Hai thái cực dư luận khi Djokovic bị trục xuất

Nhiều người hoan nghênh tòa án Australia hủy thị thực của tay vợt Djokovic, trong khi người ủng hộ anh chỉ trích hành động của Canberra đáng xấu hổ.

Chánh án James Allsop của tòa án thành phố Melbourne hôm nay tuyên bố giữ quyết định của Bộ trưởng Di trú Alex Hawke về hủy visa đối với tay vợt Serbia Novak Djokovic. Djokovic bị trục xuất và không thể tham dự giải Australia Mở rộng.

Vài phút sau khi thua kiện, tay vợt số một thế giới bày tỏ thất vọng trên trang Instagram có 10 triệu người theo dõi.

"Tôi vô cùng thất vọng với phán quyết vừa được tuyên của Tòa án, bác đơn xin xem xét lại quyết định hủy visa của tôi từ Bộ trưởng Di trú. Điều này đồng nghĩa tôi không thể ở lại Australia để thi đấu. Nhưng, tôi tôn trọng phán quyết của Tòa và sẽ hợp tác với các cơ quan liên quan đến việc tôi rời khỏi đất nước", Djokovic cho hay.

Phán quyết của tòa án đã dẫn đến những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội. "Gian lận quy định phòng Covid-19, dối trá hình thức nhập cư và biểu tượng bài vaccine Novak Djokovic đã thua kiện và sẽ bị đuổi khỏi Australia, không thể thi đấu ở Australia Mở rộng. Thật tốt", phát thanh viên Piers Morgan đăng Twitter.

Tay vợt Novak Djokovic trong buổi tập tại trung tâm quần vợt Melbourne Park ở thành phố Melbourne, Australia hôm 12/1. Ảnh: AFP.

Tay vợt Novak Djokovic trong buổi tập tại trung tâm quần vợt Melbourne Park ở thành phố Melbourne, Australia hôm 12/1. Ảnh: AFP.

Bộ trưởng Nhập cư Hawke cho biết lập trường của Djokovic có thể truyền cảm hứng bài vaccine và ông hoan nghênh phán quyết của tòa. "Các chính sách bảo vệ biên giới mạnh mẽ của Australia đã giữ chúng ta an toàn trong thời kỳ đại dịch. Đó cũng là yếu tố cơ bản để bảo vệ sự gắn kết xã hội Australia", Hawke cho hay.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng hoan nghênh phán quyết của tòa đã "giữ cho biên giới của chúng ta bền chặt và giữ an toàn cho người Australia".

"Người Australia đã hy sinh rất nhiều trong đại dịch này, và họ thực sự mong đợi kết quả của những hy sinh đó sẽ được bảo vệ. Biên giới vững chãi là nền tảng cho pháp quyền cũng như lối sống của người Australia", Thủ tướng Morrison nói.

Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic rất tức giận với quyết định của phía Australia.

"Tôi đã nói chuyện với cậu ấy, rằng tôi rất mong cậu ấy sớm về Serbia, về đất nước của cậu ấy, nơi cậu luôn được chào đón. Đối xử tệ bạc với người chơi quần vợt xuất sắc nhất suốt 11 ngày, và vào ngày thứ 11 trao cho cậu ấy quyết định như ngày đầu tiên", Vucic nói, đồng thời chỉ trích các luật sư của chính phủ Australia dối trá.

Vucic cho biết vận động viên Australia sẽ được chào đón theo cách tốt hơn nhiều ở Serbia tại giải điền kinh vào tháng 3.

"Xin cảm ơn người dân Australia vì tôi chắc chắn họ yêu mến người Serbia. Chính phủ Australia nghĩ đã làm nhục Djokovic, nhưng họ làm nhục chính họ. Cậu ấy có thể về nước và ngẩng cao đầu nhìn vào mắt mọi người", Tổng thống Serbia nói thêm.

Nhà báo thể thao chuyên mảng quần vợt người Pháp Carole Bouchard đăng bài châm biếm chính phủ Australia.

"Cách Djokovic bị đối xử từ khi thắng trong lần kháng án đầu tiên hoàn toàn là nỗi ô nhục", Bouchard viết trên Twitter. "Anh ấy không phải mối đe dọa đối với Australia. Anh ấy không đến để kích động bất kỳ phong trào bài vaccine nào. Họ hoàn toàn biết rõ điều đó. Thật đáng xấu hổ".

Tay vợt vĩ đại Australia Rennae Stubbs bày tỏ lấy làm tiếc cho Djokovic. "Đã chính thức rồi. Nhà đương kim vô địch 9 lần sẽ bị trục xuất khỏi Australia. Đây là ngày buồn đáng tiếc đối với quần vợt, với Australia, với giải Australia Mở rộng và nhất là với Djokovic. Tôi thực sự không thể tin mọi việc lại ra nông nỗi này", Stubbs cho hay.

Nhà báo người Anh Dawn Neesom cho rằng chính phủ Australia nói cho phép Djokovic thi đấu sẽ khiến anh trở thành người hùng bài vaccine, nhưng bằng cách trục xuất và cấm nhập cảnh trong ba năm, "họ đã biến anh ấy thành liệt sĩ". "Thật là một mớ hỗn độn", Neesom đăng Twitter.

Nhiều người hâm mộ Djokovic phản ứng dữ dội trước thông tin này. "Hôm nay Australia đã tự làm xấu mình. Họ giam, làm bẽ mặt rồi trục xuất tay vợt nam vĩ đại nhất từ trước đến nay, Novak Djokovic, ngay cả sau khi tòa án của chính họ tuyên bố anh vô tội. Trở thành chủ nhà tốt là cốt lõi của văn hóa Serbia. Chúng tôi sẽ không quên điều này", một người hâm mộ cho hay.

Sự việc của Djokovic kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ khi anh bị hủy visa lần đầu tiên tại sân bay Melbourne Tullamarine đêm 5/1 do những tranh cãi về bằng chứng anh được miễn trừ tiêm vaccine Covid-19. Trong phiên điều trần hôm 10/1, thẩm phán yêu cầu chính phủ Australia trả lại visa cho Djokovic vì Lực lượng Biên phòng làm sai quy trình. Djokovic sau đó được tự do, trải qua ba ngày tập luyện ở sân Rod Laver Arena rồi bị hủy visa lần thứ hai và kháng cáo bất thành.

Huyền Lê (Theo Fox Sport, AFP, The Age)