Hà Nội tập trung để Đông Anh và Gia Lâm lên quận trước

Trong lộ trình đưa 5 huyện lên quận, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết sẽ ưu tiên nguồn lực để Đông Anh và Gia Lâm lên quận trước.

Kết luận hội nghị thứ 6, Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội ngày 1/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định năm 2021 TP đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của năm 2021 vẫn có nhiều điểm sáng.

Cân đối thu - chi ngân sách của Hà Nội vẫn được bảo đảm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 242.000 tỷ đồng, vượt 2,7% so với dự toán Trung ương giao.

Thời gian còn lại của năm 2021 không còn nhiều, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Thành ủy viên, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021, tạo tiền đề cho năm 2022.

Song song với biện pháp phục hồi kinh tế, lãnh đạo Thành ủy yêu cầu cần xây dựng kế hoạch nội dung công việc, tiến độ cụ thể để tập trung triển khai chủ trương lớn của Thành ủy ngay trong năm 2022 như dự án đường Vành đai 4, cải tạo chung cư cũ, lập quy hoạch phát triển và điều chỉnh quy hoạch chung...

huyen len quan o Ha Noi anh 1

Bản đồ hành chính Hà Nội. Ảnh: Hanoi.gov.vn.

Riêng đối với kế hoạch phát triển 5 huyện lên quận, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội cho biết TP sẽ căn cứ thực tiễn phát triển của địa phương và khả năng cân đối ngân sách. Trước mắt, TP tập trung hỗ trợ cho 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành tiêu chí lên quận rồi lần lượt đến địa phương còn lại.

Đối với kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất có một gói hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công của thành phố cho địa phương còn khó khăn để bảo đảm sự phát triển đồng đều giữa địa phương trên địa bàn.

Cụ thể hơn về phương hướng năm tới, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết thành phố sẽ dành nguồn lực nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, trong đó lĩnh vực văn hóa sẽ tập trung tu bổ di tích; tập trung đột phá trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số…

Ông Chu Ngọc Anh đề nghị các đơn vị đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư để TP bố trí vốn. TP ưu tiên cho quận, huyện làm chủ dự án đầu tư công từ ngân sách TP trong kế hoạch năm 2022. Cùng với đó, TP sẽ tập trung tăng cường cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường kinh tế số, chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực.

Trong 10 chương trình công tác toàn khóa vừa được Thành ủy Hà Nội hồi tháng 4, Chương trình 04 đề cập đến nhiều nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, phát triển nông thôn và nâng cấp 8 huyện lên quận cho giai đoạn 10 năm tới.

Chương trình 04 đặt mục tiêu đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025.

Trong các nhiệm vụ được Hà Nội đề ra, TP sẽ tập trung xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí đô thị tại 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021-2025 là Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và 3 huyện lên quận giai đoạn 2026-2030 là Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.

Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính. 12 quận gồm Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông.

17 huyện là Ba Vì, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây.

Hà Nội sẽ có thêm 8 quận

Theo Chương trình 04 về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội vạch kế hoạch đưa 5 huyện lên quận trong 5 năm tới và thêm 3 huyện nữa vào giai đoạn 2026-2030.