Hà Nội "loay hoay" xử lý đền bù, 135 hộ dân chật vật suốt 15 năm

Hàng trăm hộ gia đình có tỷ lệ đất nông nghiệp thu hồi trên 30% để thực hiện dự án xây dựng depot đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội tiếp tục khiếu kiện vì quyền lợi chưa được giải quyết dứt điểm.

Diễn biến mới việc xử lý đền bù

Ông Ngô Ngọc Vân - Phó chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) - vừa ký văn bản trả lời nhiều người dân đang sinh sống trên địa bàn phường Tây Tựu liên quan đến việc rà soát, thực hiện Thông báo số 381/TB-VP/2021 của UBND TP Hà Nội đối với các hộ gia đình có tỷ lệ đất nông nghiệp thu hồi trên 30% để thực hiện dự án xây dựng đề pô tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Theo UBND quận Bắc Từ Liêm, thông báo số 381/TB-VP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, giao Thanh tra thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Bắc Từ Liêm và các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ, tài liệu, quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng liên quan đến các hộ có tỷ lệ thu hồi đất nông nghiệp trên 30% đã được UBND huyện Từ Liêm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giai đoạn 2006-2007.

Trên cơ sở đó căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các quy định của pháp luật, đề xuất, báo cáo UBND TP Hà Nội chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc.

Hà Nội loay hoay xử lý đền bù, 135 hộ dân chật vật suốt 15 năm - 1

Dự án depot đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (Ảnh: K.K).

Quận Bắc Từ Liêm đã phối hợp với Thanh tra TP Hà Nội rà soát hồ sơ, tài liệu. "Hiện nay, Thanh tra thành phố Hà Nội đang tổng hợp, báo cáo, đề xuất các cơ quan chức năng có thẩm quyền chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ gia đình có tỷ lệ đất nông nghiệp thu hồi trên 30% theo quy định pháp luật" - văn bản của ông Ngô Ngọc Vân thông tin.

Tại Thông báo 381/TB-VP, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Thanh tra TP Hà Nội chủ trì rà soát, báo cáo kết quả để giải quyết dứt điểm vụ việc liên quan đến 135 hộ gia đình khiếu kiện suốt thời gian dài trước ngày 10/7/2021. Tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa rõ hồi kết.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3) do Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư; tổng mức đầu tư 783 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư: Vốn vay ODA, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Năm 2021, UBND TP Hà Nội đã từng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng khoản hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm bằng tiền như khung chính sách của dự án đã được xây dựng theo Nghị định số 197/2004. Số tiền dự kiến phê duyệt bổ sung cho 135 hộ trong trường hợp được chấp thuận là 75 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hà Nội cũng đã giao Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm rà soát toàn bộ các trường hợp được hoán đổi đất, xác nhận nguồn gốc đất không đúng quy định tại Dự án xây dựng đề pô tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Hà Nội, đồng thời xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan.

Trường hợp không thu hồi được số tiền bồi thường, hỗ trợ đã chi trả không đúng quy định, UBND quận Bắc Từ Liêm chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vì đâu nên nỗi?

Ông Nguyễn Khắc Kiên - trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, đại diện cho nhiều hộ dân khiếu kiện - cho rằng tổng số người thuộc diện phải rà soát chắc chắn sẽ nhiều hơn 135 người. Đến nay, người dân đã khốn khổ, mệt mỏi vì phải "ôm đơn" khiếu kiện suốt 15 năm qua.

Hà Nội loay hoay xử lý đền bù, 135 hộ dân chật vật suốt 15 năm - 2

Ông Nguyễn Khắc Kiên và các hộ dân ở quận Bắc Từ Liêm bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp để thực hiện dự án depot đường sắt Nhổn - ga Hà Nội mỏi mòn khiếu kiện suốt 15 năm qua (Ảnh: K.K).

Nguồn gốc của việc này, theo ông Kiên xuất phát từ việc UBND huyện Từ Liêm (hiện nay là quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm) ban hành quyết định không đúng và không phù hợp quy định tại Nghị định số 84/2007 của Chính phủ.

Cụ thể, Điều 48 Nghị định 84/2007 quy định: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trong trường hợp không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng mà không có nguyện vọng nhận bồi thường bằng đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 17/2006 thì được bồi thường bằng giao đất ở có thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư hoặc tại vị trí trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch.

Các hộ dân đã kiên trì khiếu nại yêu cầu Hà Nội phải bồi thường bằng giao đất ở khu tái định cư nhưng không được chấp thuận. Phương án bồi thường bằng tiền đã được "đưa lên đặt xuống" thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được dứt điểm, gây ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người dân.

Thế Kha