Ngành nào có lợi thế sau đại dịch Covid-19?

Công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, sản xuất dược phẩm, bán lẻ, du lịch,... là những ngành nghề có cơ hội phát triển sớm hơn các ngành nghề khác sau đại dịch Covid-19.

Sự kiện trực tuyến Open Talks #3 với chủ đề "'Mặt trời' ló dạng nơi đâu?" do Hội doanh nhân trẻ TP.HCM vừa tổ chức với hơn 1.000 người tham gia, phần lớn là các doanh nhân. Chương trình xoay quanh việc bàn luận về các lĩnh vực, ngành nghề sẽ giành lợi thế và cách tăng tốc cho doanh nghiệp trong một trật tự thị trường mới.

Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch FPT Telecom - cho biết theo thống kê mới nhất, hiện có 69% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, 16% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và chỉ 15% doanh nghiệp hoạt động bình thường. "Cơ hội chính của doanh nghiệp là từ đại dịch Covid-19", ông nói.

Công nghệ, chuyển đổi số là cốt lõi của sự phát triển doanh nghiệp

Ông Tiến thừa nhận hiện nay ảnh hưởng của tình hình thế giới đối với Việt Nam rất nặng nề. "Nếu như trước đây đặt hàng hóa, thiết bị về Việt Nam chỉ mất 3-4 tuần thì nay tăng lên 8 tuần và có thể hơn. Đặc biệt hàng hoạt các thiết bị công nghệ cao không có cam kết có thời hạn chuyển về Việt Nam", ông nói.

Chính vì vậy, Chủ tịch FPT Telecom cho biết bản thân doanh nghiệp không chỉ lỡ hẹn với khách hàng mà còn chậm trễ trong việc xây dựng các hệ thống. Chưa kể, các chuyên gia nước ngoài cũng gặp khó khăn khi đến Việt Nam.

"Hàng loạt doanh nghiệp FDI đang chuyển hợp đồng sang các quốc gia khác dẫn đến nhiều công ty khác cũng có tâm lý e ngại khi vào Việt Nam", ông Tiến nói và cho biết hiện nay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 nhưng nhiều địa phương lại có các chính sách khác nhau gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, thời điểm này cả người dân lẫn doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề. "Chính quyền đã từng bước nới lỏng giãn cách nhưng họ vẫn luôn lo ngại dịch bệnh quay trở lại", ông chia sẻ.

Theo ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị Tiki, các doanh nghiệp trong ngành công nghệ số, công nghệ thông tin, digital sẽ là những ngành nghề hồi phục nhanh sau đại dịch. "Dù online hay offline nhưng có tỷ trọng chuyển đổi số, áp dụng công nghệ càng nhiều thì khả năng phục hồi của doanh nghiệp càng lớn", ông Sơn nhìn nhận.

Tuy nhiên, CEO Tiki lưu ý doanh nghiệp không phải thay đổi tầm nhìn, chiến lược định hướng kinh doanh mà là linh hoạt, thích ứng hoàn cảnh. "Đối với ngành bán lẻ, trong tương lai xu hướng của khách hàng sẽ ưu tiên vấn đề tiện lợi, an toàn, giá cả phải chăng. Do đó, doanh nghiệp phải tìm cách tối ưu hóa, dùng công nghệ để tiết kiệm chi phí...", ông Sơn nhìn nhận.

Tương tự, ông Hoàng Nam Tiến cũng cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay những doanh nghiệp ứng dụng kịp thời công nghệ sẽ nhanh chóng trở thành "doanh nghiệp xanh". "Kể cả những thời điểm gặp tình huống, người đứng đầu cũng sẽ quản trị được doanh nghiệp của mình và sẽ tiếp tục hoạt động", ông nói.

Đặc biệt, theo ông Tiến, văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo cũng là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có thể phát triển nhanh hơn trong thời kỳ mới. "Cần phải suy nghĩ không cũ về những vấn đề không mới", ông nhấn mạnh.

"Những doanh nghiệp thuộc 4 ngành nghề gồm: Công nghệ thông tin; Chăm sóc sức khỏe, sản xuất dược phẩm; Bán lẻ; Du lịch sẽ có cơ hội phát triển sớm hơn các ngành nghề khác sau đại dịch Covid-19", ông Tiến đánh giá.

Theo ông Tiến, hiện nay tốc độ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin sẽ quyết định sự chiến thắng của doanh nghiệp.

Sức mạnh "tăng tốc" của doanh nghiệp đến từ đâu?

Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Phiên - Phó tổng giám đốc Đầu tư và Tài Chính NovaGroup - cho rằng ở mỗi doanh nghiệp đều có những khó khăn riêng.

"Chúng tôi xác định 2 mục tiêu, trước hết phải chuyển đổi về mặt công nghệ tăng tính linh hoạt cho doanh nghiệp để đối phó với những thay đổi mới. Đồng thời cố gắng cộng sinh với các doanh nghiệp khác như trở thành đối tác chiến lược hoặc cổ đông của nhau để tận dụng lợi thế và giảm bớt quy trình", ông nói.

nghe loi the sau dich anh 2

Những doanh nghiệp kịp thời ứng dụng công nghệ sẽ nhanh chóng trở thành "doanh nghiệp xanh". Ảnh: Đức Anh.

Về vấn đề lao động, ông Phiên cho rằng những lực lượng đã về quê sẽ sớm quay trở lại TP.HCM. Bởi hiện này cơ hội việc làm đối với những lao động ở các tỉnh miền Tây, miền Bắc không nhiều, hơn nữa các nhà máy, cơ sở kinh doanh ở các tỉnh cũng chưa đủ khả năng để tiếp nhận một lượng lớn lao động.

"Do đó, trong 1-2 tháng tới hoặc chậm nhất là sau Tết Nguyên đán, lực lượng lao động này sẽ quay trở lại TP.HCM, Bình Dương, Long An...", ông Phiên nhận định.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, CEO Tiki đánh giá đây là những đơn vị rất nhanh nhạy trong việc chuyển đổi số. "Hiện nay có rất nhiều cách để các doanh nghiệp này xoay xở, đặc biệt là tận dụng các hệ sinh thái, công cụ bán hàng online có sẵn để phát triển nhanh hơn", ông chia sẻ.

Theo ông Sơn, bất kể doanh nghiệp nào cũng phải ưu tiên tăng cường năng lực, khả năng phục vụ. Còn lãnh đạo NovaGroup cho rằng doanh nghiệp cũng cần đề ra chiến lược tập trung phát triển theo hệ sinh thái đa ngành để các đơn vị hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Doanh nghiệp dịch vụ ở TP.HCM vẫn ngại mở lại

Mặc dù được phép mở cửa trở lại, các doanh nghiệp cho biết vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc tái hoạt động, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Cập nhật tình hình Covid-19

Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh Hôm nay Tổng số ca