Giải pháp giúp nông dân có thêm 4 triệu đồng mỗi ha lúa

Giảm 100 kg phân bón mỗi ha lúa nhưng năng suất tăng 5%; nông dân có thêm lợi nhuận 4 triệu đồng khi sử dụng giải pháp bón phân cân đối.

Đây là kết quả mô hình trình diễn tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vừa được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố.

Ruộng lúa mô hình trình diễn bón phân cân đối tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: Kim Ngân

Ruộng lúa mô hình trình diễn bón phân cân đối tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: Kim Ngân

Mô hình được áp dụng trên 3.000 m2 ruộng lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 của nông dân Huỳnh Thanh Sang tại xã Tân Lập, huyện Tri Tôn. Ruộng sạ giống lúa OM 5451, sử dụng giải pháp bón phân của Công ty Cổ phần Phân bón Cà Mau.

Theo đó, việc thay đổi công thức bón phân gồm giảm đạm, giảm lân, giảm số lần bón, cơ cấu lại tỷ lệ bón hợp lý hơn, cân đối hơn giữa các thành phần đam-lân-kali. Thời điểm bón cũng được tính toán lại nhằm phù hợp hơn với nhu cầu dinh dưỡng từng giai đoạn cây lúa, bỏ hẳn 2 lần bón cuối (48 ngày và 74 ngày sau sạ) so với tập quán của nông dân.

Ruộng trình diễn bón tổng cộng 117 kg phân bón, gồm 3 loại (21 kg urea Cà Mau, 27 kg DAP 18-46 và 69 kg NPK 18-8-18. Còn ruộng đối chứng bón 147 kg phân, gồm 4 loại (36 kg Urea Cà Mau, 30 kg DAP 18-46, Kali 9 kg và 72 kg NPK 16-16-8).

Như vậy, trên mỗi ha lúa ở ruộng trình diễn sử dụng 390 kg phân bón còn ruộng đối chứng là 490 kg.

Đến khi thu hoạch, ruộng trình diễn đạt 2.502 kg lúa (tương đương 8.340 kg mỗi ha). Trong khi đó ruộng đối chứng thu được 2.382 kg lúa (7.940 kg mỗi ha).

Với kết quả này, trung bình một ha lúa trên ruộng trình diễn, nông dân tiết kiệm được 100 kg phân bón tương đương 1,7 triệu đồng, năng suất cao hơn 400 kg, lợi nhuận tăng thêm 4 triệu đồng.

Nông dân Huỳnh Thanh Sang cho biết, khi bón phân theo giải pháp cân đối, lúa trên ruộng trình diễn ít bị sâu bệnh tấn công, phát triển tốt. "Vật giá leo thang, làm nông giờ khó hơn trước. Nông dân tiết kiệm được phân bón mà còn tăng năng suất là quá tốt", ông Sang nói.

Cùng nông dân thăm mô hình tại huyện Tri Tôn, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá ruộng trình diễn mô hình bước đầu ghi nhận cho kết quả tốt, giảm được lượng bón trong khi năng suất vẫn tăng; cây lúa khoẻ, đảm bảo về chất lượng khi hạt lúa sáng, chắc.

Cũng theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, mô hình trình diễn này nằm trong chương trình hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 23 doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm phân bón, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Ông Huỳnh Tấn Đạt kiểm tra mô hình trình diễn tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: Kim Ngân

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (bìa trái) kiểm tra mô hình trình diễn tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: Kim Ngân

"Hiện có 15 mô hình điển hình đã công bố trên website của Cục Bảo vệ thực vật để địa phương, doanh nghiệp và người dân tham khảo, áp dụng. Các mô hình này sẽ thường xuyên được cập nhật, bổ sung thông qua việc lựa chọn, đánh giá thực tế như thế này", ông Đạt nói.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, đánh giá cao hiệu quả việc tiết kiệm phân bón mà mô hình mang lại. "Chỉ tính riêng huyện Tri Tôn có diện tích lúa hơn 41.000 ha, nếu mỗi ha giảm 100 kg phân thì tiết kiệm sô tiền rất lớn cho bà con nông dân...", ông Hiền nói.

Vụ lúa Đông Xuân mỗi năm, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống khoảng 1,52 triệu ha; năng suất bình quân khoảng 7,2 tấn mỗi ha.

Kim Ngân