Một số người TP.HCM hiểu nhầm gói hỗ trợ là 'ai cũng được hưởng'

"Quá trình giám sát, chúng tôi thấy có trường hợp không quá khó khăn nhưng vẫn nhận hỗ trợ vì người dân nghĩ rằng đây là tiêu chuẩn ai cũng được hưởng", bà Tô Thị Bích Châu nói.

Nội dung trên được Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Tô Thị Bích Châu chia sẻ tại chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 15/10. Tại chương trình, các câu hỏi về an sinh xã hội và hỗ trợ y tế trong tình hình mới được đưa ra để giải đáp.

Không có trong danh sách hỗ trợ vì không đăng ký tạm trú?

Chủ đề an sinh xã hội tiếp tục nóng khi nhiều người dân phản ánh việc chưa thể tiếp cận gói hỗ trợ 1 triệu đồng/người của TP. Một số người dân đặt câu hỏi về tiêu chí nhận hỗ trợ.

Trả lời, bà Tô Thị Bích Châu cho biết các gói an sinh để hỗ trợ người dân được triển khai từ lâu, qua nhiều đợt nên chính quyền phường, xã, khu phố đã nắm được danh sách hộ dân khó khăn trên địa bàn. Tuy nhiên, người dân phải đăng ký tạm trú, tạm vắng thì tổ trưởng dân phố mới có thể ghi danh sách.

"Một số người chưa có tên trong danh sách nhận hỗ trợ có thể do chưa đăng ký tạm trú, tạm vắng. Còn nếu người dân thực sự khó khăn thì chắc chắn có trong danh sách nhận hỗ trợ của tổ dân phố, phường, xã", bà Châu nói.

goi an sinh xa hoi o TP.HCM anh 1

Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu và Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng trả lời câu hỏi của người dân tại chương trình tối 15/10. Ảnh: HMC.

Với vai trò giám sát việc thực hiện các gói hỗ trợ ở địa phương, bà Châu cho rằng có những trường hợp chưa thực sự khó khăn nhưng vẫn được nhận hỗ trợ vì người dân đăng ký và nghĩ rằng "đây là tiêu chuẩn và chế độ ai cũng được hưởng", trong khi thực tế không phải vậy.

Bà nhấn mạnh việc hỗ trợ nhằm san sẻ với người dân thực sự khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài, nhưng chỉ hỗ trợ cho những ai thực sự cần.

Về lo lắng khi có thông tin gói hỗ trợ lần 3 của TP.HCM sẽ kết thúc vào ngày 15/10, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết việc đưa ra mốc thời gian nhằm đôn đốc địa phương đặc biệt phường, xã, thị trấn lập và thẩm định danh sách nhanh chóng.

"Với thời gian ngắn phải làm với số lượng nhiều nên một số người có trong danh sách đã được thẩm định nhưng chưa được hỗ trợ. MTTQ đã và đang tổ chức các đợt giám sát ở nơi có nhiều người dân phản ánh, đồng thời kiến nghị chính quyền đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ", bà Tô Thị Bích Châu nói và cho biết ngoài khoản hỗ trợ tiền mặt, MTTQ duy trì việc hỗ trợ túi an sinh những ngày tới.

Vì sao số ca mắc ở TP.HCM tăng?

Về việc số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM ngày 15/10 tăng nhẹ so với những ngày trước đó, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết nguyên nhân là những ngày qua, nhiều bệnh viện của quận, huyện trở lại trạng thái ban đầu để khám chữa bệnh cho người dân. Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở các bệnh viện này khi chuyển đến bệnh viện dã chiến sẽ được tính vào số ca nhập viện.

"Số ca nhập viện tăng là 'ảo' chứ không phải trường hợp mắc mới", ông Thượng nói.

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, số ca nhiễm tại địa phương giảm dần trong vòng 14 ngày qua, giảm khoảng 1.000-1.500 ca so với hồi tháng 8 và tháng 9. Đồng thời, số người được ra viện hàng ngày luôn cao hơn số nhập viện, số ca bệnh mới phải thở máy cũng giảm rõ rệt, dao động dưới 500 ca/ngày.

Hai ngày gần đây, số ca bệnh tử vong cũng ở ngưỡng trung bình 61 trường hợp, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua.

Ông Thượng cho biết theo các tiêu chí được quy định trong Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch bệnh, TP.HCM đang ở vùng cam và một vài ngày tới, địa phương có thể chuyển qua vùng vàng nếu tình hình khả quan.

"Mức độ nguy cơ về dịch bệnh ở TP.HCM thay đổi theo từng ngày nên chúng tôi đang yêu cầu các quận, huyện hàng tuần đánh giá lại tùy theo số ca mắc mới", Giám đốc Sở Y tế TP nói và cho biết việc đánh giá thường xuyên sẽ thuận lợi cho người dân khi lưu thông đến khu vực, địa bàn khác.

goi an sinh xa hoi o TP.HCM anh 2

Số liệu về y tế tại TP.HCM tính đến ngày 15/10. Ảnh: HMC.

Trả lời câu hỏi về kế hoạch thích ứng với dịch bệnh để vừa khôi phục kinh tế vừa chống dịch thời gian tới, ông Tăng Chí Thượng cho biết nhiều người dân đang hiểu nhầm khi cho rằng TP đã ở giai đoạn bình thường mới. Thực tế, địa phương mới chỉ ở mức kiểm soát được dịch và giảm mức độ nguy cơ từ cấp 4 xuống cấp 3.

Thời gian tới, nếu người dân thực hiện tốt 5K và kế hoạch tiêm vaccine tiếp tục đạt tiến độ, TP sẽ bước sang giai đoạn 2 rồi mới tiến đến bình thường mới.

Để thích ứng an toàn với dịch bệnh, địa phương sẽ duy trì hình thức tầm soát ngẫu nhiên ở nơi nguy cơ như trường học, bệnh viện, siêu thị. Trung tâm y tế các quận, huyện hoặc HCDC sẽ thực hiện việc này bằng cách xét nghiệm ngẫu nhiên 10-20% người đang làm việc trong cùng cơ quan, thay vì xét nghiệm tầm soát hàng loạt như trước đây

Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất cũng phải tổ chức xét nghiệm khi phát hiện nhân viên nào có triệu chứng nghi ngờ.

Doanh nghiệp du lịch than thở vì 'đi đâu cũng xét nghiệm, cách ly'

Chính phủ yêu cầu thích ứng an toàn với dịch nhưng nhiều địa phương áp dụng không đồng bộ, việc di chuyển giữa các vùng khó khăn.

TP.HCM sắp mở lại hoạt động du lịch liên tỉnh

TP.HCM chia 3 giai đoạn trong kế hoạch phục hồi ngành du lịch từ nay đến năm 2022. Đến tháng 11, du lịch liên tỉnh được khôi phục.

Cập nhật tình hình Covid-19

Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh Hôm nay Tổng số ca