Hơn 1.700 di tích lịch sử Trung Quốc bị hủy hoại do mưa lũ

Hàng loạt công trình lịch sử tại Trung Quốc đã bị phá hủy hoặc hư hại do mưa bão hồi đầu tháng, buộc các nhà chức trách phải tính phương án xử lý.

Xe buýt lao xuống sông ở Trung Quốc do mưa lũ

Hơn 1.700 di tích lịch sử Trung Quốc bị hủy hoại do mưa lũ - 1

Nước lũ nhấn chìm Bình Dao, nơi có di tích thành cổ Bình Dao được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (Ảnh: Paper).

Ít nhất 1.763 di tích lịch sử đã bị phá hủy hoặc hư hại do mưa lớn ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc vào đầu tháng 10, thời điểm xảy ra trận bão khiến 15 người thiệt mạng.

Tổng cộng 19.000 công trình đã bị phá hủy trong những trận mưa như trút nước ở tỉnh Sơn Tây, nơi được mệnh danh là bảo tàng công trình cổ đại vì có nhiều di tích lịch sử hơn bất kỳ khu vực nào ở Trung Quốc. Sơn Tây hiện có hơn 50.000 di tích lịch sử và hơn 30.000 công trình kiến trúc cổ.

Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa Sơn Tây, 89 di tích đã bị "hư hại nghiêm trọng", gặp các vấn đề lớn về cấu trúc; 750 địa điểm bị "ảnh hưởng tương đối nghiêm trọng" với các mảng tường hoặc dầm đỡ bị sập. Ngoài ra còn có các thiệt hại nhỏ khác như nứt tường và sụt lún nền đất xung quanh các công trình.

Đặc biệt, tại thành cổ Bình Dao, di sản thế giới được UNESCO công nhận tại tỉnh Sơn Tây, có 51 đoạn tường thành bị hư hại. Một đoạn tường dài 25 m bị sập do mưa bão.

Bên trong thành cổ, hơn 300 ngôi nhà cổ đã bị phá hủy một phần do những trận mưa lớn. Người dân sống trong những ngôi nhà bị ảnh hưởng đã được sơ tán và chính quyền địa phương đã bắt đầu sửa chữa các công trình bị hư hại.

Cục Di sản Văn hóa Quốc gia Trung Quốc đã cử các chuyên gia và cấp kinh phí để giúp sửa chữa các công trình bị hư hại ở Sơn Tây.

Hơn 1.700 di tích lịch sử Trung Quốc bị hủy hoại do mưa lũ - 2

Mưa lớn khiến nhiều công trình lịch sử bị thiệt hại ở Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Bai Xuebing, quan chức tại cơ quan quản lý di sản tỉnh, cho biết, trận mưa kéo dài 4 ngày vào đầu tháng này đã gây áp lực đáng kể lên các tòa nhà cổ.

"Các tòa nhà lịch sử ở Sơn Tây hầu hết được làm bằng gỗ. Chúng khó có khả năng chống chịu thiên tai do lịch sử lâu đời, chịu tác động từ thiên nhiên và hàng nghìn năm hoạt động của con người. Các di tích rất dễ bị hư hại khi bị ngập trong nước trong thời gian dài, do lũ cuốn theo nhiều bùn và chảy với tốc độ nhanh", ông Bai nói thêm.

Theo ông Bai, hầu hết các tòa nhà bị thiệt hại nhiều nhất nằm ở các ngôi làng hẻo lánh và không được chính phủ bảo vệ nhiều. Một trong số đó là chùa Zhenwu, được xây dựng vào giai đoạn 1271-1368 ở huyện Fenxi. Chính quyền địa phương cho biết nhiều phần tường trong chùa đã bị sập và có những vết nứt trên tường.

Tại nhiều nơi ở Trung Quốc, lũ lụt đang gây ra thiệt hại nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều nhà cửa và mùa màng. Tính riêng tại Sơn Tây, hơn 120.000 người đã phải sơ tán vì hàng nghìn ngôi nhà bị sập và 190.000 héc-ta hoa màu bị hư hại, theo Xinhua

Mưa lớn đã ảnh hưởng tới hoạt động khai thác ở 60 mỏ than lớn tại Sơn Tây trong bối cảnh Trung Quốc đang ứng phó với cuộc khủng hoảng thiếu điện toàn quốc. Tổng cộng khoảng 1,75 triệu người ở Sơn Tây đã bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn, gần gấp 4 lần mức trung bình hàng tháng.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, 59 đài khí tượng quốc gia đã ghi nhận lượng mưa hàng ngày cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Thành Đạt

Theo SCMP