cựu sinh viên đã có đóng góp đáng kể cho nghề âm nhạc.

Khẳng định sự nghiệp hiện tại được định hình nhờ có những năm tháng học tập tại Anh, Trang Trịnh cho biết, tại Royal Academy of Music, chị đã có những năm tháng sống động và rất nhiều trải nghiệm định hình danh tính nghệ thuật. Đầu tiên, đó là cơ hội được gặp và học tập với những nghệ sĩ, giảng viên, giáo sư tầm vóc thế giới, họ rất nhiệt tình chỉ dẫn sinh viên. Môi trường đó luôn khuyến khích chị đặt câu hỏi. "Điều đó có lẽ quan trọng không kém gì việc tìm được câu trả lời", chị nói.

Cũng tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia, chị cho biết bản thân không bị gò ép phải trở thành một nghệ sĩ như thế nào, theo đuổi một hình thái nghệ thuật ra sao. Chị có không gian để thử nghiệm, va chạm với nhiều môi trường khác nhau: sân khấu, đào tạo, sản xuất... và được phép khác biệt. Ngoài ra, không kém phần quan trọng là môi trường nghệ thuật nhiều màu sắc của London, với hàng chục đêm diễn mỗi tuần, và rất nhiều các hoạt động nghệ thuật khác, là nơi ươm dưỡng tối ưu cho mọi ước mơ dù là viển vông nhất của một nghệ sĩ trẻ như chị lúc ấy. "Everything is possible, tôi luôn có cảm giác rằng mọi thứ đều có thể", Quán quân giải thưởng Alumni 2021-2022 cho hay.

Mặt khác, sinh viên tại Anh trong ngành âm nhạc được đào tạo với một tâm thế rất mở. Sự bài bản và tính truyền thống được coi trọng ngang như tính đột phá và sự sáng tạo. Ở một chuyên ngành mà có lẽ mọi người nghĩ rằng có rất ít những điên rồ hay táo bạo - Trang Trịnh lại thấy rằng sinh viên được khuyến khích để liên tục tạo ra những điều mới lạ.

"Tất nhiên, đòi hỏi về việc chơi cho thật hay những tác phẩm như Beethoven Sonata là điều không phải bàn cãi. Nhưng tôi sẽ không bị cười nhạo nếu bỗng đặt câu hỏi 'liệu Beethoven có thể được trình diễn theo một cách mới hay không?'. Và sự thất bại có thể là điểm khởi đầu hoàn hảo cho một cá tính nghệ thuật", Trang Trịnh nhấn mạnh.

Quán quân giải thưởng Alumni 2021-2022 cũng không quên gửi lời nhắn nhủ tới những sinh viên đang quan tâm tới cơ hội học tập tại Anh. Chị cho rằng các bạn trẻ sẽ có rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời. "Các bạn hãy chuẩn bị sức khỏe tốt và tâm thế mở, bởi có quá nhiều kho báu về kiến thức và trải nghiệm mà bạn có thể tìm thấy tại đây. Câu hỏi sẽ không phải là đi đâu để tìm điều này', mà sẽ là 'biết chọn chỗ nào trong số những nơi có điều này", nữ nghệ sĩ Piano chia sẻ.

Nguyễn Phượng