Giết mổ, tàng trữ hổ, chủ tịch xã đối diện hình phạt nào?

Theo luật sư, ông Quân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tàng trữ một con hổ đông lạnh và nhiều bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật hoang dã.

Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, đang tạm giữ ông Ngô Văn Quân (52 tuổi, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong) để điều tra việc tàng trữ, giết mổ một cá thể hổ.

Ngày 6/1, kiểm tra đột xuất nhà ông Quân, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Công an thị xã Phổ Yên phát hiện một con hổ vừa bị giết để nấu cao.

Tại hiện trường, cảnh sát thu giữ một xác hổ đông lạnh, một bộ xương hổ, 2 bộ da hổ, một đầu sơn dương đông lạnh và nhiều xương, thịt động vật được cất giấu ở khu vực bếp, sân nhà. Cũng tại nhà ông Quân, cơ quan chức năng còn tìm thấy 1.578 gói cao, 21 lọ thủy tinh đựng chất lỏng dán nhãn "1 cc mật gấu tươi".

Với hành vi trên, ông Quân có thể bị xử phạt như thế nào?

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội

Hổ là động vật hoang dã nằm trong danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thuộc Nhóm IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Do đó, hành vi nuôi nhốt, giết mổ hổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo thông tin ban đầu, ông Quân bị phát hiện tàng trữ một xác cá thể hổ đông lạnh và nhiều bộ phận khác của động vật như xương, da, đầu sơn dương... Theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP, xương, da... là những bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống. Như vậy, theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, ông Quân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tàng trữ một cá thể hổ và nhiều bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của cá thể lớp thú.

Tại khoản 1, Điều 244, quy định Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ Nhóm IB, bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.

Chu tich UBND xa bi bat anh 1

Cảnh sát kiểm tra nhà ông Quân. Ảnh: Đ.X.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng sẽ cần làm rõ 1.578 gói cao trong nhà ông Quân được làm từ đâu. Nếu cao được làm từ một trong những loại động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo Điều 234 Bộ luật Hình sự.

Khung hình phạt đối với tội danh này tối thiểu là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và tối đa là 15 năm. Ngoài ra, người bị kết tội sẽ có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền 50-200 triệu đồng.

Chủ tịch xã bị bắt vì giết mổ, tàng trữ hổ

Chủ tịch UBND xã Tiên Phong (Thái Nguyên) tàng trữ một xác hổ đông lạnh, 2 bộ da hổ, một đầu sơn dương và nhiều xương, thịt động vật tại nhà.