Lý do Kpop chuộng mô hình nhóm nhạc đông thành viên

Để đáp ứng sở thích đa dạng của công chúng, các công ty giải trí Hàn Quốc ngày càng cho ra mắt nhiều nhóm nhạc với thành viên đông đảo hơn.

"Với nhiều thành viên như này, chắc chắn trong số họ có ít nhất một người hợp gu bạn", Korea JoongAng Daily trích dẫn câu nói được sử dụng rộng rãi tại cộng đồng người hâm mộ Kpop.

Cách nói này ra đời khi người hâm mộ nhận thấy số lượng thành viên trung bình của nhóm nhạc thần tượng đang có xu hướng gia tăng. Với thần tượng Kpop thế hệ đầu và thế hệ hai - tập hợp nghệ sĩ ra mắt trong khoảng từ cuối những năm 1990 đến đầu năm 2010 - 5 thành viên từng là con số tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, ngày nay, phần lớn nhóm nhạc thần tượng ra mắt với đội hình chứa ít nhất 6, 7 thành viên, bên cạnh một số trường hợp ngoại lệ như nhóm nữ 4 thành viên BlackPink, aespa hay nhóm nam 5 thành viên TXT.

Có thể thấy, nhóm nhạc Kpop sở hữu trên 10 thành viên - điều từng khiến công chúng xôn xao - giờ không còn là chuyện hiếm. NCT, nhóm nhạc Kpop đông người nhất hiện nay, có tổng số thành viên lên tới 23 người.

Nguyên nhân nhóm nhạc Kpop đông thành viên

Nhóm nhạc Kpop thời kỳ đầu chủ yếu có ít thành viên. Năm 1996, H.O.T - nhóm thần tượng nam đầu tiên của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc - ra mắt với đội hình 5 người. Tương tự, S.E.S, nhóm nữ đầu tiên trong Kpop, được giới thiệu tới công chúng vào năm 1997 dưới tư cách nhóm nhạc 3 thành viên.

Nối tiếp sau đó là sự xuất hiện của Fin.K.L (nhóm nữ 4 thành viên), g.o.d (nhóm nam 5 thành viên) và Baby VOX (nhóm nữ 5 thành viên). Các nhóm nhạc tập hợp trên 5 người như Shinhwa và Sech Kies là trường hợp hiếm tại thời điểm đó.

Với thần tượng Kpop thế hệ hai - cụm từ chỉ nghệ sĩ ra mắt từ giữa những năm 2000 đến đầu những năm 2010 - mô hình nhóm nhạc 5 thành viên trở thành công thức tiêu chuẩn. Hầu hết nhóm thần tượng Kpop thế hệ hai, điển hình như DBSK, SS501, Big Bang, Wonder Girls, Kara, F.T.Island, SHINee, f(x), có màn debut với đội hình 5 người. Dù Super Junior ra mắt cùng 12 thành viên vào năm 2005, ban đầu, họ chỉ là nhóm nhạc dự án dự kiến hoạt động trong 3 tháng.

Khi SNSD có màn debut với 9 người vào năm 2009, số lượng thành viên trong nhóm lập tức trở thành chủ đề nóng. Việc học thuộc, kể tên cả 9 thành viên từng được coi như cách thức thú vị để một người chứng minh bản thân "biết cập nhật xu hướng".

Bên cạnh loạt hit đình đám, SNSD còn gây dựng được cộng đồng người hâm mộ đông đảo bằng cách tích cực xuất hiện trên sóng truyền hình. Mỗi thành viên được cử tham gia một vài chương trình thực tế khác nhau. Theo Korea JoongAng Daily, thành công vang dội của SNSD đã chứng minh hiệu quả của chiến lược "nhóm nhạc đông thành viên".

Xu hướng nhóm nhạc đông người đạt cao trào vào năm 2012, khi nhóm nhạc nam EXO ra mắt cùng 12 thành viên, gây bất ngờ cho người hâm mộ Kpop. Ban đầu, nhiều khán giả bày tỏ sự tò mò về cách công ty chủ quản dự định sắp xếp đội hình, từ phân chia phần hát tới cách 12 người nhảy, phối hợp trên sân khấu. Nhiều ý kiến cho rằng việc sở hữu "quá nhiều thành viên" có thể khiến màn trình diễn của EXO trở nên lộn xộn, kỳ lạ và mất tập trung.

Tuy nhiên, sau khi EXO vươn lên thành một trong số nhóm nhạc nổi tiếng nhất Hàn Quốc, qua đó khiến câu nói "chắc chắn trong số họ có ít nhất một người hợp gu bạn" trở nên phổ biến. Ý tưởng thành lập nhóm nhạc đông thành viên bắt đầu được ghi nhận rộng rãi tại giới giải trí Hàn Quốc.

"Họ không rõ công chúng thích gì, nên họ chuẩn bị tất cả mọi thứ", Korea JoongAng Daily trích dẫn điều người hâm mộ Kpop thường nói khi bàn luận lý do công ty giải trí bắt đầu đưa càng nhiều thành viên vào trong một nhóm nhạc càng tốt.

Tại thời điểm ngành công nghiệp thần tượng tiến vào giai đoạn bão hòa với hàng chục nhóm nhạc ra mắt chỉ trong một tháng, việc thu hút sự chú ý của khán giả và biến họ thành người hâm mộ đã trở thành cuộc cạnh tranh đầy gay gắt.

Giải pháp được công ty giải trí Hàn Quốc đưa ra là đáp ứng tối đa sự đa dạng trong sở thích cá nhân. Đông thành viên đồng nghĩa với sẽ có nhiều kiểu ngoại hình, tính cách, tài năng khác nhau cùng tụ hợp trong một nhóm nhạc.

Đặc biệt, khi khán giả bắt đầu dành sự yêu thích cho một thành viên trong nhóm, họ có xu hướng trở thành người hâm mộ của cả nhóm - điều giúp mang lại lợi ích không nhỏ.

Sau khi nhóm nhạc 13 thành viên Seventeen ra mắt vào năm 2015, nhóm thần tượng sở hữu hơn 10 thành viên không còn gây bất ngờ cho công chúng.

Sự xuất hiện của thành viên người ngoại quốc

Ngày nay, đa phần nhóm nhạc Kpop đông người sở hữu thành viên ngoại quốc.

Đó là vì đối tượng khán giả của ngành công nghiệp này không còn gói gọn trong khu vực Hàn Quốc. Để đạt mục tiêu phát triển trên quy mô toàn cầu, nhiều công ty giải trí bắt đầu tuyển chọn thực tập sinh người nước ngoài. Họ nhận ra một trong số cách thức phổ biến và hiệu quả nhất để tiếp cận khán giả ngoại quốc là cho ra mắt nhóm nhạc có chứa thành viên không phải người Hàn Quốc.

Điều này bắt đầu được thực hiện từ khi thế hệ 2 tại Kpop mở ra, với sự xuất hiện của nam ca sĩ người Mỹ gốc Thái Nichkhun (2PM), hai nữ ca sĩ người Trung Quốc Jia và Fei (Miss A).

Một nhân viên làm việc tại công ty giải trí Hàn Quốc chia sẻ cùng Korea JoongAng Daily: "Khi thị trường nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng với thần tượng Kpop, họ cần làm hài lòng người hâm mộ từ nhiều quốc gia và nền văn hóa khác nhau. Điều đó khiến công ty giải trí quyết định bổ sung thành viên có khả năng thu hút khán giả của các nền văn hóa khác nhau - thường sẽ là người đến từ chính quốc gia đó".

Vô hình trung, việc tăng cường tuyển chọn thành viên ngoại quốc để nhóm nhạc Kpop trở nên đa dạng hơn đã dẫn đến gia tăng số lượng thành viên trong một nhóm.

Ngày nay, rất khó để người hâm mộ Kpop bắt gặp nhóm nhạc chỉ có thành viên người Hàn Quốc. Quốc tịch của thần tượng Kpop ngày càng trở nên đa dạng. Tại Kpop xuất hiện thần tượng người Thái, người Trung Quốc, người Nhật, người Mỹ, hay thậm chí là người Indonesia và người Việt Nam. Một số cái tên phổ biến có thể kể đến Lisa (BlackPink), Bambam (GOT7), Momo, Mina, Sana (TWICE), Yuta (NCT), Victoria (f(x))... Sự góp mặt của họ đã góp phần lớn giúp gia tăng độ nổi tiếng của nhóm tại quê nhà.

Quan điểm của người hâm mộ

Thời kỳ đầu, khi nhóm nhạc đông thành viên ra mắt, họ thường xuyên phải đối mặt với lời chế giễu từ công chúng. Khán giả phàn nàn rằng rất khó để nhớ hết tên các thành viên.

Tuy nhiên, sau khi họ thành công, gây dựng cộng đồng người hâm mộ trung thành nhờ âm nhạc và màn trình diễn chất lượng, fan không chỉ chấp nhận đội hình đông đảo thành viên, mà còn coi điều này như nét đặc trưng riêng của nhóm.

Đặc biệt, nhiều người hâm mộ bày tỏ sự thích thú trước màn vũ đạo đẹp mắt, được dàn dựng công phu mà chỉ nhóm nhạc đông thành viên mới có thể thực hiện. Công chúng dành lời khen ngợi cho nhiều nhóm nhạc như EXO, WJSN, The Boyz, IZ*ONE vì đã tận dụng tốt đội hình của họ để đem đến màn trình diễn hoành tráng, ấn tượng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ ra rằng mô hình nhóm nhạc thần tượng đông người có thể dẫn đến xích mích trong chính cộng đồng người hâm mộ nhóm. Một trong số cuộc tranh cãi phổ biến nhất ngày nay giữa fan Kpop là về cách công ty phân chia phần hát cho các thành viên.

Với đội hình lên tới hơn chục người, việc 1, 2 thành viên chỉ được hát vỏn vẹn vài giây trong cả ca khúc không còn là điều hiếm gặp tại Kpop. Điều này sẽ khiến người hâm mộ của ca sĩ đó cảm thấy giận dữ, cho rằng thần tượng của mình bị đối xử bất công, thậm chí nảy sinh sự ghét bỏ với các thành viên được hát nhiều hơn, hoặc có nhiều thời lượng lên hình hơn.

Dù vậy, xu hướng cho ra mắt nhóm nhạc đông thành viên tại Kpop dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

CLASS:y, nhóm nhạc chiến thắng của chương trình thi đấu âm nhạc My Teenage Girls, sẽ ra mắt với đội hình 7 thành viên vào tháng 4. Cũng trong tháng này, nhóm nhạc nữ 6 thành viên ILY:1 dự định phát hành ca khúc đầu tay. Mới đây, Brand New Music công bố thông tin về YOUNITE, nhóm nhạc 9 thành viên có sự góp mặt của thực tập sinh Lee Eun Sang. SM Entertainment đồng thời cho biết họ có kế hoạch bổ sung thành viên mới cho NCT mà không có giới hạn cụ thể.

Quan sát danh sách nhóm nhạc thần tượng chuẩn bị ra mắt trong năm 2022, Korea JoongAng Daily nhận định rằng mô hình nhóm nhạc đông thành viên vẫn sẽ được ưa chuộng tại Kpop trong thời gian tới.

Nữ ca sĩ Hàn trở lại sau vụ đạo luận văn thạc sĩ

Hong Jin Young dự định phát hành đĩa đơn vào tháng 4 sau hơn một năm tạm dừng hoạt động vì vướng tranh cãi đạo luận văn.

Phong cách của Tzuyu (TWICE)

Ngoài đời, Tzuyu (TWICE) theo đuổi phong cách thời trang tối giản, thoải mái. Cô không sử dụng nhiều phụ kiện và thường xuất hiện cùng kiểu tóc đơn giản.

Jared Leto khen Jennie (BlackPink)

Trong cuộc phỏng vấn cùng KBS2, nam diễn viên Jared Leto nhận xét nữ ca sĩ Jennie (BlackPink) có tính cách tốt bụng và ngọt ngào.