Hành trình đưa 17.000 người về quê của Phú Yên

Hơn 2 tháng, Phú Yên tổ chức 730 chuyến xe đón khoảng 17.000 người ở các tỉnh phía Nam về quê, giúp họ vượt qua khó khăn khi dịch bùng phát.

Sau hơn tháng về quê tránh dịch tại thị xã Đông Hòa, mỗi ngày Lê Thị Phượng Uyên (25 tuổi) giúp mẹ làm việc nhà và dành thời gian đọc sách, tranh thủ bán hàng online quần áo khi địa phương cơ bản khống chế được Covid-19.

Phượng Uyên làm việc cho văn phòng luật sư tại TP HCM. Đầu tháng 6, dịch ở thành phố bùng phát, công ty tạm đóng cửa, suốt ngày cô quanh quẩn trong phòng trọ hơn 10 m2. Dãy trọ phát hiện nhiều F0, Uyên bắt đầu lo lắng, muốn về quê, nhưng lúc này tàu xe dừng hoạt động. Một số người rủ tự chạy xe máy nhưng vì đường xa xôi, lại khó qua các chốt chặn kiểm soát, cô từ chối.

Đầu tháng 8, nghe tin tỉnh nhà đón người từ miền Nam, ưu tiên nhóm khó khăn, người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ... cô nấn ná song cũng lên trang Hội đồng hương tỉnh đăng ký. Một tuần sau, cô nhận điện thoại từ hội đồng hương thông báo địa điểm, thời gian khởi hành và làm các thủ tục để về quê.

Chuyến xe rời Bến xe Miền Đông đưa 600 người dân về Phú Yên, ngày 3/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Chuyến xe rời Bến xe Miền Đông đưa 600 người dân về Phú Yên, ngày 3/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Chủ tịch UBND Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết khi đợt dịch thứ tư bùng phát, tỉnh thống kê khoảng 60.000 người dân của tỉnh sống, làm việc ở các tỉnh phía Nam, trong đó phần lớn tại TP HCM. Địa phương nhận được nguyện vọng của nhiều người dân mong trở về. Tuy nhiên lúc này, dịch rất phức tạp, ngày 31/7 Thủ tướng yêu cầu nhiều tỉnh phía Nam thực hiện Chỉ thị 16 "ai ở đâu yên đó". Diễn biến dịch ở tỉnh lại rất căng thẳng.

Theo ông Thế, đề xuất đón người dân được đưa ra bàn thảo ở nhiều cuộc họp. Có ý kiến đồng tình cần phải làm sớm bởi đây không chỉ giúp giảm áp lực cho các tỉnh bạn mà còn là trách nhiệm địa phương với người dân xa quê. Song còn có người bày tỏ lo ngại việc đưa nhiều người từ tâm dịch sẽ khiến hệ thống y tế, cách ly của tỉnh quá tải, dễ lây lan, bùng phát cho địa phương.

Lúc đó, Phú Yên đang cách ly tập trung hơn 5.289 người. Hệ thống phòng ốc cách ly dần quá tải, phải sử dụng cơ sở giáo dục ở các địa phương. Ngoài khả năng tài chính hạn hẹp, trang thiết bị y tế của tỉnh cũng rất thiếu thốn, nhân lực y tế hạn chế. Địa phương chỉ có 4 phòng xét nghiệm Covid-19 với năng lực 4.000 mẫu đơn mỗi ngày.

"Nếu tỉnh vin vào khó khăn mà không tạo cho người dân cơ hội về quê sẽ khiến họ mất niềm tin. Nếu mọi người đổ xô trở về bằng mọi cách, công tác kiểm soát dịch ở địa phương càng gặp khó khăn", ông Thế nói và cho biết đã liên hệ Hội đồng hương của tỉnh tại TP HCM trao đổi việc làm đầu mối tiếp nhận thông tin người dân muốn về quê để lên danh sách.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra nhân viên việc lấy mẫu xét nghiệm khi người dân trở về. Ảnh: Thiên Lý

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra nhân viên việc lấy mẫu khi người dân trở về. Ảnh: Thiên Lý

Sở Thông tin và Truyền thông cùng Tỉnh đoàn Phú Yên được giao nhiệm vụ phối hợp Hội đồng hương thiết lập tổng đài, trực 24/24h để người dân đăng ký. Ông Trình Tự Kha, Phó chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên tại TP HCM kể, thời gian đầu công bố đường dây nóng, mỗi ngày các đầu mối của hội nhận gần 500 cuộc gọi, nhiều đêm thức trắng để xử lý dữ liệu, xét duyệt, lên danh sách...

Tỉnh đưa ra phương án, người dân đăng ký thành công sẽ được xác nhận danh tính tại địa phương; khai báo y tế, tình trạng sức khỏe, kết quả xét nghiệm Covid-19 hiệu lực trong 36 giờ. Khi lên xe, họ phải khử khuẩn, mặc đồ bảo hộ và được phân theo từng xã, huyện. Mỗi xe có từ 25 đến 30 người để đảm bảo giãn cách.

Về đến quê, người dân phải cách ly tập trung ở trường học, nhà văn hóa 7 ngày, rồi theo dõi tại nhà thêm một tuần. Những trường hợp dương tính chuyển tới các khu cách ly tập trung. Toàn tỉnh có trên 1.690 tổ Covid-19, mỗi tổ 3-5 người tùy vào từng địa phương để hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch.

Sau khi hoàn chỉnh phương án cụ thể, tỉnh thông báo với TP HCM và các tỉnh phía Nam thống nhất chủ trương, đồng ý cho các xe chở người địa phương qua chốt kiểm soát. Cùng với đó, hai xe cảnh sát giao thông của Phú Yên vào Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) và dẫn đường suốt hành trình khoảng 600 km.

Bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết khi tỉnh có kế hoạch đón người về, ngành y tế lập phòng xét nghiệm di động lấy mẫu tất cả người về, có kết quả sau 4 giờ. Các bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế tại địa phương sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, bố trí nhân sự y tế khi cần thiết.

Đồng thời, Sở Y tế lập các tổ lấy mẫu xét nghiệm đủ năng lực đáp ứng cho mỗi đợt đón 500-800 công dân về địa phương; theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho người dân thời gian cách ly tại nhà.

Tổng số người đón về sau 2 tháng rất lớn, ngành y tế đã xét nghiệm phát hiện tổng cộng 125 người dương tính, gây áp lực cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, nhờ chủ động tầm soát, lại đón về tập trung, địa phương đã kiểm soát, cách ly và chữa trị sau khi nâng năng lực điều trị lên 1.700 F0.

Tài xế mặc đồ bảo hộ chở người dân Phú Yên về quê miễn phí, hôm 3/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Tài xế mặc đồ bảo hộ chở người dân Phú Yên về quê miễn phí, hôm 3/8. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo Chủ tịch UBND Phú Yên Trần Hữu Thế, trong kế hoạch đón người dân trở về, điều khiến tỉnh lo lắng nhất là phương tiện vận chuyển. Tuy nhiên, địa phương có sự đồng hành, hỗ trợ miễn phí từ hãng xe Phương Trang. Hãng đã huy động 40 ôtô giường nằm, trên 100 tài xế, nhân viên thực hiện 730 chuyến đón bà con trở về. Chuyến xe đầu tiên lăn bánh ngày 26/7 đưa 300 người và chuyến cuối cùng vào ngày 8/10 rước gần 800 trường hợp.

Đến nay, dịch ở TP HCM và các tỉnh phía Nam được điểm soát. Phú Yên đã dừng đón người dân sau thời gian dài triển khai. Người đứng đầu chính quyền tỉnh cho biết, sắp tới sẽ rà soát nhu cầu người dân, ai có nguyện vọng ở lại, địa phương tạo điều kiện về việc làm. Những người muốn trở lại các tỉnh phía Nam, chính quyền sẽ tìm cách để hỗ trợ, giúp đỡ.

Xuân Ngọc