Mua hàng thật, nhận đồ giả: Nhức nhối nạn lừa đảo trên chợ mạng

TPO - Theo cơ quan chức năng, mặc dù có đầy đủ quy định pháp luật và mức xử lý hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng giống như không gian thật; nhưng pháp luật chưa theo kịp thực tế vi phạm ở các “chợ ảo” này.

Ngày 9/12, tại hội thảo: “Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phòng chống hàng giả”, ông Trần Văn Dũng - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) - cho biết, những thời điểm như cuối năm, cận Tết, đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu có dấu hiệu tăng cao. Trong đó, môi trường kinh doanh hàng giả - nhái, hàng lậu trong môi trường thương mại điện tử cũng tăng.

Mua hàng thật, nhận đồ giả: Nhức nhối nạn lừa đảo trên chợ mạng ảnh 1

Hội thảo về hàng giả, hàng nhái diễn ra tại TPHCM

Trên không gian mạng, người bán và người mua không tiếp xúc nhau. Có tình trạng hình ảnh rao bán là hàng thật nhưng hàng giao cho khách lại là giả.

“Nhiều đối tượng đăng bán trên mạng rất nhiều sản phẩm nhưng thực tế kiểm tra chỉ là buôn bán nhỏ lẻ, tại hiện trường chỉ có vài trăm sản phẩm. Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi cũng đã phát hiện những kho hàng giả quy mô lớn như kho hàng ở Nam Định, Thanh Hóa, Tuyên Quang... trị giá lên tới hàng chục tỷ đồng. Đa số các vụ việc này đều bị lực lượng kiểm tra phát hiện khi lần theo các mối bán hàng trên mạng” – ông Dũng nói.

Theo ông Trần Giang Khuê - Trưởng văn phòng đại diện phía Nam Cục Sở hữu trí tuệ, mức phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm kinh doanh hàng giả còn quá thấp (tối đa 250 triệu đồng đối với cá nhân, tối đa 500 triệu đồng đối với tổ chức), trong khi đối tượng kinh doanh hàng giả thu siêu lợi nhuận.

“Hiện nay đã có đầy đủ quy định pháp luật và mức xử lý vi phạm đối với kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Việc xử lý vi phạm trên không gian mạng giống vi phạm ở không gian thật. Tuy nhiên, pháp luật chưa theo kịp thực tế vi phạm trên không gian mạng” – ông Khuê cho hay.

Mua hàng thật, nhận đồ giả: Nhức nhối nạn lừa đảo trên chợ mạng ảnh 2

Đa số các sản phẩm bán chạy đều có nguy cơ bị làm nhái, giả

Ở góc độ đơn vị sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Ngọc Tý - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn - cho rằng, hàng giả là vấn đề nan giải, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan thực thi pháp luật. Nhiều sàn thương mại điện tử vừa bán hàng thật, vừa bán hàng giả gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, niềm tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc xử lý kinh doanh hàng giả trên không gian mạng vẫn còn nhiều bất cập.

"Sản xuất, kinh doanh hàng giả siêu lợi nhuận nhưng mức phạt quá thấp, mức phạt 500 triệu đồng không đủ ăn thua nên nhiều người vẫn bất chấp. Ngoài ra, có những cơ sở sản xuất hàng giả nhưng cơ quan thực thi pháp luật xử lý vi phạm kéo dài, đối tượng ngang nhiên tiếp tục sản xuất hàng giả” – ông Tý bức xúc.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong thời gian tới có khoảng 50% các vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra trên môi trường Internet, cụ thể là thương mại điện tử. Công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái đang đứng trước nhiều thách thức mới, từ cách tiếp cận vấn đề, xây dựng hàng lang pháp lý, chính sách cho đến biện pháp điều tra, xử lý vi phạm…

Chuyên gia chống hàng giả Vina CHG Nguyễn Viết Hồng nhìn nhận, hàng giả, hàng nhái ngày càng được sản xuất tinh vi nên rất cần có phần mềm để truy vết, nhận diện trên sản phẩm. Cuộc chiến phòng, chống hàng giả, hàng nhái là vấn nạn nhức nhối, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, thất thu thuế, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi đầu tư vào Việt Nam.

"Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt phòng chống, xử lý hàng giả trên môi trường mạng nhưng vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý các vi phạm hiệu quả" - ông Hồng nói.