Lấn kênh, chiếm rạch ở TP HCM (*): Trăn trở về một thành phố đẹp

Xây dựng các khu tái định cư, quản lý khoa học hơn... là những vấn đề ngành chức năng trăn trở, tìm cách giải bài toán kênh rạch nhằm giúp TP HCM đẹp cả về môi trường và chất lượng sống...

Trong loạt bài "Lấn kênh, chiếm rạch ở TP HCM" của Báo Người Lao Động, nhiều kênh rạch tại quận Gò Vấp và quận 8 được nhắc tên. Lãnh đạo 2 quận này đã có phản hồi kịp thời, thông tin về những kế hoạch đang hoặc sẽ tiến hành trong tương lai liên quan câu chuyện ứng xử với kênh rạch.

Kỳ vọng ở nhiều dự án

Bà Lâm Thị Hồng Phúc, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND quận Gò Vấp, cho biết quận được phân cấp quản lý 21 tuyến kênh rạch nhưng có 12 vị trí kênh rạch do yếu tố lịch sử để lại bị xâm hại. Quận đã phối hợp các cơ quan chức năng xử lý được 7 vị trí, còn 5 vị trí chưa giải quyết xong gồm các rạch: Ông Bàu, Chín Xiểng, Ông Bàu nhánh 1, Bà Miêng đoạn 1, Trường Đai nhánh 1. Cả 5 nơi này đang thuộc phạm vi dự án cải tạo kênh rạch do Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP HCM làm chủ đầu tư.

Theo Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Gò Vấp, nhằm ngăn chặn các trường hợp xâm hại, UBND quận chỉ đạo các phường có kênh rạch đi qua tổ chức tuyên truyền, vận động cũng như kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, hằng năm quận và phường đều tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường ven các tuyến kênh rạch kết hợp nạo vét làm thông thoáng dòng chảy.

"Để việc bảo vệ kênh rạch được đồng bộ, khoa học, quận Gò Vấp kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án gồm dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật); công trình cải tạo rạch Bà Miêng; công trình cải tạo rạch Cầu Cụt; công trình cải tạo rạch Chín Xiểng; công trình cải tạo rạch Ông Bầu và công trình cải tạo rạch Ông Tổng..." - bà Lâm Thị Hồng Phúc nói.

Lấn kênh, chiếm rạch ở TP HCM (*): Trăn trở về một thành phố đẹp - Ảnh 1.

Tàu Hũ - Bến Nghé là 1 trong 5 tuyến kênh được chăm chút về cảnh quan, thí điểm việc vớt rác. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Với quận 8, có vị trí địa lý nằm phía Nam TP HCM và ngăn cách với quận 5, quận 6 bởi hệ thống kênh Tàu Hũ, kênh Đôi. Hệ thống kênh rạch với tổng cộng 54 km cũng chia cắt quận này thành nhiều khu vực, điều này tác động rất lớn đến sự phát triển trên địa bàn. Lãnh đạo quận 8 cho hay hằng năm quận đều có kế hoạch kiểm tra liên ngành về trật tự an toàn giao thông đường thủy, trong đó có kiểm tra các hoạt động liên quan hệ thống kênh rạch trên địa bàn 16 phường. Việc ưu tiên kinh phí để nạo vét các nhánh rạch nhằm giải quyết thoát nước, không để tình trạng bồi lắng gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh cho người dân khu vực… cũng được thực hiện nhiều năm qua.

UBND quận đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị sớm hoàn thành dự án nạo vét, trục thoát nước rạch Xóm Củi; nạo vét, cải tạo rạch Nhảy - rạch Ruột Ngựa nhằm tạo thông thoáng dòng chảy cho khu vực.

Quận 8 khuyến khích các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết tham gia công tác di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch theo hình thức đối tác công - tư nhằm giảm tối đa ngân sách. "Sử dụng chính nguồn lực tại chỗ để triển khai các công trình cải tạo, phục hồi kênh, rạch; tính toán mở rộng biên giải tỏa để có thêm quỹ đất sạch, đấu giá lấy nguồn lực đó triển khai dự án… Ngoài ra còn có thể xây chung cư, nhà cao tầng trên nguồn đất sạch đó để tái định cư tại chỗ" - vị lãnh đạo nói thêm về giải pháp.

Lấn kênh, chiếm rạch ở TP HCM (*): Trăn trở về một thành phố đẹp - Ảnh 2.

Trong khi đó, rạch Chín Xiểng chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: THU HỒNG

Giải quyết vấn đề về quản lý

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho hay Sở GTVT đang quản lý khoảng 200 tuyến sông, kênh rạch có chức năng giao thông thủy, riêng các tuyến kênh rạch có chức năng thoát nước do địa phương quản lý. Ngoài ra, hệ thống sông, kênh rạch của thành phố còn được quản lý bởi Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý đường thủy nội địa.

Theo ông An, việc quản lý như vậy khá chồng chéo, chưa đồng bộ, mang tính chia cắt khiến nhiều địa phương chưa phát huy vai trò, làm hết trách nhiệm để bảo vệ kênh rạch…

Ngoài bất cập trong công tác quản lý, theo ông An, hệ thống giao thông thủy đang bị ách tắc bởi lục bình và rác, đặc biệt là rác cồng kềnh. Toàn thành phố chỉ có 5 tuyến kênh được thí điểm vớt rác gồm Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, Bến Cát - Tham Lương... với khoảng 30 tấn rác/ngày.

"Việc vớt rác hiện nay làm cả thủ công và cơ giới nên hiệu quả chưa cao. Vừa rồi, Sở GTVT thí điểm dùng máy vớt rác, cắt lục bình trên rạch Tham Lương - Bến Cát và kết quả khá tốt, chi phí tiết kiệm hơn. Để nhân rộng mô hình này, trong quý III/2022, Sở GTVT sẽ hoàn tất đơn giá định mức trình UBND TP HCM để đầu năm 2023 triển khai đấu thầu trên 5 tuyến kênh được thí điểm, sau đó mở rộng trên tất cả tuyến sông, kênh rạch của thành phố" - ông An nói. Theo ông, với kinh phí khoảng 100 tỉ đồng/năm, hy vọng hệ thống sông, kênh rạch toàn thành phố sẽ không còn rác gây tắc nghẽn dòng chảy, hạn chế tình trạng ngập úng, hôi thối.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GTVT, ngoài tăng cường vớt rác, thành phố cần lưu tâm đầu tư hệ thống giao thông thủy tương xứng hơn. Thống kê nhiều năm qua cho thấy đầu tư cho giao thông thủy chỉ chiếm 3% - 7% tùy theo năm, so với đầu tư hệ thống giao thông đường bộ, chính việc này khiến công tác nạo vét, đầu tư hệ thống biển báo và kè bờ… hầu như rất ít hoặc không có.

Loạt bài “Lấn kênh, chiếm rạch ở TP HCM” đã nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu HĐND TP HCM. Phó trưởng Ban Đô thị - HĐND TP HCM Lê Xuân Viên cho biết sẽ xin ý kiến và bàn với Ban Đô thị về vấn đề này.

Không để xảy ra tình trạng tùy tiện

Lãnh đạo quận 8 cho hay hiện nay tình trạng lấn chiếm kênh rạch cơ bản đã được kiểm soát. Quận 8 yêu cầu UBND các phường thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân giữ nguyên hiện trạng công trình xây dựng. Nếu có nhu cầu sửa chữa thì cần xem xét xin ý kiến của chính quyền quận 8, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tùy tiện.

Về quá trình khôi phục kênh rạch đã bị lấn chiếm, lãnh đạo quận 8 thông tin có khó khăn là nguồn vốn để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân; kinh phí xây dựng bờ kè, hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hệ thống thoát nước. "Ngân sách nhà nước hiện nay còn hạn chế nên thời gian để đưa dự án vào thực hiện còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu, mục tiêu đề ra" - vị lãnh đạo nói.

Lưu luyến ký ức, chật vật hiện tại

Chúng tôi men theo bờ sông Rạch Chiếc về hướng cầu Nam Lý (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP HCM) để tìm dấu tích những con rạch chằng chịt như lời kể của các bậc cao niên. Đáp lại sự hồ hởi ấy, hơn 4 km đường nơi đây nay chủ yếu là những bãi đất trống, cỏ cây dại mọc um tùm phủ lên rác.

Chỉ tay về phía dãy đất trống trước mặt, bà Huỳnh Ngọc Ánh Nga (47 tuổi) nói khu vực này trước kia nhiều kênh, đầm. "Sau đó, các dự án thi nhau hình thành biến chúng thành mặt bằng rộng nhưng hoang vu. Cũng vì thế, cứ mưa là nước tràn vào nhà dân vì chẳng còn hướng để thoát ra sông" - bà Nga nói. Bà cho hay từng là chỗ ghe, xuồng đậu kín, nay những con rạch biến mất vừa gây hoài niệm cho mọi người vừa khiến cuộc sống vốn đã chật vật lại càng khó khăn hơn mỗi khi mưa, ngập.

Theo quan sát, nơi đây còn rất ít dấu vết của dòng chảy mênh mông như lời bà Nga kể, chỉ còn đầm nhỏ cùng đoạn kênh hẹp. Phía bên kia bờ sông, Nam Rạch Chiếc tuy còn giữ được hình hài nhiều rạch chạy xen hàng dừa nước nhưng bị chia cắt hoặc nước đặc sệt bùn cùng rác rưởi. Cũng nơi đây, những chòi tạm bợ được dân lao động nghèo dựng lên làm chốn ở thì một đoạn không xa là sân golf hàng ngàn mét vuông.

"Hồi đó, nhiều rạch dẫn nước chảy ra sông nhưng bây giờ đa phần đã bị lấp. Mưa xuống, nước ngập, muốn cho cháu đi học phải cõng ra vì xe máy không thể qua được. Đã đợi hàng chục năm nay mong cuộc sống tốt hơn nhưng tới nay rạch thì mất, còn chúng tôi không biết đi về đâu" - bà Nguyễn Thị Khế (60 tuổi, người dân sống tại đây) than.

A.Vũ

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-8

Thu Hồng - Lê Vĩnh - Phan Anh