Mã QR được ứng dụng trong số hóa thủ tục hành chính như thế nào?

Tiện ích của mã QR (QR code) được nhiều đơn vị, cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt và áp dụng trong hoạt động quản lý điều hành, đặc biệt là niêm yết, công khai thông tin.
Zalo anh 1

Dùng mã QR trong hoạt động hành chính hiện là xu hướng chung, đặc biệt ở các lĩnh vực người dân có nhu cầu cao như nhân thân, cấp CCCD, đăng ký ôtô - xe máy, đất đai, BHXH… Tại mỗi địa phương, tùy điều kiện và tình hình thực tế, tiện ích của mã QR được vận dụng linh hoạt, phổ biến rộng rãi nhờ những hoạt động truyền thông, hướng dẫn thông qua tài khoản Zalo của các đơn vị, hướng đến mục tiêu ứng dụng công nghệ mới trong chuyển đổi số.

Giải quyết TTHC trên môi trường điện tử

Đến bộ phận một cửa của Công an xã Phương Sơn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) để thực hiện thủ tục xóa đăng ký thường trú cho người nhà, ông Đỗ Đình Hạ (1954, thôn Kèn) ấn tượng và có thiện cảm với căn phòng tuy nhỏ song được bài trí gọn gàng, đặc biệt là danh sách mã QR thủ tục hành chính được in và niêm yết tại đây.

Mỗi mã QR niêm yết tương ứng với một lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC). Sau đó, ông Hạ được Thượng úy Nguyễn Văn Hoàng, Phó trưởng công an xã đón tiếp, hướng dẫn tận tình. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, thủ tục của ông Hạ đã xong.

Không chỉ riêng xã Phương Sơn, hiện mô hình ứng dụng mã QR để niêm yết TTHC được được công an tỉnh Bắc Giang triển khai đến tất cả phòng chức năng, công an thành phố, huyện và 209 công an cấp xã. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết TTHC, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Zalo anh 2

Người dân khi đến làm việc dễ dàng sử dụng Zalo để quét các mã QR được niêm yết. Ảnh: Công an xã Phương Sơn.

Tại các đơn vị, cán bộ tiếp nhận, giải quyết hàng chục thủ tục liên quan đến lĩnh vực: Xuất nhập cảnh: khiếu nại, tố cáo; phòng cháy, chữa cháy; đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý CCCD... Những mã QR tương đương từng lĩnh vực được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa, đồng thời với mỗi TTHC sẽ có thêm 1 mã QR để khảo sát sự hài lòng. Người dân khi đến được cán bộ trực ban hướng dẫn và giải quyết trong ngày.

Ngoài ra, các nội dung tiếp nhận phản ánh, hướng dẫn quét, sử dụng mã QR để tra cứu TTHC cũng được bộ phận phụ trách biên tập thành tin bài và gửi đến người dân trên địa bàn qua tài khoản Zalo Công an tỉnh Bắc Giang, tài khoản Zalo công an huyện, xã.

Công an xã Phương Sơn cho biết, mỗi ngày bộ phận một cửa của đơn vị đón tiếp hàng chục công dân đến giải quyết TTHC. Cán bộ làm nhiệm vụ ở đây đều là những người có năng lực, thành thạo về tin học, công nghệ mới.

“Dù lực lượng mỏng lại phải bảo đảm thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc nhưng để nâng cao chất lượng phục vụ, công an xã cắt cử 2 đồng chí trực vào giờ hành chính từ thứ hai đến thứ bảy”, đại diện Công an xã Phương Sơn thông tin.

Zalo anh 6

Cán bộ Công an xã Phương Sơn (Lục Nam) hướng dẫn công dân giải quyết TTHC. Ảnh: Công an xã Phương Sơn.

Trung tá Nguyễn Văn Hùng - Phó trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Bắc Giang - chia sẻ: "Mô hình CCHC ở công an cấp xã bản chất là tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền theo cơ chế một cửa tại cơ sở. Đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đẩy mạnh kết quả giải quyết TTHC trên môi trường điện tử".

Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Hùng, dù mới thực hiện song mô hình này đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân, tổ chức cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Hình thành thói quen quét QR cho người dân

Sự phổ biến rộng rãi của mã QR trong vài năm trở lại đây không thể không nhắc đến đóng góp lớn của các cơ quan hành chính nhà nước khi nhanh nhạy nắm bắt, chủ động ứng dụng vào hoạt động của đơn vị. Đồng thời, tích cực truyền thông, tuyên truyền rộng rãi thông qua nhiều hình thức.

Không ít người dân đến các đơn vị hành chính làm việc đã đi từ ngạc nhiên đến quen thuộc với hình ảnh mã QR tra cứu TTHC, mã QR giới thiệu tài khoản Zalo của đơn vị được in trên tờ rơi, standee hoặc banner lớn với đủ thông tin, hướng dẫn chi tiết để người dân dễ dàng thao tác.

Đơn cử, tại Cao Bằng công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an xã dán tờ rơi các mã QR trang Zalo của công an tỉnh tại trụ sở công an xã, trụ sở UBND xã và nhà văn hóa thôn, xóm… để người dân quét mã, quan tâm và nhận thông tin hoạt động của đơn vị. Tương tự, tại huyện Bến Cát (Bình Dương), các mã QR truy cập Zalo Công an thị xã Bến Cát cũng được niêm yết tại các điểm tiếp dân, trụ sở các đơn vị công an các địa phương, đồn công an khu công nghiệp…

Tại tỉnh Bình Định, thông tin giới thiệu Zalo Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định và mã QR của trang cũng được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này đầu tư kỹ, in thành banner lớn và đặt ngay cổng ra vào trụ sở.

Còn tại Bình Phước, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đề nghị trung tâm phục vụ hành chính công và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện niêm yết mã QR của trang Zalo Bình Phước Today tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp tỉnh, huyện, xã. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp quét mã QR và theo dõi trang để nhận được tin nhắn kết quả giải quyết TTHC.

“Các đơn vị, bộ phận, công chức, viên chức tham gia giải quyết TTHC quét mã QR và theo dõi OA Zalo Bình Phước Today để nhận được tin nhắn khi có hồ sơ phát sinh”,tài khoản Zalo Bình Phước Today thông tin.

Zalo anh 12

Công an quận 12 hướng dẫn người dân quét QR quan tâm trang Zalo của quận. Ảnh: Hà Linh.

Trên cơ sở ứng dụng mã QR, người dân có thể tra cứu thông tin của một thủ tục bất kỳ để chuẩn bị trước, hạn chế việc phải bổ sung hồ sơ nhiều lần dẫn đến giải quyết chậm trễ. Mặt khác, người dân cũng tiết kiệm thời gian, công sức đi lại.

Tự nhận bản thân không rành về công nghệ, nhưng chỉ sau 1 vài lần được cán bộ hướng dẫn, ông Hồ Trung Nam (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM) đã có thể sử dụng thành thục Zalo để quét QR để truy cập trang Zalo của quận. “Lúc đầu tôi cũng hơi lúng túng, nghe người ta nói QR nhưng cũng không hiểu là gì, sử dụng ra sao, có an toàn không. Giờ thành thói quen, cứ thấy chỗ nào yêu cầu thì mình cứ mở điện thoại ra quét QR thôi”, ông Nam nói.

Với những lợi ích vượt trội, mã QR đang dần trở thành xu hướng được ưu tiên lựa chọn khi giúp quá trình tìm hiểu, tiếp cận TTHC liên quan trực tiếp đến từng ngành nghề, lĩnh vực diễn ra nhanh, dễ dàng hơn. Mặt khác, các thủ tục khi được công khai minh bạch cũng giúp chất lượng, năng suất giải quyết TTHC của cơ quan nhà nước được nâng cao.

Mã QR ra đời năm 1994, viết tắt của quick response code (mã phản hồi nhanh). Lưu trữ được nhiều thông tin hơn mã vạch, hiện nay mã QR được sử dụng rộng rãi trong thương mại (quảng cáo, giới thiệu sản phẩm...), y tế (thanh toán bảo hiểm, quản lý bệnh nhân...), văn hóa, du lịch (tra cứu thông tin...), ngân hàng (thanh toán...), hành chính nhà nước (điều tra, khảo sát, tra cứu thông tin, nhận kết quả TTHC...), lĩnh vực khác (tổ chức hội nghị hội thảo, sự kiện; đăng nhập vào các ứng dụng, quản lý kho...).

Người dùng có thể dùng điện thoại thông minh (có cài ứng dụng Zalo) quét mã QR để xem một nội dung/thông tin nào đó hoặc để truy cập vào một địa chỉ cụ thể trên Internet (địa chỉ này có thể liên kết tới các file tài liệu, thư mục trực tuyến, website thủ tục hành chính công...)