ICBM mới của Triều Tiên mạnh cỡ nào?

Triều Tiên xác nhận thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) loại mới. Điều này đánh dấu lần đầu tiên Bình Nhưỡng phóng một vũ khí uy lực như vậy kể từ năm 2017.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 25/3 cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã trực tiếp chỉ đạo việc phóng tên lửa Hwasong-17, loại vũ khí tiên tiến nhất cho đến nay.

Báo cáo mô tả vụ phóng là một "biện pháp răn đe chiến tranh hạt nhân mạnh mẽ". Dẫn lời ông Kim Jong Un, báo cáo cho biết các lực lượng của nước này đã "hoàn toàn sẵn sàng" cho cuộc đối đầu quân sự tiềm tàng với Mỹ, theo CNN.

Loại vũ khí khổng lồ này có thể đưa toàn bộ nước Mỹ vào trong tầm bắn. Tuy nhiên, còn nhiều điều chưa biết về khả năng mang tải trọng của đầu đạn hạt nhân để đánh trúng mục tiêu của ICBM Triều Tiên.

Hwasong-17 là ICBM lớn của Triều Tiên lần đầu tiên được trình làng vào tháng 10/2020 và được giới phân tích mệnh danh là "tên lửa quái vật".

Trieu Tien thu ten lua anh 1

Tên lửa Hwasong-17 của Triều Tiên rời bệ phóng hôm 24/3. Ảnh: KCNA.

Tầm bắn của tên lửa ở mức nào?

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 25/3 công bố những hình ảnh cho thấy một tên lửa lớn, sử dụng nhiên liệu lỏng được bắn ra từ bệ phóng di động tại Sân bay Quốc tế Bình Nhưỡng.

Báo cáo từ KCNA cho biết tên lửa đã đạt độ cao tối đa 6.248,5 km, bay quãng đường 1.090 km trong 68 phút trước khi đánh chính xác vào khu vực định sẵn giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản.

Điều đó cũng khớp với ước tính trước đó của Nhật Bản. Theo phân tích của Tokyo, ICBM do Triều Tiên phóng đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, ở vị trí cách bán đảo Oshima của Hokkaido khoảng 150 km về phía tây.

Đây có thể là vụ thử ICBM lớn nhất từ ​​trước đến nay của Triều Tiên.

Giới phân tích cho biết trước đó, ICBM được bắn theo quỹ đạo lệch, giúp nó có thể tránh bay qua bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, họ nhận định nếu nó được bắn theo quỹ đạo bình thường và phẳng hơn, toàn bộ lục địa của Mỹ có thể nằm trong tầm bắn.

“Đây là tên lửa có tầm xa nhất mà Triều Tiên từng thử nghiệm”, Jeffrey Lewis, chuyên gia vũ khí kiêm giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ) cho biết.

Tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân không?

Theo giới chuyên gia, Hwasong-17 chắc chắn đủ lớn để có thể mang một hoặc một số vũ khí hạt nhân. Theo ông Lewis, điều đó thể hiện sự tiến bộ của Bình Nhưỡng trong việc đưa đầu đạn nhắm trúng mục tiêu ở Mỹ trong trường hợp xung đột xảy ra.

Tuy nhiên, tiến bộ không đồng nghĩa với việc Triều Tiên có khả năng làm như vậy.

Trong khi cuộc thử nghiệm hôm 24/3 cho thấy tầm bắn khả dĩ của tên lửa, các chuyên gia vẫn chưa biết ICBM này mang loại tải trọng nào. Do tải trọng ảnh hưởng đến việc tên lửa có thể bay bao xa nên giới quan sát không thể biết chắc chắn tầm bắn thực tế của tên lửa, nếu không có thông tin này.

Triều Tiên có thể đưa đầu đạn hạt nhân đánh trúng mục tiêu?

Các chuyên gia lưu ý rằng Bình Nhưỡng chưa cho thấy liệu họ có khả năng xây dựng một hệ thống cho phép đưa đầu đạn hạt nhân quay trở lại bầu khí quyển.

Vì ICBM được bắn vào không gian, đầu đạn của nó phải có khả năng chịu đựng khi xuyên qua các lớp bên ngoài của bầu khí quyển Trái Đất mà không bốc cháy. Tuy nhiên, theo giáo sư Lewis, có rất nhiều người hoài nghi về điều này.

Chương trình tên lửa tiếp theo của Triều Tiên sẽ như thế nào?

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã vạch ra kế hoạch đầy tham vọng nhằm cung cấp cho Triều Tiên một biện pháp răn đe hạt nhân đáng tin cậy. Điều này đồng nghĩa với việc xây dựng một kho vũ khí đủ mạnh để ngăn chặn bất kỳ đối thủ nào tấn công, đặc biệt là Mỹ.

Theo báo cáo của KCNA, ông Kim cho biết vụ thử tên lửa hôm 24/3 khẳng định rằng các lực lượng chiến lược của Triều Tiên "hoàn toàn sẵn sàng để kiềm chế và ngăn chặn triệt để bất kỳ mưu đồ quân sự nguy hiểm nào của Mỹ”.

Ông Lewis cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên đang thúc đẩy một danh sách dài các hoạt động hiện đại hóa vũ khí được đưa ra cách đây hơn một năm. Theo vị giáo sư, đây là những kế hoạch mà Bình Nhưỡng sẽ thực hiện, trong đó có một ICBM mang nhiều đầu đạn.

“Tôi không nghĩ rằng ông ấy (nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un) sẽ dừng lại cho đến khi danh sách đó được hoàn thành", ông Lewis nói.

Trước đó, Triều Tiên từng công bố kế hoạch nâng cao độ chính xác của tên lửa và tăng tầm bắn lên tới 15.000 km.

Video ông Kim Jong Un chỉ đạo phóng tên lửa 'quái vật' Triều Tiên đăng video ấn tượng và đầy kịch tính về việc ông Kim Jong Un chỉ đạo phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17, được giới phân tích mệnh danh là "tên lửa quái vật".

Triều Tiên lên tiếng về vụ phóng ICBM lớn chưa từng thấy

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đích thân giám sát vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa "loại mới" của nước này, truyền thông nhà nước đưa tin ngày 25/2.

Hàn Quốc bắn hàng loạt tên lửa sau khi Triều Tiên phóng ICBM

Quân đội Hàn Quốc cho biết họ đã bắn một loạt tên lửa để phản ứng vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới của Triều Tiên ngày 24/3.